Thị trường ô tô trông chờ sự hồi phục của nền kinh tế nhờ vắc xin chống COVID-19
Theo các chuyên gia, làn sóng thứ 3 dịch COVID-19 được kiểm soát rất tốt và hoạt động tiêm vắc xin ngừa COVID-19 đang diễn ra tích cực sẽ là những tín hiệu tích cực cho thị trường xe trong nước sôi động trở lại.
Theo thống kê sơ bộ từ Tổng cục Hải quan, ô tô nhập khẩu về Việt Nam 15 ngày đầu tháng 3 đang tăng đến 2 lần so với thời điểm đầu năm 2021. Cụ thể, trong 15 ngày đầu tháng 3/2021, tổng số xe ô tô nhập khẩu đạt hơn 8.700 chiếc, tăng lần lượt 2.000 chiếc và 4.000 chiếc so với các kỳ 15 ngày đầu của tháng 2 và tháng 1.
So với cùng kỳ năm ngoái, tổng số xe nhập về Việt Nam trong 15 ngày đầu tháng 3 năm 2021 tăng hơn 4.200 chiếc, trong đó xe con tăng hơn 3.000 chiếc, tương ứng mức tăng 50%.
Trong tháng 2, ô tô nguyên chiếc các loại được đăng ký làm thủ tục hải quan nhập khẩu vào Việt Nam là 10.039 chiếc, giá trị đạt 209 triệu USD, tăng 20% so với lượng nhập khẩu tháng 1 (đạt 8.343 chiếc với trị giá đạt 213 triệu USD).
Theo chuyên gia, lượng ô tô nhập khẩu về Việt Nam tăng vọt là tín hiệu đáng mừng cho thị trường xe hơi Việt, nhất là phân khúc xe giá rẻ với mức giá từ 370 triệu đồng đến 470 triệu đồng/xe, những mẫu xe giá rẻ này đang được nhập khẩu ngày càng nhiều. Chính vì vậy, phân khúc xe giá rẻ trong thời gian tới có thể sẽ tăng trưởng nóng, khuấy đảo thị trường trong quý II/2021, đặc biệt là khi các mẫu xe của Thái Lan, Indonesia được nâng cấp hoặc ra mẫu mới.
Trong khi đó, sau khi hứng chịu tác động mạnh của dịch bệnh COVID-19, thị trường xe trong nước đang sôi động trở lại với các chính sách kích cầu, giảm giá và cho vay mua xe của hàng loạt hãng xe.
Đặc biệt, với Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam - Liên minh Châu Âu (EVFTA) có hiệu lực (ô tô nhập khẩu từ Châu Âu đang chịu thuế suất 70%, Việt Nam cắt giảm thuế nhập khẩu ô tô từ EU bình quân khoảng 7% và sau 10 năm thuế sẽ về 0%), nhiều người kỳ vọng, có thể mua xe Châu Âu với chi phí thấp hơn.
Năm 2021, thị trường xe Việt không có nhiều hỗ trợ từ chính sách nên doanh số bán hàng vẫn trông chờ từ sự hồi phục của nhu cầu khi kinh tế hồi phục mạnh nhờ có vắc xin chống COVID-19. Nếu các tín hiệu hồi phục kinh tế tốt lên, chắc chắn thị trường xe trong nước giữa năm sẽ "sốt" trở lại.
Nhằm kích cầu hơn nữa và giữ vững được thị phần, cạnh tranh được với xe nhập có ưu thế về thương hiệu, ông Tân cho rằng, Chính phủ Việt Nam nên có thêm các chính sách ưu đãi đối với xe lắp ráp trong nước, để các hãng xe trong nước có cơ hội giảm giá xe, cạnh tranh về giá so với xe nhập khẩu.
Hiện tại, hầu hết các hãng xe đã chấm dứt chế độ ưu đãi giảm 50% đến 100% phí trước bạ và chuyển sang hình thức khuyến mãi, giảm giá trực tiếp vào giá bán hoặc tăng dịch vụ hậu mãi như tăng thời hạn bảo hành, bảo dưỡng lên đến 5 năm hoặc các chính sách bao trọn lãi suất ngân hàng khi vay mua xe.
Hoài Thương (tổng hợp)Bộ Giao thông vận tải ban hành Thông tư số 33/2024/TT-BGTVT quy định về quản lý giá dịch vụ sử dụng phà được đầu tư từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước, do trung ương quản lý.