Thị trường phân bón thế giới sẽ chưa sớm hạ nhiệt, giá Kali dự báo tăng mạnh
Lệnh trừng phạt của phương Tây với một trong những nhà xuất khẩu kali lớn nhát thế giới sẽ dẫn đến việc tăng giá kali trên toàn cầu và giảm khả năng cung cấp loại hàng hóa này.
Động thái này diễn ra trong bối cảnh giá kali đã tăng thêm tới 100 USD/tấn chỉ trong 2 tháng qua, và hiện cao gấp rưỡi so với một năm trước đây.
Ở mức 549 USD/tấn, giá bán lẻ trung bình phân kali hiện cao hơn 15% so với tháng trước, và cao hơn 54% so với một năm trước.
Vào tháng 7 năm ngoái, người nông dân có thể mua một tấn kali với giá 353 USD. Nhưng tháng 7 năm nay, một tấn phân bón đó có giá lên tới 549 USD.
Kali trở thành mặt hàng nóng nhất trên thị trường phân hóa học hiên nay, bởi trong tháng 7 vừa qua, đây là loại phân bón duy nhất có giá tăng tới 15%, trong khi 7 loại phân bón khác có mức tăng không đáng kể, thậm chí có loại giảm giá (có 2 loại phân bón đã giảm giá 2 tuần liên tiếp).
Tăng mạnh thứ 2 sau kali là MAP, có giá tăng khoảng 4% trong tháng vừa qua, hiện ở mức 753 USD/tấn; tiếp đến là DAP tăng 3% lên 695 USD/tấn; urea tăng khoảng 2% lên 554 USD/tấn, loại 10-34-0 giá nhích khoảng 1% lên 631 USD/tấn và Anhydrous tăng 1% lên 737 USD/tấn.
Nhóm UAN giảm nhẹ, với UAN28 giảm 1 USD trong vòng một tháng xuống 365 USD/tấn, còn UAN32 giảm hơn 2 USD xuống 419 USD/tấn.
Giá lương thực thế giới giảm tháng thứ 2 liên tiếp, từ mức cao kỷ lục trong những tháng đầu năm, đã làm chậm lại đà tăng giá phân bón.
Báo cáo mới nhất của Tổ chức Nông Lương Liên hợp quốc (FAO) ngày 5/8 cho biết giá lương thực thế giới tháng 7/2021 là 123,0 điểm vào tháng Bảy, thấp hơn so với 124,6 điểm trong tháng Sáu, là tháng thứ 2 liên tiếp giảm, phản ánh sự sụt giảm của giá ngũ cốc, dầu thực vật và các sản phẩm từ sữa. Mặc dù vậy, giá lương thực toàn cầu vẫn tăng 31,0% so với cùng kỳ năm 2020.
Mặc dù gần đây bớt nóng, song phân bón vẫn đang là mặt hàng có giá cao, ảnh hưởng không nhỏ tới sản xuất nông nghiệp của các quốc gia trên thế giới.
Hiện giá bán lẻ phân bón đều cao hơn đáng kể so với một năm trước đây. Theo đó, giá phân bón 10-34-0 hiện đắt hơn 36%, kali cao hơn 54%, urea đắt hơn 56%, UAN32 cao hơn 60%, anhydrous đắt hơn 62%, UAN28 cao hơn 64%, DAP đắt hơn 69% và MAP cao hơn 75% so với năm ngoái...
Nhu cầu phân bón trên toàn cầu vẫn đang mạnh mẽ ở các trung tâm nông nghiệp, từ khắp Châu Âu đến Mỹ, Brazil và một số nước Châu Á…. Giá dầu và khí đốt tăng cao cũng góp phần đẩy giá tăng lên.
Bên cạnh đó, cước vận chuyển tăng cao do đại dịch Covid-19 gây tắc nghẽn logistics trên toàn cầu, và đặc biệt là tình trạng thiếu container vận chuyển, càng đẩy chi phí phân bón gia tăng.
Trên thị trường trong nước, xu hướng thị trường phân bón cũng diễn biến cùng chiều với giá thế giới. Giá phân bón trong nước tăng nhanh từ cuối tháng 3/2021, tăng tốc kể từ tháng 6, nhất là phân urea.
Giá phân urea Hà Bắc tại đại lý cuối tháng 7/2021 lên tới 570 nghìn đồng/bao 50 kg, tăng 190 nghìn đồng/bao (tăng 3,8 triệu đồng/tấn) so với cùng kỳ năm ngoái. So với đầu năm 2021, mặt hàng tăng giá nhiều nhất là urea, hịn là mức 12.600 đồng/kg, tăng 70,27%. Phân NPK các hãng có mức tăng trung bình 1 triệu đồng/tấn. Theo đó, NPK 17-12-3 Đầu Trâu hiện giá 9.400 đồng/kg, tăng 25,33%; kali giá 9.400 đồng/kg, tăng 20,51%; NPK 10-12-5 Ninh Bình giá 6.500 đồng/kg, tăng 12,07%...
Nguyên nhân giá phân bón trong nước cao do ảnh hưởng của dịch Covid-19, khiến sản xuất đình trệ trong khi đẩy chi phí nhập khẩu một số nguyên liệu để sản xuất phân bón từ ngước ngoài tăng cao. Do ảnh hưởng của dịch Covid-19 cũng khiến phân phối phân bón bị gián đoạn, cùng với đó là giá xăng dầu trong thời gian qua tăng, dẫn đến cước vận chuyển hàng hóa tăng.
Trong 7 tháng qua, các nguyên liệu chính để sản xuất phân bón đã tăng mạnh, cụ thể giá lưu huỳnh tăng 233% (từ 95 USD/tấn lên 221 USD/tấn), giá axit sunfuric (H2SO4) tăng 232%, giá khí amoniac (NH3) tăng 220%, giá quặng apatit tăng 7,7%. Bên cạnh đó, giá dầu thế giới tăng và container rỗng bị thiếu đã kéo theo giá cước vận tải tăng lên 3-5 lần.
Nhập khẩu phân bón các loại về Việt Nam tháng 6/2021 sụt giảm cả về khối lượng, kim ngạch và giá so với tháng 5/2021, với mức giảm tương ứng 19%, 21% và 2,5%, đạt 439.700 tấn, tương đương 126,27 triệu USD, giá 287,2 USD/tấn. Tuy nhiên, nếu so với tháng 6/2020 thì nhập khẩu trong tháng 6 vừa qua tăng mạnh, tương ứng 34,9%, 56,3% và 15,8%, theo tính toán từ số liệu thống kê sô bộ của Tổng cục Hải quan.
Tính chung 6 tháng đầu năm 2021 cả nước nhập khẩu 2,31 triệu tấn phân bón các loại, kim ngạch 645,32 triệu USD, giá trung bình 279,3 USD/tấn, tăng 14,4% về khối lượng, tăng 25,5% về kim ngạch và tăng 9,7% về giá so với 6 tháng đầu năm 2020.
Xuất khẩu phân bón tháng 6 cũng giảm, chỉ đạt 87.931 tấn phân bón các loại, tương đương 45,45 triệu USD, giá 516,9 USD/tấn, giảm 15,6 % về lượng nhưng tăng 27,4% kim ngạch, tăng 51% về giá so với tháng 5/2021 và so với tháng 6/2020 cũng tăng tương ứng 16,7%, 94,3% và 70,9%.
Mặc dù vậy, tính chung 6 tháng đầu năm nay, xuất khẩu cũng tăng nhanh do nhu cầu mạnh từ các thị trường. Theo đó, cả nước xuất khẩu 663.073 tấn phân bón các loại trong nửa đầu năm, kim ngạch 230,87 triệu USD, giá trung bình 348,2 USD/tấn, tăng mạnh 43,9% về khối lượng, tăng 71,2% về kim ngạch và tăng 18,9% về giá so với 6 tháng đầu năm 2020.
Triển vọng thị trường phân bón: Giá tiếp tục cao, nhất là Kali
Mặc dù giá phân bón thế giới gần đây có dấu hiệu hạ nhiệt, nhưng sắp tới gần như chắc chắn giá sẽ tiếp tục xu hướng tăng do nguồn cung gặp nhiều vấn đề lớn.
Hôm 9/8, Mỹ đã trừng phạt Belaruskali, một trong những doanh nghiệp nhà nước lớn nhất của Belarus và là một trong những nhà sản xuất kali lớn nhất thế giới, đồng thời áp đặt các biện pháp trừng phạt khác đối với Tổng thống Belarus, Alexander Lukashenko (các lệnh trừng phạt của Mỹ không bao gồm BPC, nguồn cung 20% phân bón kali toàn cầu. Belaruskali sở hữu 48% cổ phần của BPC và phần còn lại thuộc về các công ty nhà nước khác).
Mặc dù thị trường Mỹ chỉ chiếm không quá 10% doanh thu Belaruskali, nhưng việc Mỹ trừng phạt Belaruskali chắc chắn sẽ gây ảnh hưởng không nhỏ. Công ty Belarus Potash, chi nhánh xuất khẩu của Công ty sản xuất kali quốc gia Belarus – Belaruskali - hôm thứ Ba, 10/8, cảnh báo các lệnh trừng phạt của phương Tây đối với Belaruskali sẽ dẫn đến việc tăng giá kali trên toàn cầu và giảm khả năng cung cấp loại hàng hóa này, bởi Belaruskali là một trong những hãng sản xuất kali lớn nhất thế giới.
BPC bán phân kali chủ yếu đến Trung Quốc, Ấn Độ và Brazil, đồng thời cạnh tranh với Nutrien và Mosaic của Canada. Thông tin từ BPC cho biết: "Rất khó để đánh giá tác động của các lệnh trừng phạt vào thời điểm này. Nhưng điều chắc chắn là chúng sẽ khiến giá phân kali tăng lên và nguồn cung trên thị trường toàn cầu giảm đi. Chúng tôi đang xem xét chi tiết các quyết định được đưa ra. BPC sẽ nỗ lực hết sức để hoàn thành các nghĩa vụ của mình với các đối tác trong khuôn khổ pháp lý hiện hành".
Trong khi đó, ở Trung Quốc – một thị trường cung /cầu phân bón quan trọng khác, một số công ty phân bón chủ chốt của nước này cho biết họ sẽ tạm ngừng xuất khẩu để đảm bảo nguồn cung trong thị trường nội địa, sau khi Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia (NDRC), cơ quan lập kế hoạch nhà nước của Trung Quốc, triệu tập các công ty phân bón để thảo luận về việc tích trữ và đầu cơ giá.
Giá phân bón ở Trung Quốc, một trong những nhà sản xuất ngũ cốc hàng đầu thế giới, đã đạt mức kỷ lục trong năm nay trong bối cảnh sản lượng trong nước giảm, nhu cầu từ nước ngoài mạnh hơn và chi phí năng lượng cao. Trận lũ lụt gần đây ở tỉnh Hà Nam, miền Trung cũng đã ảnh hưởng đến sản xuất.
Cơ quan quản lý thị trường Trung Quốc hôm thứ 4/8 cho biết đã mở một cuộc điều tra đối với các nhà sản xuất và phân phối phân bón bị nghi ngờ làm tăng giá. Đây là cuộc điều tra mới nhất trong một loạt các cuộc điều tra của chính quyền Trung Quốc về việc giá phân bón và các mặt hàng khác tăng cao đã làm tăng chi phí của người tiêu dùng.
Thông báo về cuộc điều tra trong trên trang web của mình, Cục Quản lý Nhà nước về Thị trường cũng cho biết họ sẽ tiếp tục theo dõi chặt chẽ giá phân bón và trừng phạt các hành vi bất hợp pháp như găm hàng, tăng giá và thông đồng giá cả.
Trên những cơ sở đó, tại cuộc họp trực tuyến về tình hình sản xuất, tiêu thụ lúa gạo tại đồng bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL), Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN-PTNT) nhận định trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp, khó lường, chí phí vận tải tăng cao, chuỗi cung ứng vật tư, nguyên liệu toàn cầu dễ bị đứt gãy, giá phân bón trong nước cũng như trên thế giới từ nay đến cuối năm 2021 ó thể sẽ tiếp tục duy trì ở mức cao.
Tham khảo: Reuters, Dtnpf
Thu NgânMỗi ngày, chúng ta thải ra hàng chục nghìn tấn rác thải sinh hoạt, trong đó rác thải đô thị chiếm khoảng 60%. Ngoại trừ các loại rác không thể tái chế chiếm số lượng nhỏ, phần lớn còn lại vẫn chưa thực sự được khai thác triệt để và tận dụng hết giá trị. Có thể nói, chúng ta vẫn còn đang lãng phí nguồn tài nguyên rác thải này.