Thị trường tài chính Việt Nam năm 2022 duy trì đà tăng trưởng tích cực
Dù được dự báo sẽ vẫn có những bước điều chỉnh cùng với đà chung của chứng khoán thế giới, thị trường tài chính Việt Nam được kỳ vọng sẽ duy trì đà tăng trưởng tích cực trong năm 2022, nhờ hưởng lợi từ sự phục hồi kinh tế hậu COVID-19.
Ngày 25/5, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) và Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đồng tổ chức hội thảo công bố báo cáo “Thị trường tài chính Việt Nam và triển vọng 2022”. Đây là lần đầu tiên một định chế tài chính Việt Nam phối hợp với ADB thực hiện báo cáo đánh giá toàn cảnh thị trường tài chính Việt Nam, bao gồm các lĩnh vực Ngân hàng - Chứng khoán - Bảo hiểm.
Tại buổi Hội thảo, các chuyên gia đã đánh giá khái quát về tình hình kinh tế, thị trường tài chính thế giới và Việt Nam trong năm 2021. Theo đó, thị trường tài chính toàn cầu về cơ bản vẫn hoạt động an toàn, phục hồi và tăng trưởng tích cực.
Nhận định về Việt Nam, báo cáo cho rằng trong bối cảnh địa chính trị quốc tế và dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp, kinh tế thế giới năm 2020-2021 gặp nhiều khó khăn, có khả năng tăng trưởng thấp. Tuy nhiên, nền kinh tế Việt Nam đang phục hồi khá nhanh nhờ thay đổi chiến lược phòng chống dịch phù hợp, mở cửa trở lại từ đầu quý IV/2021, tăng trưởng quý cuối năm 2021 đạt 5,22% (từ mức -6,02% quý III/2021), giúp tăng trưởng cả năm đạt 2,58%, lạm phát được kiểm soát ở mức thấp 1,84%.
Trong bối cảnh đó và phù hợp xu hướng tăng chung của thị trường tài chính toàn cầu, thị trường tài chính Việt Nam duy trì đà tăng trưởng tích cực nhờ kinh tế vĩ mô ổn định, một số chính sách tài khóa và tiền tệ hỗ trợ người dân, doanh nghiệp được triển khai (tương đương khoảng 4% GDP trong hai năm 2022-2023), một số lĩnh vực, ngành nghề vẫn phát triển tốt; năng lực tài chính của các định chế tài chính được tăng cường trong những năm qua; khả năng thích ứng, đa dạng hóa hoạt động, đẩy mạnh chuyển đổi số và tiết giảm chi phí, gia cố phòng chống rủi ro được đẩy mạnh...
Năm 2021, lợi nhuận ròng của các doanh nghiệp niêm yết trên 3 sàn chứng khoán tăng trưởng 49,5%; lợi nhuận trước thuế của 29 ngân hàng thương mại, chiếm đến 80% thị phần, tăng gần 32%, chi phí hoạt động giảm 15%, ngân hàng số tăng nhanh với dịch vụ mobile banking tăng 75% về lượng giao dịch, tăng 87% về giá trị giao dịch, tỷ lệ bao phủ nợ xấu tăng lên mức 152% (từ mức 105% năm 2020) trong khi ngành ngân hàng tiếp tục các chương trình cơ cấu lại nợ và hỗ trợ khách hàng chịu tác động bởi dịch COVID-19 (khoảng 52 nghìn tỷ đồng năm 2021 và 20-25 nghìn tỷ đồng năm 2022).
Với thị trường chứng khoán, năm 2021 chỉ số chứng khoán VN-Index tăng 35,7%, vốn hóa thị trường cổ phiếu tăng 48,4%, thanh khoản thị trường tăng 253%; huy động vốn qua thị trường chứng khoán đạt 757 nghìn tỷ đồng (tăng 62%), trong đó phát hành trái phiếu doanh nghiệp đạt 657 nghìn tỷ đồng, tăng 42% so năm 2020; lượng nhà đầu tư mới đạt kỷ lục (1,5 triệu tài khoản), gấp gần 1,5 lần tổng số của 4 năm trước đó…
Nhận định về nền kinh tế Việt Nam trong năm 2022, báo cáo dự báo có thể phục hồi tốt hơn, tăng trưởng có thể đạt 5,5-6% (kịch bản cơ sở) và cao hơn trong năm 2023. Tuy nhiên, lạm phát có thể tăng lên đạt mức 3,8-4,2% năm 2022 và duy trì mức 4% năm 2023. Thị trường tài chính Việt Nam năm 2022 sẽ được hưởng lợi từ sự phục hồi kinh tế hậu COVID-19, dù cũng sẽ có những bước điều chỉnh giảm điểm cùng với đà chung của chứng khoán thế giới.
Theo các chuyên gia, cùng tác động từ những chính sách, biện pháp chấn chỉnh thị trường của Chính phủ và các cơ quan chức năng, thị trường được kỳ vọng sẽ phát triển ổn định, lành mạnh và bền vững hơn.
Đối với thị trường ngân hàng, lợi nhuận toàn ngành được kỳ vọng tăng trưởng bình quân khoảng 20-25% so năm 2021, tăng trưởng tín dụng dự kiến đạt mức 14-15%. Vấn đề hoàn thiện thể chế, phối hợp chính sách kiểm soát ổn định vĩ mô, tăng vốn, chuyển đổi số và thực hiện Chương trình phục hồi của hệ thống ngân hàng sẽ tiếp tục được chú trọng.
Với chứng khoán, thị trường cổ phiếu dự báo sẽ có những điều chỉnh cần thiết, đi vào ổn định hơn. Khối lượng phát hành trái phiếu chính phủ dự kiến không đổi so với năm 2021 do quy mô đáo hạn trái phiếu chính phủ thấp hơn các năm trước, góp phần làm giảm áp lực phát hành thêm trái phiếu chính phủ để cơ cấu lại nợ công.
Thị trường trái phiếu doanh nghiệp dự báo sẽ tiếp tục phát triển theo hướng minh bạch, lành mạnh hơn khi các quy định được ban hành theo hướng chặt chẽ hơn cùng tăng cường quản lý, giám sát để giảm bớt rủi ro cho các chủ thể tham gia thị trường.
Trong khi đó, thị trường bảo hiểm được dự báo duy trì đà tăng trưởng, với doanh thu phí bảo hiểm tăng khoảng 18-20%, trong đó bảo hiểm nhân thọ đóng vai trò là động lực chính cho tăng trưởng.
Cùng với đó, quá trình hoàn thiện thể chế, chuyển đổi số, tài chính xanh được thúc đẩy; rủi ro hệ thống, nhất là tính lan tỏa giữa ngân hàng - chứng khoán - bảo hiểm - bất động sản được quan tâm kiểm soát hơn cũng là bước đi cần thiết nhằm ổn định, lành mạnh hóa thị trường
HM (T/h)Theo số liệu từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, thu hút vốn FDI cả năm 2024 đạt gần 38,23 tỷ USD, con số này đưa Việt Nam thuộc nhóm 15 nước đang phát triển thu hút FDI lớn nhất thế giới; đặc biệt vốn FDI thực hiện khoảng 25,35 tỷ USD, tăng 9,4%, cao nhất từ trước đến nay. Giá trị thương hiệu quốc gia năm 2024 đạt 507 tỷ USD, xếp thứ 32 thế giới, tăng 1 bậc so với năm 2023.