Thị trường thương mại điện tử Đông Nam Á sẽ tăng hơn 280 tỷ USD nhờ doanh nghiệp do nữ làm chủ
"Đại dịch Covid-19 đã đẩy nhanh quá trình mua sắm sang hình thức trực tuyến, nhưng cũng làm trầm trọng thêm khoảng cách giữa nam và nữ giới trong hoạt động kinh doanh trên nền tảng số", báo cáo IFC nhận định.
Theo báo cáo được công bố mới đây bởi Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC), quy mô thị trường thương mại điện tử khu vực Đông Nam Á có thể tăng hơn mức 280 tỷ USD trong giai đoạn 2025-2030 nếu các nền tảng trực tuyến thuộc sở hữu của nữ giới được khuyến khích và tạo điều kiện nhiều hơn sau những tác động đáng kể do đại dịch Covid-19 gây ra.
Thị trường mua sắm trực tuyến trong khu vực đã ghi nhận mức tăng trưởng đáng kể trong những năm vừa qua. Xu hướng này là nhờ tốc độ truy cập internet được cải thiện, giá cả các thiết bị di động phải chăng và ngày càng có nhiều nền tảng trực tuyến được hỗ trợ vốn bởi các quỹ đầu tư mạo hiểm.
Báo cáo của Google, Temasek và Bain & Co. nêu rõ, nền kinh tế internet của khu vực sẽ đạt mức 309 tỷ USD vào năm 2025, gần gấp 3 lần con số 105 tỷ USD vào năm ngoái. Đặc biệt, thương mại điện tử đóng vai trò quan trọng trong quá trình tăng trưởng này. Dự kiến, lĩnh vực này sẽ đóng góp 172 tỷ USD vào năm 2025 từ mức 62 tỷ USD vào năm ngoái.
Các doanh nghiệp do nữ làm chủ bị ảnh hưởng nặng nề hơn bởi đại dịch hơn các doanh nghiệp do nam làm chủ. Ảnh: AFP
IFC nhấn mạnh, phụ nữ đã đóng góp 26,35 tỷ USD cho lĩnh vực thương mại điện tử của khu vực vào năm ngoái. Trong khi đó, nam giới đóng góp 35,65 tỷ USD. Đáng chú ý, một nửa số nhà cung cấp trên các sàn thương mại điện tử đang hoạt động tại Đông Nam Á là phụ nữ. Nhìn chung, họ thường điều hành các doanh nghiệp có quy mô nhỏ hơn, trong các lĩnh vực có giá trị thấp và tính cạnh tranh cao.
Báo cáo nêu thêm, đại dịch Covid-19 đã đẩy nhanh quá trình mua sắm sang hình thức trực tuyến, nhưng cũng làm trầm trọng thêm khoảng cách giữa nam giới và nữ giới trong hoạt động kinh doanh trên nền tảng số.
Báo cáo của IFC cho hay, giai đoạn trước đại dịch Covid-19, các doanh nghiệp do nữ làm chủ dùng nền tảng Lazada bán chạy hơn các doanh nghiệp do nam làm chủ khoảng 106% tại Philippines và 164% tại Indonesia. Sau đại dịch, tổng khối lượng hàng hóa (GMV) của các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ ở Philippines giảm xuống chỉ bằng 79% GMV của các doanh nghiệp do nam làm chủ.
Tại Indonesia, mặc dù các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ tiếp tục bán chạy hơn các doanh nghiệp do nam giới làm chủ trên nền tảng trực tuyến, xong khoảng cách về GMV đã giảm từ 164% xuống còn 120%.
Trước đó, khảo sát của Facebook có tên "State of Small Business" cho thấy, hiện có 78% doanh nghiệp vừa và nhỏ trên Facebook tại Việt Nam đang hoạt động hoặc có hoạt động tạo doanh thu. Các nghiệp vừa và nhỏ chiếm từ 60 đến 70% số người lao động ở hầu hết các quốc gia. 30% các nghiệp vừa và nhỏ đang hoạt động trên toàn cầu cho biết họ đã phải cắt giảm nhân sự kể từ khi bắt đầu đại dịch.
Ngoài ra, 27% nghiệp vừa và nhỏ do phụ nữ làm chủ và 21% nghiệp vừa và nhỏ do nam giới làm chủ trên toàn thế giới phải đóng cửa do tác động của đại dịch, trong khi tỷ lệ này ở Việt Nam lần lượt là khoảng 20% và 25%.
Đại dịch Covid-19 thúc đẩy sự bùng nổ thương mại điện tử trên khắp thế giới. Ảnh: Bloomberg
Báo cáo của IFC khẳng định: "Kết quả này là minh chứng cho thấy đại dịch đã tác động nặng nề đến các doanh nghiệp phụ nữ làm chủ, cũng như xu hướng này sẽ còn tiếp diễn trên nhiều lĩnh vực và trong khu vực". Hầu hết các doanh nghiệp do nữ làm chủ trong khu vực đang phải đối mặt với thách thức về nguồn tài chính để mở rộng hoạt động kinh doanh.
Bên cạnh việc mở rộng hỗ trợ tài chính cho các nhóm yếu thế, bao gồm cả phụ nữ, báo cáo của IFC khuyến nghị các nhà hoạch định chính sách hợp tác với các nền tảng nhằm giải quyết các vấn đề như khoảng cách giới, cũng như các ràng buộc pháp lý đang kìm hãm phụ nữ.
Tham khảo: SCMP
Anh Vũ
Công ty CP Vận tải đường sắt cho biết tổ chức chạy tăng cường thêm nhiều chuyến tàu tuyến Bắc - Nam phục vụ người dân về quê, đón tết Nguyên đán 2025.