Thị trường trái phiếu doanh nghiệp sôi động nửa đầu năm

Tài chính - Đầu tư
08:35 AM 24/07/2025

Thị trường trái phiếu doanh nghiệp tiếp tục sôi động trong nửa đầu năm 2025 với tổng giá trị phát hành vượt mốc 280.000 tỷ đồng, trong đó nhóm ngân hàng đóng vai trò chủ lực cả ở chiều phát hành lẫn mua lại trước hạn.

Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA) mới đây đã công bố Báo cáo thị trường trái phiếu từ đầu năm đến 18/8. Theo đó, lũy kế từ đầu năm đến ngày 18/7/2025, tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp được phát hành đạt 280.778 tỷ đồng. Trong đó, nhóm ngân hàng tiếp tục dẫn đầu với tỷ trọng lên tới 75,2%, tương đương hơn 211.000 tỷ đồng. Nhóm bất động sản đứng thứ hai với tỷ lệ 14,7%.

Thị trường trái phiếu doanh nghiệp sôi động nửa đầu năm- Ảnh 1.

Xét về hình thức phát hành, có 14 đợt chào bán ra công chúng với tổng giá trị hơn 27.900 tỷ đồng, chiếm gần 10% tổng lượng phát hành; phần còn lại chủ yếu là phát hành riêng lẻ với 213 đợt, giá trị đạt hơn 252.800 tỷ đồng.

Chỉ riêng trong tháng 7, đã có 12 đợt phát hành mới với tổng giá trị 14.010 tỷ đồng, cho thấy dòng tiền vẫn đang tập trung mạnh vào thị trường trái phiếu, đặc biệt là ở các tổ chức tài chính.

Xu hướng phát hành trái phiếu vẫn tiếp diễn trong nửa cuối năm khi nhiều ngân hàng và doanh nghiệp đã công bố kế hoạch huy động vốn qua kênh này.

Trong lĩnh vực chứng khoán, CTCP Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) vừa thông qua kế hoạch phát hành riêng lẻ đợt 3 trong năm 2025, với tổng giá trị tối đa 800 tỷ đồng. Trái phiếu dự kiến không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, không có tài sản đảm bảo và kỳ hạn 1 năm, lãi suất 8%/năm.

Ngân hàng TMCP Việt Á (VAB) cũng lên kế hoạch phát hành trái phiếu ra công chúng với quy mô tối đa 300 tỷ đồng, kỳ hạn 7 năm. Đây là trái phiếu chuyển đổi, không có tài sản đảm bảo, lãi suất kỳ đầu là 7,6%/năm.

Ngoài ra, Ngân hàng TMCP Lộc Phát Việt Nam (LPB) dự kiến chào bán trái phiếu ra công chúng trong quý III - IV/2025, tổng giá trị không quá 1.000 tỷ đồng. Trái phiếu dự kiến có kỳ hạn từ 7 đến 10 năm, với lãi suất thả nổi.

Việc các tổ chức tài chính tăng tốc phát hành cho thấy nhu cầu huy động vốn trung - dài hạn vẫn lớn, đặc biệt trong bối cảnh tín dụng tăng chậm và áp lực về chuẩn vốn đang hiện hữu.

Dự kiến từ nay đến cuối năm 2025, tổng giá trị trái phiếu đến hạn thanh toán ước tính đạt khoảng 120.933 tỷ đồng. Trong đó, nhóm bất động sản tiếp tục chiếm tỷ trọng cao nhất với 62.813 tỷ đồng, tương đương 51,9% tổng số. Nhóm ngân hàng đứng thứ hai với 33.281 tỷ đồng, chiếm 27,5%.

Trên thị trường thứ cấp, giá trị giao dịch trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ trong tuần qua đạt trung bình 5.087 tỷ đồng mỗi ngày, giảm 12,1% so với tuần trước đó. Tính từ đầu năm, tổng giá trị giao dịch trái phiếu riêng lẻ đã đạt khoảng 696.511 tỷ đồng.

Áp lực đáo hạn lớn, đặc biệt với doanh nghiệp bất động sản, có thể tiếp tục tạo sức ép lên thanh khoản và năng lực trả nợ của doanh nghiệp, nhất là những đơn vị có tình hình tài chính yếu hoặc chưa cơ cấu lại dòng tiền hiệu quả.

Minh An (t/h)
Ý kiến của bạn