Thị trường trái phiếu phát triển lành mạnh sẽ là kênh huy động vốn hiệu quả cho các doanh nghiệp

Tài chính - Đầu tư
02:29 PM 13/08/2022

Nghị định 153/2020/CP-NĐ quy định chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) riêng lẻ đang được lấy ý kiến để sửa đổi, bổ sung lần thứ 5, với mục đích ổn định và phát triển thị trường TPDN hiệu quả, bền vững.

Thời gian qua, sau hàng loạt vi phạm của doanh nghiệp phát hành TPDN, Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt về việc tăng cường các biện pháp chấn chỉnh và xử lý nghiêm vi phạm, sớm ổn định và phát triển thị trường TPDN. Thị trường vốn và thị trường tiền tệ có sự phát triển nhanh về quy mô và tính thanh khoản, huy động được nguồn lực tài chính lớn cho Chính phủ, doanh nghiệp và chính quyền địa phương. Tuy nhiên, thị trường cổ phiếu và trái phiếu doanh nghiệp đã và đang bộc lộ và phát sinh những vấn đề bức xúc, như tình trạng thao túng giá cổ phiếu, gian lận hồ sơ, công bố thông tin không chính xác, sử dụng vốn không đúng mục đích theo phương án phát hành...

Thị trường trái phiếu phát triển lành mạnh sẽ là kênh huy động vốn hiệu quả cho các doanh nghiệp - Ảnh 1.

Các doanh nghiệp và nhà đầu tư thị trường trái phiếu mong muốn có hành lang pháp lý chặt chẽ, hiệu quả để phát triển lành mạnh ( Ảnh minh họa)

Theo số liệu từ Trung tâm Lưu ký chứng khoán, tính chung 3 tháng đầu năm 2022 lượng tài khoản chứng khoán mở mới là 676,6 nghìn tài khoản, nâng tổng số tài khoản hiện tại của nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán Việt Nam lên gần 5 triệu tài khoản. Trong đó, các nhà đầu tư cá nhân trong nước chiếm 98,92%, bằng 5% dân số Việt Nam hiện nay và đã vượt mục tiêu đề ra trước thời hạn 3 năm trong đề án cơ cấu lại thị trường chứng khoán và bảo hiểm do Thủ tướng Chính phủ ban hành.

Theo Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA), tổng khối lượng phát hành trái phiếu doanh nghiệp trong nước 3 tháng đầu năm 2022 đạt xấp xỉ 40.000 tỷ đồng; năm 2021 đạt trên 658.000 tỷ đồng (gấp đôi huy động qua trái phiếu chính phủ), tăng 42% so với năm 2020 (có 243 doanh nghiệp lần đầu phát hành trái phiếu, chiếm 40% tổng khối lượng phát hành, chủ yếu từ nhóm bất động sản nhà ở). Tính chung 5 năm qua, thị trường trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam tăng trưởng bình quân 46%/năm. Đến cuối năm 2021, thị trường trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam đạt gần 1,2 triệu tỷ đồng, chiếm khoảng 12% tổng dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế và khoảng 15% GDP sau điều chỉnh. Từ năm 2019 đến nay lượng trái phiếu doanh nghiệp bắt đầu vượt lượng phát hành trái phiếu Chính phủ..

Sự bùng nổ trái phiếu doanh nghiệp nói riêng và lượng tài khoản mở mới, cũng như quy mô vốn hóa TTCK Việt Nam nói chung là tín hiệu, thước đo hội tụ và phản ánh những bước phát triển mới của TTCK và nền kinh tế Việt Nam. Sự phát triển thị trường TPDN cho thấy sự phát triển đồng bộ và cân đối hơn trên thị trường vốn nói chung và TTCK nói riêng, giúp các doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn rẻ và giảm sự phụ thuộc vào tín dụng ngân hàng. Đặc biệt, kể từ năm 2018 đến nay, TPDN đã được coi là một kênh huy động vốn quan trọng của các doanh nghiệp bất động sản khi nguồn tín dụng cho bất động sản bắt đầu được siết chặt. Tuy nhiên, thực tế đang nổi lên những quan ngại về các sai phạm và rủi ro tiềm ẩn trong phát hành và quản lý vốn phát hành trái phiếu DN (điển hình là 9 đợt phát hành trái phiếu Tân Hoàng Minh tổng cộng 10.300 tỷ đồng) và sự tập trung nghiêng lệch cơ cấu vốn huy động vào lĩnh vực bất động sản. Sự tập trung về cơ cấu và mức lãi cam kết cao của các TPDN vào lĩnh vực bất động sản sẽ gây nguy cơ mất khả năng thanh khoản và trả lãi theo cam kết. 

Nếu việc đầu tư và trả lãi không đúng theo cam kết sẽ làm giảm niềm tin và hạn chế khả năng huy động vốn qua trái phiếu doanh nghiệp bất động sản. Hơn nữa, rủi ro trên thị trường TPDN còn có thể làm ảnh hưởng đến sự ổn định và an toàn tài chính của các tổ chức tín dụng đã tham gia mua trái phiếu doanh nghiệp. Bởi vậy, cần triển khai nghiêm túc các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trong Công điện số 304/CĐ-TTg ngày 7/4/2022 về chấn chỉnh hoạt động thị trường trái phiếu doanh nghiệp và đấu giá quyền sử dụng đất, cũng như tinh thần Công điện số 8857/CĐ-VPCP ngày 03 tháng 12 năm 2021 của Văn phòng Chính phủ.

Đối với nhà đầu tư trái phiếu, Dự thảo quy định nhà đầu tư chuyên nghiệp phải đầu tư, nắm giữ và duy trì khoản đầu tư chứng khoán niêm yết trong vòng hai năm liên tục, có giá trị tối thiểu là hai tỷ đồng. Tiêu chí khắt khe này rất ít nhà đầu tư đáp ứng được. Thực tế cũng cho thấy, để bảo đảm thị trường trái phiếu doanh nghiệp hoạt động ổn định, lành mạnh, minh bạch, an toàn, phát triển bền vững, bảo vệ quyền lợi và củng cố niềm tin các nhà đầu tư, cần tiếp tục siết chặt hơn các quy định về phát hành trái phiếu doanh nghiệp, nhất là về phát hành trái phiếu riêng lẻ, cả về thực hiện công bố thông tin và sử dụng vốn đúng mục đích, hoàn trả gốc và lãi trái phiếu đúng hạn; đề cao hơn nữa trách nhiệm của tổ chức tư vấn phát hành và các tổ chức cung cấp dịch vụ liên quan; làm chặt chẽ hơn quy trình và nội dung công bố thông tin phát hành với sự xác nhận của các cơ quan quản lý nhà nước như Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN).

Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra, giám sát chặt chẽ các tổ chức tín dụng đầu tư trái phiếu doanh nghiệp, tham gia vào các hoạt động cung cấp dịch vụ bảo lãnh phát hành, đầu tư, phân phối… trái phiếu doanh nghiệp; bổ sung các quy định về kiểm soát mức độ tham gia đầu tư vào thị trường TPDN của các tổ chức tín dụng và thanh tra, kiểm tra, giám sát việc tuân thủ pháp luật về phát hành, đầu tư, phân phối, giao dịch và sử dụng vốn thu được từ phát hành trái phiếu, nhất là phát hành trái phiếu riêng lẻ của các doanh nghiệp bất động sản, của tổ chức tín dụng có liên quan đến doanh nghiệp bất động sản, các doanh nghiệp có khối lượng phát hành lớn, lãi suất cao, các doanh nghiệp có kết quả kinh doanh thua lỗ, các doanh nghiệp phát hành không có tài sản bảo đảm hoặc tài sản bảo đảm không chất lượng..

Đồng thời, cần giám sát sự tuân thủ pháp luật và nâng cao vai trò của các tổ chức cung cấp dịch vụ trong việc cung cấp thông tin đầy đủ, minh bạch, chính xác cho nhà đầu tư. Việc tổ chức cung cấp dịch vụ (công ty chứng khoán, NHTM) chào mời, phân phối TPDN cho nhà đầu tư không phải là nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp hoặc dùng các hình thức lách quy định của pháp luật cũng phải bị xử phạt nghiêm minh.

Các cơ quan chức năng cũng cần chủ động rà soát khung khổ pháp luật, tăng cường phối hợp chặt chẽ và cung cấp thông tin, hồ sơ, tài liệu trong quá trình thanh tra, kiểm tra, điều tra các vụ việc, cảnh báo sớm và có phương án xử lý kịp thời các rủi ro có thể phát sinh, ổn định tâm lý nhà đầu tư và bảo đảm an toàn thị trường.

Trước mắt, cần thu hẹp quy định về mục đích phát hành trái phiếu nhằm hạn chế việc chuyển nhượng vốn lòng vòng, gây thiếu minh bạch và khó khăn cho nhà đầu tư khi đánh giá rủi ro của trái phiếu và doanh nghiệp phát hành; Hướng dẫn cụ thể về điều kiện phát hành và hồ sơ chào bán trong đó có yêu cầu về tỷ lệ an toàn tài chính khi phát hành trái phiếu, tổ chức đại diện người sở hữu trái phiếu; Quy định rõ loại trái phiếu nhà đầu tư cá nhân được mua và giao dịch nhằm định hướng nhà đầu tư các nhân mua các trái phiếu doanh nghiệp có tính an toàn và công khai, minh bạch hơn; Bổ sung các quy định để đẩy nhanh việc thiết lập thị trường giao dịch TPDN riêng lẻ tại Sở giao dịch chứng khoán cho các nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp; Bổ sung quy định về trách nhiệm của các tổ chức cung cấp dịch vụ nhằm chấn chỉnh các tổ chức cung cấp dịch vụ và nâng cao chất lượng dịch vụ cung cấp.

Ngoài ra, cần sớm phát triển các thể chế xếp hạng tín nhiệm doanh nghiệp và TPDN ở Việt Nam để đa dạng hóa căn cứ khách quan và độ tin cậy cho việc ra quyết định của các nhà đầu tư và giú minh bạch hoá thị trường.

Phần lớn các chuyên gia kinh tế cho rằng, để thị trường TPDN ổn định và phát triển hiệu quả, bền vững, cơ quan quản lý nên tập trung vào các giải pháp nhằm minh bạch thông tin thị trường như công khai tình hình sử dụng vốn trái phiếu, công khai tình hình kinh doanh của doanh nghiệp phát hành trái phiếu, khuyến khích xếp hạng tín nhiệm… Ngoài ra, cần có cơ chế khuyến khích các quỹ đầu tư trái phiếu phát triển, nâng cao sự chuyên nghiệp cho các nhà đầu tư cá nhân, nâng cao năng lực quản trị cho doanh nghiệp.

Hà Loan
Ý kiến của bạn
IMF dự báo quy mô GDP(PPP) Việt Nam đạt khoảng 1.559 tỷ USD trong năm 2024 IMF dự báo quy mô GDP(PPP) Việt Nam đạt khoảng 1.559 tỷ USD trong năm 2024

Năm 2024, Việt Nam được IMF dự báo quy mô GDP theo sức mua tương đương - GDP (PPP) đạt khoảng 1.559 tỷ USD, xếp thứ 3 trong khu vực Đông Nam Á. Trong khi đó, Indonesia vẫn được dự báo xếp thứ nhất với quy mô GDP (PPP) đạt khoảng 4.720 tỷ USD.