Thị trường trong nước là 'bệ đỡ' cho nền kinh tế khi COVID-19 tái bùng phát

Diễn đàn
09:31 AM 05/02/2021

Trong tình hình dịch COVID-19 tái bùng phát trở lại, theo đánh giá của nhiều chuyên gia, tuy gặp nhiều khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh và ảnh hưởng tới sự tăng trưởng của nền kinh tế nhưng dịch bệnh cũng là chất xúc tác thúc đẩy các doanh nghiệp "chuyển mình" trước thách thức.

Nghị quyết 01/NQ-CP (Nghị quyết 01) ngày 1/1/2021của Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2021 đạt 6,5%, cao hơn 0,5 điểm phần trăm so với Quốc hội giao. Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận định trường hợp dịch khống chế kịp thời trong quý I/2021, ước tính GDP quý I tăng 4,46%, thấp hơn 0,66 điểm phần trăm so với mục tiêu đặt ra trong Nghị quyết 01.

Để đạt được mục tiêu trên, các chuyên gia đã đề xuất một số khuyến nghị, trong đó có việc tập trung cơ cấu lại nền kinh tế và khai thác thị trường nội địa.

Thị trường trong nước là "bệ đỡ" cho nền kinh tế khi COVID-19 tái bùng phát - Ảnh 1.

Thị trường trong nước được kỳ vọng sẽ là "bệ đỡ" cho tăng trưởng kinh tế năm 2021.

Cụ thể, các doanh nghiệp cần ưu tiên phát triển công nghiệp hỗ trợ như đã nêu tại Nghị quyết 01 nhằm làm chủ một số yếu tố đầu vào vừa là hạn chế nhập khẩu, vừa tăng tính chủ động trong nhiều tình huống khác nhau, vừa tạo việc làm và tăng khả năng kết nối giữa các khối doanh nghiệp. Bên cạnh đó, cần có chính sách ưu đãi (giảm thuế, phí…) để phát triển sản xuất và thương mại trong nước nhằm thúc đẩy thị trường nội địa.

Thực tế, từ trước đến nay, tăng trưởng kinh tế Việt Nam được nhiều người nhận định phụ thuộc chủ yếu vào FDI, nhưng rõ ràng năm 2020 khu vực tư nhân trong nước đã phát triển rất mạnh và nỗ lực không ngừng.

Khi COVID-19 bùng phát, Việt Nam đã tiến hành đóng cửa nền kinh tế, hàng hóa nhập khẩu ít đi, lúc này, các doanh nghiệp nội địa buộc phải tìm hướng phát triển mới, chủ động nguyên phụ liệu trong nước để làm hàng xuất khẩu. Nhờ vậy, thị trường trong nước lớn lên, hoạt động tốt hơn nên dù đóng cửa nền kinh tế thì chúng ta vẫn đạt mức tăng trưởng dương (gần 3% trong năm 2020).

Bộ Trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng chia sẻ trên Thời báo Kinh doanh, bối cảnh dịch COVID-19 cùng cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã và đang tạo ra những thay đổi lớn về kinh tế, chính trị, thương mại trên thế giới. Để thích ứng và phát triển trong tình hình mới, nhiều quốc gia đã và đang đề ra chiến lược, chính sách mới, trong đó tập trung vào phát triển thị trường trong nước, đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, áp dụng khoa học công nghệ... như chiến lược "vòng tuần hoàn kép" của Trung Quốc, chính sách "tăng trưởng xanh" của Hàn Quốc...

Bộ Kế hoạch và Đầu tư ước tính GDP quý I tăng 4,46%.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư ước tính GDP quý I tăng 4,46%.

Một điều có lợi cho nền kinh tế Việt Nam lúc này chính là Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực RCEP vừa được ký kết gần đây. 

Ông Russell Reed - Giám đốc điều hành Công ty chuyển phát nhanh UPS Thái Lan và Việt Nam nhận định: "Trước xu hướng dịch chuyển chuỗi cung ứng và sản xuất toàn cầu về thị trường trong nước, đặc biệt trong phân khúc công nghệ cao, Việt Nam đang chứng kiến những lợi ích từ xu hướng này, với thu nhập bình quân đầu người tăng hơn 5 lần kể từ năm 2010. 

Đối với một thị trường vốn đã hấp dẫn trong mắt các nhà đầu tư nhờ sự ổn định chính trị và môi trường thân thiện cũng như những hỗ trợ thiết thực từ chính phủ, RCEP được kỳ vọng sẽ mang đến lợi ích bổ sung cho nỗ lực không ngừng của Việt Nam nhằm cải thiện chất lượng sản phẩm, tăng cường quản lý chuỗi cung ứng và nâng cao sức hút cho các sản phẩm của Việt Nam trong khu vực". 

Bởi vậy, không chỉ tận dụng nguồn lực trong nước, nền kinh tế Việt Nam còn có cơ hội "cất cánh" khi tham gia Hiệp định RCEP. Dù dịch bệnh có phức tạp nhưng Việt Nam vẫn sẵn sàng bước vào giai đoạn tăng trưởng mới của năm 2021.

Hoài Thương
Ý kiến của bạn