Thị trường xuất khẩu lao động tăng nhanh trở lại

Kinh doanh
12:30 PM 05/07/2022

Tính đến tháng 6, Việt Nam có khoảng 51.677 người lao động làm việc nước ngoài (đạt khoảng 60% kế hoạch). Các thị trường lao động lớn, truyền thống như Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc... được khai thác triệt để với nhiều ngành nghề.

Theo Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội), sau khi các thị trường bắt đầu mở cửa trở lại, lượng lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài bắt đầu tăng nhanh, đến nay đã thực hiện được gần 60% kế hoạch năm.

Thị trường xuất khẩu lao động tăng nhanh trở lại - Ảnh 1.

3 thị trường chiếm đa số lao động xuất cảnh của Việt Nam là Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc. Ảnh: Minh họa

Kết quả này nhờ vào việc, một số thị trường nới lỏng dần các quy định nhập cảnh cho lao động Việt Nam. Chẳng hạn, tại thị trường Nhật, người lao động Việt Nam chỉ cần tiêm đủ 3 vaccine COVID-19 sẽ được nước này thừa nhận, sau khi nhập cảnh sẽ không phải cách ly, theo dõi sức khỏe tại nhà hoặc cơ sở lưu trú trong vòng 7 ngày như trước đây mà có thể bắt đầu công việc.

Chính phủ Hàn Quốc cũng thông báo Việt Nam không nằm trong danh sách các quốc gia cần tăng cường kiểm dịch. Hiện người nhập cảnh từ Việt Nam được tiếp tục áp dụng các quy định về miễn cách ly y tế trong thời gian 7 ngày nếu đã tiêm đủ số liều cơ bản vaccine phòng chống COVID-19.

Theo đó, tính đến tháng 6, Việt Nam có khoảng 51.677 người lao động làm việc nước ngoài (đạt khoảng 60% kế hoạch). Trong đó số lượng lao động xuất cảnh đi làm việc tại Nhật Bản khoảng 32.053 lao động, Đài Loan 15.633 lao động và Hàn Quốc là 1.209 lao động.

Cục Quản lý lao động ngoài nước cũng cho biết, vừa qua, Bộ LĐ,TB&XH ký với Bộ Ngoại giao và Thương mại Australia bản Ghi nhớ về hỗ trợ công dân Việt Nam tham gia Chương trình lao động nông nghiệp tại Australia.

Đồng thời, Việt Nam và Malaysia cũng ký ghi nhớ về tuyển dụng, việc làm và hồi hương lao động giữa hai nước. Và tiếp tục thí điểm thực hiện đưa người lao động đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc theo hình thức hợp tác giữa các địa phương của hai nước.

Theo Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước, năm nay, kế hoạch đưa lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng là 90.000 người. Với những tín hiệu tích cực trong các tháng đầu năm, kế hoạch này sẽ sớm về đích. Điều đáng mừng nhất không phải là số lượng ra nước ngoài làm việc nhiều mà là người lao động và cả doanh nghiệp phái cử đã biết chọn những thị trường tốt, có nhiều lợi ích cho người lao động như thu nhập cao, cơ hội học tập tốt để đưa lao động đi.

Trước đó, năm 2021, hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài gặp nhiều khó khăn, thách thức do dịch bệnh COVID-19 bùng phát ở 230 quốc gia và vùng lãnh thổ. Dự báo, nhu cầu lao động có chuyên môn cao tại nhiều nước trong thời gian tới rất lớn, điều quan trọng với Việt Nam là phải chuẩn bị tốt nguồn nhân lực để sẵn sàng đáp ứng nhu cầu cạnh tranh quốc tế.

Theo nhiều chuyên gia, Việt Nam cần hướng tới việc xây dựng thương hiệu cho lao động Việt Nam, giữ vị thế của lao động nước mình trong mắt các nhà tuyển dụng. Việc đào tạo nghề, ngoại ngữ và trang bị kỹ năng mềm cho người lao động là yêu cầu bắt buộc để dần hình thành một lực lượng lao động Việt Nam có tay nghề và tác phong chuẩn mực tại nhiều thị trường.

Huyền My (T/h)
Ý kiến của bạn