Thi tuyển lớp 10 Hà Nội: Học sinh, giáo viên đề xuất bỏ môn thi thứ 4

Giáo dục
11:44 AM 25/11/2021

Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 của Hà Nội hằng năm được tổ chức với 4 bài thi gồm: Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và môn thi thứ 4. Tuy nhiên, do học sinh lớp 9 năm nay phải học trực tuyến kéo dài, nhiều người đề xuất Hà Nội bỏ môn thi thứ 4.

Sau lễ khai giảng năm học mới đến nay, Hà Nội mới chỉ cho phép học sinh lớp 9 ở 18 huyện, thị xã ngoại thành đi học trực tiếp. Địa phương cho học sinh tựu trường đầu tiên là Ba Vì, nhưng đến nay các em mới chỉ có hơn 2 tuần học tập. Chưa kể, các trường mới chỉ được phép dạy học 1 buổi/ngày. Còn học sinh ở nhiều quận, huyện vẫn học trực tuyến hoàn toàn, chưa xác định thời gian tựu trường.

Hằng năm, kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 của Hà Nội vốn rất căng thẳng, áp lực cho học sinh cũng như nhà trường bởi tỉ lệ học sinh đỗ suất học trường công chỉ khoảng 62%. Để cạnh tranh điểm số trong kỳ thi vượt cấp, nhiều học sinh từ lớp 8 đã đi học thêm các môn Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh. Khi lên lớp 9, Hà Nội chưa công bố môn thi thứ 4, các em phải học ôn tất cả các môn như: Lịch sử, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Giáo dục công dân.

Thi tuyển lớp 10 Hà Nội: Học sinh, giáo viên đề xuất bỏ môn thi thứ 4 - Ảnh 1.

Phụ huynh mong muốn bỏ môn thi thứ 4 trong kỳ thi vào lớp 10 tại Hà Nội. Ảnh minh họa: Hải Nguyễn

Trước khi được đi học trực tiếp, nhiều em phải học trực tuyến cả ngày, trong đó buổi sáng học theo lịch của trường, buổi chiều tham gia các lớp học thêm cùng các bạn. Việc học trực tuyến kéo dài khiến chất lượng học tập của một bộ phận học sinh giảm sút, không có bạn bè bên cạnh để giao tiếp, vận động trong thời gian dài dễ khiến sức khỏe tâm thần của các em bị ảnh hưởng lớn.

Trong bối cảnh việc học bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, Sở GD&ĐT Hà Nội sẽ căn cứ tình hình thực tế để có phương án hợp lý đề xuất UBND thành phố quyết định. Lãnh đạo Sở GD&ĐT thông tin, khoảng hết học kỳ I, đơn vị tùy tình hình thực tế để có tính toán phù hợp và sớm công bố cho phụ huynh, học sinh biết.

Trao đổi với các cơ quan báo chí, bà Nguyễn Thị Lan, Hiệu trưởng Trường THCS Mai Đình, huyện Sóc Sơn (Hà Nội), nói rằng, nhà trường rất lo lắng cho chất lượng học sinh lớp 9 năm nay vì đây là lứa học sinh chịu ảnh hưởng dịch bệnh 3 năm liên tiếp, phải học trực tuyến nhiều đợt, chất lượng dạy học không thể bằng trực tiếp. Trong khi Hà Nội chưa công bố môn thi thứ 4, học sinh phải cùng lúc học và ôn tập kiến thức tất cả các môn. Do đó, bà Lan cho rằng, Hà Nội nên bỏ môn thi thứ 4 để giảm áp lực cho học sinh, hoặc nên công bố sớm môn thi để học sinh có kế hoạch ôn tập, thay vì chờ đợi đến tháng 3 năm sau.

Với tình hình dịch bệnh như hiện nay, có thể gần hết học kỳ I học sinh mới được đến trường do đó, bà Giang Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Tri Phương, quận Ba Đình (Hà Nội), kiến nghị Sở GD&ĐT Hà Nội đề xuất hủy môn thi thứ 4, thậm chí chỉ nên thi tuyển vào lớp 10 gồm 2 môn Toán, Ngữ văn. Cách đây 2 năm, Hà Nội đã giảm môn thi thứ 4. Năm ngoái, thành phố rút ngắn thời gian làm bài thi nhưng năm đó, thời gian học trực tiếp ở trường khá nhiều.

Hiệu trưởng một số trường THCS khác cho rằng, chất lượng dạy học trực tuyến khó có thể đánh giá đạt bao nhiêu phần trăm so với trực tiếp. Từ đầu năm học, Bộ GD&ĐT đã tinh giản chương trình, Sở GD&ĐT Hà Nội cũng giảm thời lượng môn học từ 45 phút xuống còn 40 phút; nhiều nội dung đã khuyến khích học sinh tự đọc, tự học hoặc giáo viên gửi video để giảm thời gian các em ngồi trước màn hình máy tính, điện thoại. “Năm ngoái, các địa phương như: Nghệ An, Hải Dương, Hải Phòng, Tuyên Quang... đều thi tuyển lớp 10 với 3 bài thi. Vì lẽ đó, Hà Nội nên bỏ môn thi thứ 4 hoặc công bố môn thi sớm để các trường, học sinh chủ động có kế hoạch dạy học và ôn tập nhằm giảm áp lực cho học sinh”, hiệu trưởng một trường THCS tại Hà Nội nói.

Nhiều phụ huynh cũng kiến nghị Sở GD&ĐT Hà Nội nên đưa ra quyết định sớm để phụ huynh và các con đỡ lo âu, thấp thỏm, không nên để đến "phút 89" mới đưa ra thông báo.

HM (T/h)
Ý kiến của bạn
Ngân hàng nới điều kiện vay tiêu dùng Ngân hàng nới điều kiện vay tiêu dùng

Từ nay, những khoản vay tiêu dùng có giá trị nhỏ, dưới 100 triệu đồng sẽ không cần phải cung cấp phương án sử dụng vốn khả thi mà chỉ cần cam kết sử dụng vốn hợp pháp.