Thị xã Hồng Lĩnh: Vị trí đắc địa với tiềm năng và sự phát triển bền vững

Địa phương
03:11 PM 25/03/2022

Sau 30 năm xây dựng và phát triển (tháng 3/1992), từ thị tứ nhỏ nằm phía Bắc tỉnh Hà Tĩnh, cơ sở hạ tầng còn yếu kém, đến nay, thị xã Hồng Lĩnh đã có những bước phát triển đồng bộ trên các lĩnh vực. Hãy ngược dòng lịch sử để biết thêm những dấu ấn đậm nét mà ông cha ta đã để lại trên mảnh đất này.

Nhiều tài liệu khảo cổ đã chứng minh trên vùng Hồng Lĩnh và xung quanh Bãi Vọt xưa kia đã có những tên đất, tên làng và có những hình thái sản xuất mang truyền thống của người Việt. Và Hồng Lĩnh là một địa danh duy nhất có truyền thuyết nơi đặt đế đô của Lạc Việt khi mới dựng nước (*Theo Ngọ Phả đền Hùng và một số chùa ở Sơn Tây ghi lại Kinh Dương Vương đóng đô ở Hồng Lĩnh sinh ra Lạc Long Quân sau đó mới dời đô ra Bắc). Chứng tỏ người xưa đã sớm có tầm nhìn về vùng đất này, nơi giao thương và có đủ điều kiện để phát triển kinh tế bởi nơi đây có rừng, có biển, có sông, có ruộng đồng tươi tốt, thuận tiện trong giao thông quốc tế và trong nước. 

Trên 99 đỉnh Non Hồng hay bên dòng sông Lam hiền hòa đã đi vào lịch sử dựng nước và giữ nước, có một nền văn hóa từ lâu đời, nơi có nhiều đền chùa miếu mạo như chùa Hương Tích xây dựng vào thế kỉ thứ XIII, là tiền thân của chùa Hương tích ở Hà Tây, hay chùa Thiên Tượng, chùa Long Đàm, đền Hùng thờ Bùi Cầm Hổ - một quan Đô Đài Ngự Sử ở triều đại Lê Thái Tổ, Lê Thái Tông và Lê Nhân Tông - người đã có sáng kiến lớn trong công cuộc khai phá mở mang tầm nhìn về thủy lợi, đưa nước tưới tiêu cho một vùng đồng ruộng lớn ở Minh Lộc, nay là phường Đậu Liêu; hay Sử Hy Nhan đỗ Trạng Nguyên thời vua Trần Dụ Tông 1363... Qua nhiều giai đoạn biến thiên của lịch sử, con người nơi đây cần cù, sáng tạo trong lao động sản xuất đã biến vùng Bãi Vọt trở thành một quần thể mà con người biết yêu thương nhau, đoàn kết, xây dựng cuộc sống mới.

Cũng chính trên mảnh đất Hồng Lĩnh nói chung và Bãi Vọt nói riêng trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mĩ, nhân dân đã chịu nhiều thương đau do chiến tranh để lại. Đặc biệt, trong cuộc chiến tranh phá hoại của Mĩ, Bãi Vọt là nơi phải hứng chịu rất nhiều những trận ném bom với pháo đài bay B52 bởi nơi đây rất thuận lợi trong giao thông được mệnh danh là "ngã ba Đông Dương". Tuy nhiên dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, quân và dân Bãi Vọt đã anh dũng chiến đấu để bảo vệ "ngã ba Đông Dương" đảm bảo huyết mạch giao thông cho các chiến trường...

Thị xã Hồng Lĩnh: Vị trí đắc địa với tiềm năng và sự phát triển - Ảnh 1.

Hình ảnh ngã tư thị xã Hồng Lĩnh

Đất nước thống nhất, Bãi Vọt được đánh giá là nơi giao thương trong nước và quốc tế, là một vị trí đắc địa hội đủ các yếu tố để trở thành trung tâm kinh tế, chính trị và văn hóa ở Hà Tĩnh và Nghệ An. Từ những đặc điểm đó, ngày 19 tháng 9 năm 1981, Hội đồng bộ trưởng đã ra Quyết định số 76 QĐ/HĐBT thành lập thị trấn Hồng Lĩnh trực thuộc huyện Đức Thọ. Ngày 2 tháng 3 năm 1992, ban hành Quyết định số 67-HĐBT thành lập thị xã Hồng Lĩnh thuộc tỉnh Hà Tĩnh.

Từ ngày thành lập thị xã đến nay, trải qua 30 năm phấn đấu, xây dựng và trưởng thành, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thị xã Hồng Lĩnh đã củng cố mối đoàn kết keo sơn gắn bó giữa Đảng và nhân dân quyết tâm xây dựng, đổi mới toàn diện đưa thị xã Hồng Lĩnh đi lên theo nhịp độ phát triển kinh tế theo xu thế đổi mới.

Hôm nay, cũng chính trên mảnh đất này, qua Ngã Ba Bãi Vọt đến xã Thuận Lộc, ta sẽ tận mắt chứng kiến quang cảnh nhộn nhịp của cuộc sống mới, cuộc sống của một xã đã xây dựng thành công "chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới". Gần Ngã Ba Bãi Vọt đến phường Nam Hồng, ta sẽ được tận hưởng nhịp độ phát triển của văn minh đô thị. Đi sâu hơn nữa vào các cụm dân cư, ta mới biết được sự thành công của các công trình cơ sở hạ tầng, giao thông liên thôn, liên xã, giao thông nội đồng được xây dựng kiên cố. 

Để đảm bảo môi trường và sức khỏe cho nhân dân, lãnh đạo thị xã còn quan tâm và chỉ đạo xây dựng thành công hệ thống thoát nước trên địa bàn Hồng Lĩnh. Những công trình mọc lên mang dáng dấp của một thị xã đang trên đà phát triển như Trung tâm văn hóa, đường trục chính 3/2, nhà máy HAIVINA...

Ngày 14/02/2022, tiếp xúc với báo chí ông Nguyễn Huy Hùng Chủ tịch UBND thị xã Hồng Lĩnh đã chia sẻ: "... Mặc dù dịch COVID-19 đang có nhiều tiềm ẩn khó lường ảnh hưởng không nhỏ đến nền sản xuất và xây dựng đô thị của thị xã Hồng Lĩnh, song với sự đoàn kết gắn bó giữa Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thị xã Hồng Lĩnh là sức mạnh làm hướng đi trong công cuộc xây dựng đô thị và là sức bật để mở ra những tiềm năng mới ở vùng đất này...".

Thị xã Hồng Lĩnh: Vị trí đắc địa với tiềm năng và sự phát triển - Ảnh 2.

Một góc thị xã Hồng Lĩnh. Ảnh: honglinh.hatinh.gov.vn

Năm 2021, mặc dù vừa đẩy mạnh sản xuất, kiến thiết xây dựng đô thị vừa chống dịch COVID - 19 nhưng nền sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp tiếp tục ổn định và phát triển mạnh. Hiện nay trên địa bàn có 612 cơ sở doanh nghiệp, sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp giải quyết việc làm cho 4.296 lao động, tăng so với những năm trước đây. 

Ai đã từng đến hạ tầng khu dân cư tổ dân phố 6, tổ dân phố 7 phường Đậu Liêu sẽ cảm nhận được nếp sống văn minh đô thị, được tận mắt chứng kiến di tích lịch sử chùa Đại Hùng, trở về nơi cảnh đẹp của suối tiên Hồng Lĩnh để được nghe tiếng chuông ngân nga trầm mặc từ chùa Thiên Tượng như gợi nhắc ta trở về những huyền thoại xa xưa. Và dự án quần thể khu du lịch sinh thái, công viên giải trí resort hay cụm công nghiệp làng nghề Trung Lương, Nam Hồng, Cổng Khánh cũng như hệ thống giáo dục, y tế ở thị xã Hồng Lĩnh đưa đến cho ta cách nhìn mới về một vùng đất có tiềm năng phát triển đang thay đổi từng ngày.

Năm 2021, thị xã Hồng Lĩnh được công nhận 04 tuyến phố văn minh đô thị, nâng tổng số tuyến phố được công nhận đến nay là 20 tuyến phố/80 tuyến phố trục chính; diện tích sàn nhà ở bình quân đạt 26,5 m2/người. Tăng 460 nhà ở riêng lẻ với tổng diện tích sàn 55.200 m2; tiêu chí cây xanh khu vực nội thị đạt 04 m2/người; mật độ đường giao thông tăng 15%; tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt 1.851 tỉ đồng, tăng 45,7% kế hoạch, tăng 60,2% so với cùng kì; thu nhập bình quân đầu người đạt 61 triệu đồng/người/năm, đạt 1,05 lần so với cả nước; giải quyết việc làm mới cho 1.838 lao động; tỉ lệ hộ nghèo giảm còn lại 3,34%. 

Trong những năm gần đây với quyết tâm cao, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thị xã Hồng Lĩnh đã vượt mọi khó khăn, vận dụng sáng tạo có tính đột phá để biến một địa phương có điểm xuất phát thấp vươn mình đứng dậy với những công trình nổi bật mang tầm mới, có tầm chiến lược lâu dài, có tầm nhìn về hoạch định của một đô thị. Đây là một quyết sách để làm hậu thuẫn cho thị xã đạt những tiêu chí xây dựng đô thị loại III. Một ngày không xa cụm công nghiệp Nam Hồng sẽ tô điểm thêm cho thị xã những nét đẹp mới, nét đẹp của sự bố trí, quy hoạch khoa học và mở mang kinh tế ở một thị xã. 

Để đạt được mục tiêu trở thành đô thị loại III, lãnh đạo và nhân dân thị xã Hồng Lĩnh đang còn phải đương đầu với những thử thách mới... nhưng với sức bật mạnh mẽ của cả hệ thống chính trị, của khối óc và những trái tim nhiệt huyết cùng với vị trí đắc địa sẽ khơi dậy những tiềm năng mới. Thị xã Hồng Lĩnh sẽ vươn mình trỗi dậy mang tầm cỡ của một đô thị văn minh, hiện đại ở phía Bắc tỉnh nhà. Năm 2021 đã qua, nhân dân thị xã Hồng Lĩnh sẽ đón một "mùa xuân" tiếp, "mùa xuân" của những thành công mới trên mảnh đất này./.

Dương Chí Sỹ
Ý kiến của bạn
Sân bay Nội Bài dự kiến đón khoảng 440.000 lượt khách dịp nghỉ lễ 30/4 Sân bay Nội Bài dự kiến đón khoảng 440.000 lượt khách dịp nghỉ lễ 30/4

Lãnh đạo Cảng Hàng không Quốc tế Nội Bài cho biết, dự kiến sẽ phục vụ khoảng 2.600 lượt chuyến bay và 440.000 lượt hành khách đi và đến trong dịp nghỉ lễ 30/4-1/5 năm nay.