Thị xã Nghi Sơn: Nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh
Thị xã Nghi Sơn (Thanh Hóa) xác định việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh là một trong những giải pháp quan trọng trong thu hút đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh. Vì vậy, những năm qua thị xã luôn nỗ lực thực hiện các giải pháp nhằm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh trên địa bàn.
Thời gian qua, môi trường đầu tư, kinh doanh của tỉnh Thanh Hóa đã có bước cải thiện tích cực và mạnh mẽ, được giới doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đánh giá cao. Mặc dù đại dịch Covid-19 đã làm chậm đà cải cách ở một mức độ nào đó, nhưng Thanh Hóa vẫn được xem là điểm đến đầu tư hấp dẫn, với nền kinh tế sôi động và luôn có tốc độ tăng trưởng cao trong cả nước. Hơn bao giờ hết, cộng đồng doanh nghiệp mong muốn có được những nỗ lực hơn nữa trong việc cải cách thể chế, môi trường kinh doanh thuận lợi, an toàn và giảm chi phí không cần thiết, nhất là khi toàn bộ nền kinh tế đang trong giai đoạn phục hồi và bứt phá. Đây được coi là động lực và là "chìa khóa" cho sự tăng trưởng kinh tế trong năm 2022 và những năm tới.
Để cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thị xã Nghi Sơn đã chỉ đạo thực hiện có hiệu quả khâu đột phá về đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính. Trọng tâm là thực hiện tốt mục tiêu "4 tăng" (ứng dụng công nghệ thông tin, công khai minh bạch, trách nhiệm trong thực thi công vụ, sự hài lòng của tổ chức và công dân), "2 giảm" (giảm thời gian giải quyết thủ tục hành chính, giảm chi phí thực hiện thủ tục hành chính), "3 không" (không phiền hà, sách nhiễu, không yêu cầu bổ sung hồ sơ quá 1 lần trong quá trình thẩm tra, thẩm định, trình tự giải quyết công việc và không trễ hẹn).
Tạo bước chuyển biến tích cực trong việc nâng cao chất lượng, hiệu quả giải quyết các thủ tục hành chính, tạo động lực thu hút đầu tư, thúc đẩy kinh tế - xã hội của thị xã phát triển. Tập trung cải cách thủ tục hành chính theo cơ chế "một cửa", "một cửa liên thông" để các cơ quan, doanh nghiệp và công dân nắm được quy trình giải quyết các thủ tục hành chính, đồng thời giám sát việc thực hiện cải cách hành chính của cán bộ, công chức, xây dựng các cơ quan hành chính từ thị xã đến các phường, xã ngày càng trong sạch, vững mạnh, phục vụ Nhân dân và doanh nghiệp công khai, minh bạch, thuận tiện, thông suốt, hiệu quả.
Xác định việc cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, hướng tới phát triển bền vững là một trọng tâm cải cách, là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên.
Trước hết thị xã tập trung hoàn thiện cơ chế, chính sách nhằm thực hiện có hiệu quả các cam kết hội nhập quốc tế; nâng cao năng lực nghiên cứu, dự báo các xu hướng của thị trường thế giới nhằm điều chỉnh chính sách kịp thời. Tăng cường chuỗi liên kết giữa các doanh nghiệp nhỏ và vừa; giữa doanh nghiệp nhỏ và vừa với doanh nghiệp FDI, tập đoàn tư nhân lớn có vị thế dẫn dắt trong chuỗi giá trị, đồng thời, nghiên cứu các giải pháp hỗ trợ, thúc đẩy doanh nghiệp nhỏ và vừa nâng cao năng lực quản trị, kỹ thuật và vốn để đủ sức cạnh tranh trên thị trường; chuẩn bị sẵn các điều kiện cần thiết (đất đai, thủ tục...) nhằm khuyến khích, mời gọi, hỗ trợ để hình thành các doanh nghiệp có quy mô lớn, tiềm lực mạnh, có khả năng cạnh tranh cao ở khu vực và quốc tế.
Thêm vào đó, thường xuyên tổ chức đối thoại giữa chính quyền và doanh nghiệp để nhận phản ánh, kiến nghị, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh. Tập trung chỉ đạo thực hiện tốt công tác giải phóng mặt bằng, di dân tái định cư, tạo môi trường thuận lợi thu hút đầu tư và triển khai thực hiện các dự án đúng tiến độ. Rà soát, phân loại các vướng mắc, tồn tại trong công tác giải phóng mặt bằng, di dân tái định cư để xây dựng kế hoạch cụ thể đối với từng dự án.
Chỉ đạo giải quyết các tồn đọng, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, di dân tái định cư, thu hồi đất, bàn giao mặt bằng sạch cho các chủ đầu tư thực hiện dự án. Tiếp tục kêu gọi nhà đầu tư quan tâm đầu tư xây dựng các trung tâm thương mại, siêu thị, chợ đầu mối, cửa hàng trưng bày, giới thiệu sản phẩm. Đồng thời, đưa Nghi Sơn trở thành điểm đến hàng đầu trong khu vực về thu hút đầu tư, đổi mới sáng tạo, phát triển khoa học - công nghệ và tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, an toàn cho người dân, doanh nghiệp, các nhà đầu tư, hướng đến mục tiêu phát triển bền vững. Đây được xem là điểm sáng trong cải cách môi trường kinh doanh thời gian qua.
Nhờ nỗ lực thực hiện các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nên thị xã Nghi Sơn đã và đang thu hút được nhiều dự án lớn. Cùng với đó, nhiều chỉ số về môi trường kinh doanh được cải thiện tích cực. Đến hết tháng 8-2022, Khu Kinh tế Nghi Sơn đã thu hút được 266 dự án đầu tư trong nước, tổng vốn đăng ký đầu tư 148.523 tỷ đồng và 23 dự án đầu tư nước ngoài, tổng vốn đăng ký đầu tư 12,808 tỷ USD. Trong đó, có nhiều dự án trọng điểm, như dự án Khu liên hợp gang thép Nghi Sơn, dự án Cảng tổng hợp quốc tế gang thép Nghi Sơn, dự án đầu tư xây dựng và khai thác hạ tầng khu công nghiệp số 3, dự án Khu Du lịch sinh thái Tân Dân...
Trong quá trình thực hiện các dự án, việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh đã góp phần đẩy nhanh tiến độ thực hiện. Đơn cử như dự án Khu Du lịch sinh thái Tân Dân được khởi công xây dựng vào tháng 6-2021, có quy mô 84,8 ha, tổng vốn đầu tư 3.662 tỷ đồng, được đầu tư xây dựng trên địa bàn phường Tân Dân nhằm mục đích khai thác lợi thế, tiềm năng du lịch của vùng đất này...
Trong quá trình triển khai thực hiện dự án, thị xã Nghi Sơn đã tạo mọi điều kiện thuận lợi trong việc thực hiện các thủ tục hành chính, giải phóng mặt bằng. Tính đến trung tuần tháng 8-2022, dự án đã tổ chức kiểm kê hiện trạng về đất đai và tài sản trên đất 508 hộ/526 hộ, thu hồi 77,52 ha, chi trả bồi thường 139,9 tỷ đồng và đã bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư thực hiện dự án 2 đợt, với diện tích 67,2 ha.
Những tín hiệu tích cực nêu trên phản ánh sự chủ động và năng lực thích ứng của cộng đồng doanh nghiệp trong tỉnh cũng như sự điều hành linh hoạt và quyết đoán của lãnh đạo địa phương trong hoạt động kinh tế.
Bên cạnh những kết quả đạt được, môi trường kinh doanh của tỉnh Thanh Hóa nói chung và thị xã Nghi Sơn nói riêng vẫn đang đối mặt với nhiều rủi ro, thách thức khi tốc độ và mức độ cải thiện đang có phần chững lại. Điều này thể hiện qua mức độ lạc quan của thị trường giảm, năng suất lao động bị ảnh hưởng, nguy cơ đứt gãy của chuỗi cung ứng vì những bất ổn chính trị trên thế giới, gia tăng các khoản vay,... Do vậy, vấn đề cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh cần được tiếp tục đẩy mạnh và thực hiện một cách thực chất hơn nữa. Các bộ, ngành và địa phương phải coi đó là nhiệm vụ xuyên suốt để tiến đến mục tiêu tăng trưởng cao và bền vững trong giai đoạn phục hồi của nền kinh tế hiện nay.
Để "giữ lửa" cho đà cải cách, nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh thì yếu tố quan trọng nhất là phải luôn tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp và nền kinh tế nhằm nâng cao hơn nữa năng lực cạnh tranh, tận dụng cơ hội tăng trưởng kinh tế, thu hút đầu tư hậu Covid-19; nhanh chóng sửa đổi ngay những điều kiện kinh doanh đang gây khó cho doanh nghiệp và triển khai nghiêm túc, đầy đủ những nghị quyết về cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh đã ban hành, nhằm tạo ra những đột phá cho môi trường kinh doanh giai đoạn tới.
Việc nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh của thị xã được đánh giá là bước đột phá để từng bước thực hiện mục tiêu đến năm 2025 trở thành trung tâm kinh tế, đô thị động lực của tỉnh, khu vực và trở thành trung tâm kinh tế, đô thị ven biển trọng điểm của cả nước vào năm 2030.
Yến HoàngBáo cáo từ Bộ Tài chính cho biết, ước giải ngân vốn đầu tư công của cả nước đến hết tháng 11 là 410.953,1 tỷ đồng, đạt 60,43% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.