Thị xã Nghi Sơn: Phát huy tiềm năng, thế mạnh trên lộ trình trở thành trung tâm kinh tế
Thị xã Nghi Sơn nằm ở cửa ngõ phía Đông Nam tỉnh Thanh Hóa với dân số trên 307.000 người, diện tích tự nhiên 455km2. Nhân dân thị xã Nghi Sơn không những có truyền thống yêu nước, tinh thần cách mạng kiên cường mà còn nhạy bén, năng động, linh hoạt, sáng tạo trong phát triển kinh tế.
Những năm qua, thị xã Nghi Sơn đã phát huy có hiệu quả tiềm năng, thế mạnh, huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực đầu tư để thực hiện lộ trình, mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 thị xã Nghi Sơn - Khu kinh tế Nghi Sơn trở thành trung tâm kinh tế đô thị động lực của tỉnh và khu vực, đến năm 2030 trở thành một trung tâm kinh tế, đô thị ven biển của cả nước.
Phát huy tiềm năng, thế mạnh và nguồn lực đầu tư để thực hiện hóa khát vọng, mục tiêu phát triển. Được thiên nhiên ưu đãi với 3 vùng sinh thái: đồng bằng, ven biển và bán sơn địa, thị xã Nghi Sơn rất thuận tiện cho phát triển đa dangh các loại hình kinh tế như: công nghiệp, dịch vụ, du lịch, nông-lâm-thủy sản và kinh tế biển. Là địa phương với đa dạng loại hình giao thông, nhiều tuyến đường giao thông huyết mạch quốc gia như: Quốc lộ 1A, đường sắt Bắc-Nam, vận tải biển trong nước và quốc tế qua hệ thống cảng biển Nghi Sơn, các tuyến đường quan trọng nối liền Khu kinh tế Nghi Sơn với các khu vực phát triển kinh tế của tỉnh, đây là tiềm năng, lợi thế để thu hút đầu tư trong và ngoài nước, thúc đẩy sự nghiệp công nghiệp, đô thị hóa.
Mang trong mình nguồn lực cả về điều kiện tự nhiên, vị trí địa lý và yếu tố về nhân lực, ngày 15/5/2006, thị xã Nghi Sơn đã Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 102/2006/QĐ-TTg về thành lập Khu kinh tế Nghi Sơn với diện tích 18.600ha thuộc 12 xã phía nam, với mục tiêu phát triển thành khu kinh tế ven biển, đa nhành, đa lĩnh vực trọng tâm là công nghiệp lọc hóa dầu, công nghiệp nặng, công nghiệp cơ khí chế tạo gắn với khai thác có hiệu quả hệ thống cảng biển Nghi Sơn.
Theo đó, ngày 7/12/2018, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt mở rộng Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó, Khu kinh tế Nghi Sơn mở rộng toàn bộ diện tích huyện Tỉnh Gia (nay là thị xã Nghi Sơn) và 6 xã thuộc huyện Nông Cống và Như Thanh.
Để phát huy tối đa tiềm lực vùng đất giàu tiềm năng này, ngày 22/4/2020,Uỷ ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết số 933/NQ-UBTVQH về thành lập thị xã Nghi Sơn và các phường thuộc thị xã Nghi Sơn.Theo đó, thị xã Nghi Sơn được thành lập với diện tích tự nhiên 445km2, dân số trên 307.000 người, với 31 đơn vị hành chính, gồm 16 phường và 15 xã. Việc trở thành thị xã là dấu mốc lịch sử quan trọng cho sự phát triển của thị xã Nghi Sơn. Đồng thời, là niềm vinh dự tự hào của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân thị xã Nghi Sơn nói riêng cũng như của tỉnh Thanh Hóa nói chung, thể hiện một khát khao vươn lên tầm cao mới của đất và người Nghi Sơn, mở ra cho Nghi Sơn một thời kỳ phát triển kinh tế-xã hội mạnh mẽ, quyết tâm trở thành một đô thị động lực của tỉnh Thanh Hóa cũng như của cả nước.
Trở thành thị xã, Nghi Sơn xây dựng lộ trình phát triển công nghiệp nặng, năng lượng, chế biến, chế tạo, dịch vụ Logistics, du lịch. Phát triển thị xã Nghi Sơn- Khu kinh tế Nghi Sơn để trở thành cầu nối giữa các cực kinh tế lớn là Hà Nội – Hải Phòng- Quảng Ninh và khu vực miền Trung. Phấn đấu đến năm 2030 , Nghi Sơn trở thành thành phố công nghiệp, tầm nhìn đến năm 2045 trở thành thành phố giàu đẹp, văn minh và hiện đại. Trước mắt, giai đoạn 2021-2025, thị xã phấn đấu tốc độ tăng giá trị sản xuất bình quân hàng năm đạt 19%; tỷ lệ tăng thu ngân sách trên địa bàn hàng năm đạt 12% trở lên; tổng huy động vốn đầu tư phát triển 5 năm đạt 242.000 tỷ đồng. Đến năm 2025, kim ngạch xuất khẩu của thị xã đạt 3 tỷ USD; tỷ lệ đô thị hóa 82%.
Thực hiện lộ trình mục tiêu, phát triển, thị xã Nghi Sơn đã xây dựng và triển khai thực hiện 4 chương trình trọng tâm, gồm: Chương trình phát triển đô thị và kinh tế đô thị; Chương trình giải phóng mặt bằng và sắp xếp lại dân cư; Chương trình phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới; chương trình phát triển kinh tế biển và phát triển du lịch. Cùng với các chương trình trọng tâm, thị xã đề ra 2 khâu đột phá về đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính và đột phá về đổi mới, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức.
Để thực hiện thành công các chương trình trọng tâm và các khâu đột phá, thị xã Nghi Sơn đã và đang nỗ lực đổi mới đồng bộ hệ thống chính trị, nội dung và phương thức lãnh đạo của Đảng đối với cấp chính quyền đô thị. Đồng thời, huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực cho đầu tư phát triển, nhất là xây dựng đồng bộ kết cấu hạ tầng đô thị, đáp ứng yêu cầu công nghiệp và phát triển đô thị. Thị xã ưu tiên phát triển nhanh, mạnh ngành công nghiệp cơ bản, các khu công nghiệp, phát triển công nghiệp nặng, công nghiệp phụ trợ, tổng kho xăng dầu, khí đốt hóa lõng và hóa chất, cảng biển, dịch vụ Logistics, hậu cần cảng,gang thép, nhiệt điện, các ngành công nghiệp nhẹ, công nghiệp dệt may, giày da thu hút nhiều việc làm. Tập trung đầu tư xây dựng các dự án hạ tầng xã hội, phát triển nhanh khu vực cảng biển Nghi Sơn và phụ cận.
Cùng với đó, thị xã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt công tác giải phóng mặt bằng, di dân tái định cư, tạo môi trường thuận lợi thu hút đầu tư và triển khai thực hiện các dự án đúng tiến độ, đóng góp vào tăng trưởng của thị xã và của tỉnh.
Chính vì thực hiện đồng bộ, hiệu quả các nhóm giải pháp, nên tình hình phát triển kinh tế-xã hội năm 2022 của thị xã tiếp tục tăng trưởng cao và đạt nhiều kết quả quan trọng trên các lĩnh vực. Năm 2022, thị xã có 26/27 chỉ tiêu chủ yếu hoàn thành và hoàn thành vượt kế hoạch.Tốc độ tăng giá trị sản xuất trên địa bàn ước đạt 19,6% vượt kế hoạch đề ra. Trong đó, nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,95%; công nghiệp, xây dựng tăng 20,3%, dịch vụ tăng 14,5%. Tổng thu ngân sách toàn thị xã ước đạt hơn 2.752 tỷ đồng, tăng 129,3% kế hoạch tỉnh giao… Bên cạnh đó, chính sách an sinh xã hội, hỗ trợ người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 được thực hiện đầy đủ và kịp thời.
Để tiếp tục thực hiện lộ trình, mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 thị xã Nghi Sơn – Khu kinh tế Nghi Sơn trở thành trung tâm kinh tế, đô thị động lực của tỉnh và của khu vực, đến năm 2030 trở thành một trung tâm kinh tế, đô thị ven biển của cả nước, thị xã Nghi Sơn đã và đang tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác chỉ đạo, điều hành từ thị xã đến cơ sở, đảng bộ, chính quyền thị xã đang tập trung chỉ đạo, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, huy động và phân bổ hợp lý các nguồn lực để đẩy mạnh phát triển kinh tế. Trong đó, lĩnh vực công nghiệp sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi để các nhà máy sản xuất công nghiệp trong Khu kinh tế Nghi Sơn và trên địa bàn thị xã duy trì sản xuất ổn định, phát huy tối đa công suất. Về thương mại-dịch vụ, thị xã sẽ tập trung phát triển nhanh, đa dạng các ngành dịch vụ có lợi thế, giá trị gia tăng cao gắn với phát triển Khu kinh tế Nghi Sơn; định hướng, hướng dẫn, hỗ trợ các doanh nghiệp kết nôi cung-cầu tiêu thụ sản phẩm hàng hóa, tập trung vào khai thác phát triển thị trường nội địa và xuất khẩu. Đồng thời, đẩy mạnh đầu tư kết cấu hạ tầng du lịch. Đối với lĩnh vực nông nghiệp, tiếp tục đẩy mạnh tích tụ, tập trung đất đại, xây dựng vùng sản xuất tập trung, quy mô lớn. Cùng với các giải pháp phát triển đối với từng lĩnh vực cụ thể, thị xã Nghi Sơn sẽ đẩy mạnh tăng thu ngân sách, thành lập mới doanh nghiệp, tăng cường quản lý quy hoạch, quản lý trật tự xây dựng, cấp phép xây dựng.
Với phương châm hành động "Đoàn kết - Kỷ cương - Trách nhiệm - Sáng tạo", kiểm soát tốt dịch bệnh và chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu kinh tế theo hướng Thương mại - Dịch vụ - Công nghiệp, xây dựng, bảo đảm tăng thu nhập và giải quyết việc làm cho người dân, phấn đấu đến năm 2025 thị xã Nghi Sơn trở thành Trung tâm Kinh tế đô thị động lực của tỉnh, của Khu vực và cả nước./.
Triều Nguyệt
Theo khảo sát thực trạng doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư tại nước ngoài cho năm tài chính 2024, do Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) thực hiện, có đến 56,1% số doanh nghiệp được khảo sát trả lời sẽ “mở rộng” kinh doanh trong 1-2 năm tới.