Thị xã Sơn Tây: Tìm hiểu về Luật Thủ đô năm 2024
Ngày 10/12, Thường trực HĐND thị xã Sơn Tây, TP Hà Nội đã tổ chức hội nghị chuyên đề “Tìm hiểu về Luật Thủ đô năm 2024” cho các đại biểu HĐND thị xã và các xã trên địa bàn.
Tại hội nghị, các đại biểu được nghe ông Đào Hiến Chương - Trưởng Phòng Tư pháp - Chủ tịch Hội Luật gia thị xã Sơn Tây thông tin, phổ biến một số vấn đề nổi bật của Luật Thủ đô 2024. Theo đó, Luật Thủ đô 2024 được Quốc hội khóa XV, Kỳ họp lần thứ 7 thông qua ngày 28/6/2024. Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2025 (trong đó có 5 nội dung có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2025).
Toàn cảnh hội nghị
Luật gồm 7 chương, 54 điều (tăng 3 chương, 27 điều so với Luật Thủ đô năm 2012), bám sát 5 quan điểm chỉ đạo xây dựng dự thảo và 9 nhóm chính sách đã được Quốc hội quyết định với nhiều nội dung mới, hướng đến việc phân quyền, phân cấp mạnh mẽ trên các lĩnh vực cùng nhiều giải pháp chính sách đặc thù, vượt trội, phù hợp với tình hình thực tiễn, định hướng phát triển đất nước, Thủ đô Hà Nội trong giai đoạn mới.
Luật đã điều chỉnh nhiều nội dung quan trọng, bảo đảm tổ chức chính quyền Thủ đô theo hướng tinh gọn, chuyên nghiệp, hiện đại, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Hà Nội được bầu 125 đại biểu HĐND TP, trong đó có ít nhất là 25% tổng số đại biểu hoạt động chuyên trách (tăng 30 đại biểu so với hiện tại). Thường trực HĐND TP hoạt động chuyên trách có không quá 11 thành viên, gồm Chủ tịch, không quá 3 Phó Chủ tịch (tăng 1 Phó Chủ tịch và 4 thành viên Thường trực HĐND TP).
Báo cáo viên tuyên truyền nội dung của Luật Thủ đô 2024 tại hội nghị
Đối với UBND TP Hà Nội, Luật Thủ đô 2024 phân cấp cho chính quyền TP quyết định thành lập mới đơn vị sự nghiệp công lập thuộc phạm vi quản lý; UBND, Chủ tịch UBND, cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính khác thuộc UBND các cấp được phân cấp hoặc ủy quyền thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn do pháp luật quy định.
Cùng với quy định về việc phân cấp, ủy quyền giữa các cấp chính quyền của TP, Luật đã bổ sung quy định về việc phân cấp, ủy quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, bộ, ngành cho các cơ quan của TP để cụ thể hóa chủ trương đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền…
Sau khi Luật Thủ đô được Quốc hội thông qua, Thành ủy, HĐND, UBND thành phố đã ban hành kế hoạch, văn bản để chỉ đạo triển khai thi hành Luật. Luật có nhiều cơ chế, chính sách đặc thù, nhiều quy định mới so với hệ thống pháp luật hiện hành. Từ đó yêu cầu đặt ra là các cấp, các ngành, mỗi cán bộ, công chức, viên chức cũng như đại biểu HĐND các cấp phải nắm vững tư tưởng, quan điểm, tinh thần của Luật Thủ đô, hiểu rõ được các quy định cụ thể cũng như mối quan hệ giữa các quy định của Luật Thủ đô trong tổng thể chung của hệ thống pháp luật, nâng cao nhận thức, trách nhiệm trong việc triển khai thi hành Luật Thủ đô.
Xuân TâmĐà Nẵng, Phú Quốc dẫn đầu top điểm đến được ưa chuộng dịp Tết Ất Tỵ 2025 với nhiều trải nghiệm đặc sắc thuyết phục du khách chọn “ăn tết” xa nhà hoặc tận hưởng năm mới theo cách riêng.