Thị xã Thái Hòa - Điểm sáng vùng Tây Bắc Nghệ An

Địa phương
10:11 AM 13/10/2023

Trải qua 15 năm hình thành và phát triển, chính quyền và nhân dân thị xã Thái Hòa, tỉnh Nghệ An đã không ngừng nỗ lực phấn đấu đạt nhiều kết quả toàn diện trên các lĩnh vực. Kinh tế tăng trưởng mạnh, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng dịch vụ, công nghiệp, xây dựng.

Thị xã Thái Hòa xưa kia là thủ phủ của Phủ Quỳ, là trung tâm kinh tế, văn hóa, xã hội của vùng Tây Bắc tỉnh Nghệ An. Là địa phương nổi tiếng về tài nguyên thiên nhiên phong phú, có vùng đất đỏ bazan rộng lớn. Thái Hòa lâu nay được biết đến bởi nhiều sản phẩm từ cây công nghiệp như: chè, cao su, cà phê Phủ Quỳ, cam Thái Hòa.

Trong 15 năm hình thành và phát triển, thị xã Thái Hòa thu hút được nhiều dự án trong và ngoài nước, với tổng vốn đầu tư lên đến hàng nghìn tỷ đồng. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng khá, kết cấu hạ tầng từng bước được đầu tư xây dựng theo hướng đồng bộ, diện mạo, kiến trúc đô thị có nhiều đổi mới.

Trên địa bàn thị xã đã có 4 đơn vị sản xuất nông nghiệp tập trung ứng dụng công nghệ cao đạt tiêu các chuẩn như: Trang trại bò sữa Vinamilk Nghệ An quy mô gần 3.000 con bò vắt sữa được Tổ chức Chứng nhận Global G.A.P. ConTrolUnion trao giấy chứng nhận đạt chuẩn quốc tế. Trang trại trồng nho, dưa lưới, rau quả an toàn trong nhà màng quy mô 5ha, trang trại chăn nuôi lợn công nghiệp quy mô cả ngàn con của Công ty TNHH Nông nghiệp Hùng Cường và trang trại chăn nuôi lợn sạch quy mô 800 con của HTX Nông nghiệp Kim Tiến Đại Phát được chứng nhận đạt tiêu chuẩn Viet GAP.

Theo UBND thị xã Thái Hòa, trong 15 năm qua, ngành công nghiệp - xây dựng ở thị xã Thái Hòa ngày càng phát triển. Tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2008-2022 đạt 9,13%/năm, giá trị tăng thêm ngành công nghiệp - xây dựng năm 2008 đạt 192,5 tỷ đồng, năm 2022 đạt 921,2 tỷ đồng.

Ngoài ra, thực hiện Quyết định số 06/QĐ-TTg ngày 06/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt "Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030" được gọi tắt là Đề án 06, tại thị xã Thái Hòa nhiều đơn vị, địa phương đã tham mưu và ban hành văn bản tương đối đầy đủ, bài bản, triển khai quyết liệt, hiệu quả Đề án.

Thị xã Thái Hòa - Điểm sáng vùng Tây Bắc Nghệ An - Ảnh 1.

Một góc thị xã Thái Hòa. (Ảnh: BNA)

Thái Hòa là một trong những đơn vị được đánh giá tốp đầu trong việc triển khai, thực hiện tốt Đề án 06. Đến nay địa phương đạt được 9/13 tiêu chí kèm theo Bộ tiêu chí xây dựng đơn vị kiểu mẫu thực hiện Đề án 06. 100% các xã, phường đã thành lập Tổ tuyên truyền Đề án và Tổ hỗ trợ, hướng dẫn công dân kích hoạt định danh điện tử, phát huy hiệu quả cao trong vận động, hướng dẫn công dân kích hoạt định danh điện tử mức độ 1 và 2. Hoàn thành cấp CCCD đối với 100% công dân đủ điều kiện cư trú trên địa bàn. Một số đơn vị tổ chức tốt công tác quán triệt, triển khai các nội dung liên quan Đề án 06 thông qua các cuộc họp giao ban của đơn vị, như: Phòng Tư pháp, Phòng Lao động - Thương binh và xã hội, Phòng Giáo dục - Đào tạo, UBND phường Hòa Hiếu.  

Bên cạnh đó, công tác xây dựng thị xã điển hình về phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ trên địa bàn Thái Hòa bước đầu thu được những kết quả đáng ghi nhận. Tình hình ANTT có sự chuyển biến tích cực, tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật giảm hơn so với cùng kỳ các năm trước. Trên địa bàn không xuất hiện các băng, ổ nhóm tội phạm hoạt động lưu manh, côn đồ, không hình thành các điểm nóng, phức tạp về ANTT. 

Công tác xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ được phát triển sâu rộng. Công tác quản lý hành chính về TTXH, quản lý trật tự đô thị được triển khai thực hiện quyết liệt, đạt nhiều kết quả nổi bật góp phần xây dựng cảnh quan đô thị văn minh, sạch đẹp. 

Phát huy những kết quả này, thời gian tới thị xã Thái Hòa sẽ tiếp tục thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó tiếp tục tổ chức quán triệt và huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị, tích cực tham gia thực hiện nhiệm vụ xây dựng đơn vị điển hình, kiểu mẫu. Giao trách nhiệm cụ thể và gắn vào đánh giá, xét thi đua khen thưởng cuối năm cho các đơn vị, địa phương liên quan.

Cùng với đó, thị xã Thái Hòa sẽ huy động tối đa nguồn lực tập trung đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng thương mại, kêu gọi đầu tư vào các dự án thương mại trọng điểm. Đẩy mạnh xây dựng và phát triển hệ thống siêu thị bán buôn bán lẻ, kho bãi, logistics. Thu hút và kêu gọi đầu tư, xã hội hóa chuyển đổi mô hình quản lý và kinh doanh chợ, nâng cấp chợ truyền thống theo hướng văn minh, hiện đại. Đồng bộ phát triển các tuyến phố chuyên doanh. Tập trung đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng tổ hợp chợ mới, xã Nghĩa Thuận. Xúc tiến kêu gọi thu hút đầu tư chợ trung tâm thị xã tại phường Long Sơn.

Tăng tốc phát triển ngành công nghiệp theo hướng ưu tiên công nghệ hiện đại, nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh, tăng hàm lượng công nghệ cao trong các sản phẩm, bảo đảm vệ sinh môi trường. Quy hoạch và đầu tư xây dựng hạ tầng các khu, cụm công nghiệp, làng nghề theo hướng tập trung. Đến năm 2025, lấp đầy cụm công nghiệp Nghĩa Mỹ và đầu tư hạ tầng thêm một cụm công nghiệp tại Tây Hiếu.

Trong giai đoạn 2030-2050, thị xã sẽ có 1 khu công nghiệp theo quy hoạch với quy mô 200-300 ha, thu hút đầu tư hạ tầng khu, cụm công nghiệp bằng các hình thức đối tác công tư. UBND thị xã Thái Hòa thông tin thêm, trước mắt, trong giai đoạn tới thị xã sẽ ưu tiên thu hút phát triển công nghiệp chế biến các sản phẩm nông, lâm nghiệp, công nghiệp nhẹ ứng dụng công nghệ tiên tiến gắn với nâng cao chất lượng và phát triển thương hiệu sản phẩm. Mặt khác, phát triển tiểu thủ công nghiệp và ngành nghề nông thôn, quan tâm hỗ trợ phát triển công nghiệp và ưu tiên các lĩnh vực thân thiện với môi trường, các lĩnh vực công nghiệp truyền thống có thế mạnh của địa phương như gia công cơ khí, chế biến gỗ, thủ công mỹ nghệ, chế biến đá, phụ gia hạt nhựa và các mô hình kinh tế tuần hoàn trong công nghiệp.

Ngọc Tú
Ý kiến của bạn
Kinh tế số có thể đem lại 74 tỷ USD cho Việt Nam vào năm 2030 Kinh tế số có thể đem lại 74 tỷ USD cho Việt Nam vào năm 2030

Theo nghiên cứu về nền kinh tế số Việt Nam của tập đoàn Google, dự báo đến năm 2030, giá trị tác động kinh tế hàng năm của công nghệ số tại Việt Nam có thể đạt đến 1.733 nghìn tỷ đồng, tương đương 74 tỷ USD.