Thích ứng trước xu hướng tiêu dùng mới
Từ khi diễn ra đại dịch Covid-19 đến nay, cách thức mua sắm của người tiêu dùng có nhiều thay đổi. Thay vì đi mua sắm trực tiếp tại chợ, siêu thị, cửa hàng, nhiều người tiêu dùng chuyển sang mua sắm trực tuyến (online), lựa chọn sản phẩm chất lượng tốt, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Thực tế này đòi hỏi các doanh nghiệp trong đó có nhà bán lẻ... nhanh chóng thích ứng trước xu hướng tiêu dùng mới như thay đổi hình thức mua bán, giao hàng; nâng cao chất lượng, mẫu mã, giảm giá thành sản phẩm...
Người tiêu dùng Việt Nam ưu tiên sử dụng hàng hóa trong nước với nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng. Ảnh: Sơn Hà
Khi người dân thay đổi thói quen mua sắm
Là người đam mê thời trang, trước đây cứ vài ba tuần chị Vũ An Khanh (24 tuổi, phường Gia Thụy, quận Long Biên) lại ra các cửa hàng thời trang sắm cho mình một vài chiếc váy hay đôi giày yêu thích. Nhưng nay việc mua sắm có nhiều thay đổi. “Vừa phòng dịch bệnh, vừa tiết kiệm để dự phòng khi gặp khó khăn như trong giai đoạn giãn cách vừa qua, tôi thay đổi cách mua sắm, chủ yếu mua những mặt hàng cần thiết trên các trang mạng uy tín kèm nhiều ưu đãi”, chị Khanh cho biết.
Tương tự, thói quen mua sắm tại trung tâm thương mại mỗi tuần của gia đình anh Nguyễn Văn Thắng (trú ở ngõ 181 Nguyễn Lương Bằng, quận Đống Đa) cũng thay đổi. “Từ đợt dịch Covid-19 vừa qua, để tránh tới nơi đông người, gia đình tôi giảm số lần đi mua sắm và bây giờ đã thành thói quen chi tiêu tiết kiệm. Phần lớn ngân sách gia đình để mua thực phẩm cùng những vật dụng thiết yếu từ những cửa hàng uy tín, có xuất xứ rõ ràng hoặc mua qua kênh trực tuyến của siêu thị” - anh Thắng chia sẻ.
Nghiên cứu gần đây của Công ty Đo lường toàn cầu Nielsen cho thấy, sau dịch Covid-19, có tới 76% người tiêu dùng Việt Nam ưa chuộng hàng nội địa, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, sẵn sàng chi trả cao hơn cho những sản phẩm bảo đảm chất lượng, bảo vệ sức khỏe.
Còn theo kết quả cuộc khảo sát mới đây của Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao, 98% người tiêu dùng mua hàng online trong thời gian dịch Covid-19 khi được hỏi đều khẳng định sẽ duy trì mua sắm online trong tương lai. Theo Chánh Văn phòng Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao Hồ Đức Minh, xu hướng gia tăng mua sắm trực tuyến tạo cơ hội cho doanh nghiệp đẩy mạnh chiến lược chuyển đổi số, tạo dấu ấn mạnh hơn trên thị trường trực tuyến.
Tổng Giám đốc Nielsen Việt Nam Louise Hawley cho biết: "Dịch Covid-19 đã để lại nhiều thay đổi trong thói quen và hành vi của người tiêu dùng cũng như tạo ra những xu hướng mới. Khi người tiêu dùng tìm kiếm sự bảo đảm về chất lượng sản phẩm thì một thương hiệu quen thuộc có xuất xứ rõ ràng, uy tín là cách nhanh nhất để chạm đến nhu cầu này".
Đổi mới phương thức kinh doanh
Từ khi dịch Covid-19 xảy ra đến nay, nắm bắt xu hướng tiêu dùng mới, doanh nhân trẻ Hoàng Tùng - người sáng lập thương hiệu Pizza Home ở Hà Nội, đã nhanh chóng đổi mới phương thức kinh doanh. Cụ thể, xuất phát từ thực tế người tiêu dùng thích tự chế biến pizza tại nhà để giảm chi phí, đồng thời phòng, chống dịch bệnh, Pizza Home đã chế biến bánh pizza đông lạnh để khách hàng tự nướng, tăng cường dịch vụ chuyển hàng tận nhà với giá ưu đãi.
Các doanh nghiệp đã nhanh chóng thích ứng trước xu hướng tiêu dùng mới như thay đổi hình thức mua bán, giao hàng; nâng cao chất lượng hàng hóa. Trong ảnh: Khách hàng sử dụng dịch vụ giao hàng nhanh tại nhà. Ảnh: Sơn Hà
Còn Giám đốc Công ty cổ phần Phát triển ong miền núi (phố Nguyên Hồng, quận Đống Đa) Lưu Thị Đào cho biết, nhằm đáp ứng nhu cầu mua sắm sản phẩm bảo vệ sức khỏe cả trong và sau dịch Covid-19, công ty đã phát triển 10 dòng sản phẩm dinh dưỡng từ mật ong kết hợp với nhân sâm, nghệ… Cùng với đó, công ty cũng tăng cường giao hàng tại nhà, mở rộng hệ thống phân phối tại nhiều tỉnh, thành phố trên toàn quốc.
Mặc dù bán lẻ vẫn được đánh giá là thị trường tiềm năng, song xu hướng tiêu dùng thay đổi buộc các doanh nghiệp phân phối phải có giải pháp phù hợp để thích ứng. Ngoài lợi thế là sự thuận tiện cùng với lượng hàng hóa phong phú, đa dạng, dễ lựa chọn, hầu hết các hệ thống siêu thị như Co.opmart, Big C, Vinmart…, đều tích cực đổi mới hình thức kinh doanh như đẩy mạnh kênh bán hàng online, giao hàng nhanh tại nhà kèm nhiều ưu đãi.
Rõ ràng, việc nắm bắt xu hướng, nhu cầu khách hàng là “chìa khóa” để các doanh nghiệp đẩy mạnh kinh doanh ngay trong giai đoạn kinh tế đất nước gặp nhiều khó khăn bởi dịch Covid-19. Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng: “Dịch Covid-19 khiến người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu, tập trung mua hàng hóa thiết yếu, có nguồn gốc nội địa. Khi hàng Việt đang dần tạo niềm tin với người tiêu dùng thì đây là cơ hội lớn để các doanh nghiệp thu hút nhiều hơn khách hàng và chiếm lĩnh thị trường trong nước. Bản thân mỗi doanh nghiệp, mỗi hiệp hội ngành hàng cần đưa ra những giải pháp thích hợp nhằm nâng cao chất lượng, cải tiến mẫu mã, giảm giá thành, đổi mới phương thức kinh doanh gắn với dịch vụ hậu mãi”.
Theo Bộ Công Thương, doanh thu bán lẻ hàng hóa 6 tháng đầu năm 2020 đạt 1.895,6 nghìn tỷ đồng, chiếm 79,6% tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng, tăng 3,4% so với cùng kỳ năm 2019, nhờ nguồn cung hàng hóa dồi dào, hình thức mua sắm trực tuyến ngày càng phổ biến đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.
Giá xăng trong nước ngày mai (23/1) được dự báo quay đầu giảm sau khi đã có 3 lần tăng liên tiếp. Nếu không tác động đến Quỹ bình ổn, giá xăng có thể giảm khoảng 50-150 đồng/lít, trong khi giá dầu diesel có khả năng tiếp tục tăng.