Thiên đường an toàn, Việt Nam lập resort chuyên biệt đón khách Tây
Việt Nam cần định vị là thiên đường du lịch an toàn. Ngoài mở cửa dần với từng thị trường đã an toàn, nới lỏng chính sách visa, khách đến Việt Nam không thuộc diện cách ly 14 ngày, đón tiếp ở những khu du lịch chuyên biệt.
Khống chế dịch Covid-19 thành công, lợi thế lớn của Việt Nam trong cuộc đua đón khách quốc tế
Mở cửa dần từng thị trường
Ông Trần Trọng Lưu, Giám đốc công ty Vận tải hàng hoá HARAtrans, vừa vui mừng thông báo có ít nhất 3 đối tác nước ngoài của công ty đã bàn đến việc hợp tác làm tour đến Việt Nam năm 2021.
“Việt Nam đã tạo tiếng vang trên thế giới khi khống chế tốt dịch bệnh, vừa tạo thuận lợi cho thị trường du lịch nội địa vừa làm yên lòng các thị trường gửi khách quốc tế đến Việt Nam. Một tín hiệu tuyệt vời cho du lịch Inbound Việt Nam”, ông Lưu nói.
Sự thành công của Việt Nam trong nỗ lực chống dịch Covid-19 đã đem lại hiệu quả to lớn trong việc quảng bá hình ảnh đất nước, thu hút khách quốc tế sớm quay trở lại. Theo đánh giá của Indochina Capital, điều này giúp Việt Nam có lợi thế hơn hẳn so với nhiều nước, kể cả Thái Lan, trong việc thu hút khách du lịch, nhất là khách Đài Loan, Trung Quốc, Hàn Quốc, Úc, New Zealand,...
Ông Nguyễn Trùng Khánh cho hay cơ quan này đã xây dựng 3 kịch bản đón khách quốc tế. Với kịch bản này, thị trường khách quốc tế đầu tiên mà Tổng cục Du lịch tính đến là những thị trường gần, trong khu vực ASEAN và Đông Bắc Á. Khả năng trong quý 4, bước đầu sẽ có khách quốc tế đến Việt Nam. Kỳ vọng đầu năm 2021, lượng khách quốc tế khôi phục trở lại.
Mở lại có chọn lọc các đường bay quốc tế để đón khách trở lại Việt Nam (ảnh minh họa)
Tuy nhiên, theo các chuyên gia và DN lữ hành, không như khách nội địa phát động kích cầu là có khách ngay, để thu hút khách quốc tế cần chuẩn bị trước từ 4-6 tháng.
Bà Trần Thị Nguyện, Giám đốc Kinh doanh của Tập đoàn Sun World, nói rằng thị trường Đài Loan đã sẵn sàng gửi khách trở lại, công ty Anex Việt Nam cũng đề nghị mở lại đường bay từ tháng 10 để đón khách Nga nên ngành du lịch cần có phương án kế hoạch kinh doanh để đón đầu du khách, thậm chí nên đi trước một bước.
Theo ông Võ Anh Tài, Phó Tổng giám đốc Saigontourist, cần có một kế hoạch tổng thể để khởi động lại thị trường quốc tế, trong đó xác định đâu là thị trường du lịch trọng điểm. Thị trường nào hồi phục trước, an toàn thì tái khởi động quảng bá xúc tiến đón khách ngay, đây là điểm mới hậu Covid-19.
Sớm mở lại đường bay quốc tế
Ông Đinh Việt Phương, Phó Tổng giám đốc Công ty CP Hàng không Vietjet, băn khoăn, liệu từ bây giờ, các hãng hàng không có thể mở rộng hình thức quảng bá, khởi động bán vé được chưa để đón đầu du khách các nước có kế hoạch du lịch Việt Nam dịp cuối năm.
DN này mới rón rén mở đường bay đi Đài Loan vào tháng 7, nhưng chỉ chở đi và không thể chở người về được. “Nội địa kích cầu bao nhiêu nhưng với hàng không, lượng khách trong nước chỉ chiếm 50-60%. Nếu quốc tế chưa mở, hàng không chưa bay lại thì máy bay còn nằm đất, du lịch chưa thể cất cánh”, ông Phương thẳng thắn.
Ông Lương Hoài Nam, chuyên gia hàng không, nhấn mạnh, muốn mở lại được du lịch quốc tế thì phải mở lại được hàng không quốc tế. Không có hàng không quốc tế thì không có du lịch quốc tế.
Mới đây, Singapore đã mở cho Úc, New Zealand, Hàn Quốc, Canada; Anh mở cho Pháp và đang nghiên cứu mở cho Mỹ, các nước EU còn lại. Campuchia cũng công bố dỡ lệnh nhập cảnh với công dân 6 quốc gia gồm Iran, Italy, Đức, Tây Ban Nha, Pháp và Mỹ. Song, theo ông Nam, Việt Nam không làm được như vậy. Chúng ta chỉ có thể mở lại hàng không quốc tế theo các thoả thuận song phương với từng nước rồi mở rộng dần ra.
Nên có các khu nghỉ dưỡng chuyên biệt đón khách quốc tế
Do vậy, ông Nam kiến nghị Bộ Ngoại giao đứng ra làm đầu mối, phối hợp với các Bộ: VH-TT&DL, Bộ GTVT, Bộ Y tế để làm việc với các nước được lựa chọn.
Hiện các hãng bay trong nước đang chờ Cục Hàng không Việt Nam (Bộ GTVT) thông báo khi nào được bay quốc tế, song ông Nam cho rằng nếu không ký được thoả thuận với các nước thì cơ quan này cũng khó mà quyết định được khi nào mở lại đường bay, với nước nào. Còn chờ cả thế giới hết dịch Covid-19 để mở lại đại trà hàng không quốc tế và du lịch quốc tế sẽ rất lâu.
Vì thế, trong thư gửi Thủ tướng Chính phủ, Hội đồng tư vấn du lịch (TAB) kiến nghị Việt Nam cần sớm thương thảo song phương với các nước, bắt đầu với các quốc gia khống chế và ngăn chặn dịch thành công như Hàn Quốc, Đài Loan, Úc, New Zealand và Trung Quốc, để nới lỏng về chính sách xuất nhập cảnh và mở lại các đường bay.
Ngoài ra, liên quan đến chính sách visa, ông Võ Anh Tài lưu ý cần sớm có chính sách visa mới, bởi sau khi Việt Nam miễn giảm visa cho 5 nước Tây Âu do đại dịch nên đóng lại, vậy sau này mở cửa có tự động miễn tiếp không? Ông Lương Hoài Nam thì đề xuất thương thảo chính sách visa dài hạn 10 năm áp dụng song phương với một số nước như Mỹ, Canada, Úc, New Zealand...
Khu nghỉ dưỡng đón riêng khách Tây
Theo hãng tin BBC, Pháp và Anh vừa thỏa thuận và ra quy định người Anh đến Pháp phải tự cách ly 14 ngày, tương tự như vậy chính sách của Anh đối với người Pháp. Nhưng với Việt Nam, theo ông Steve Wolstenholme - Giám đốc vận hành Công ty TNHH Phát triển Nam Hội An (Hoiana), cần đảm bảo khách quốc tế đến sẽ được du lịch ngay tức thì bằng cách lấy mẫu xét nghiệm luôn, chứ không phải cách ly 14 ngày.
“Việt Nam nên cung cấp cho du khách thông tin về những phương tiện, khu vực, điểm đến nào an toàn, tiện nghi nhất”, ông Steve nói.
Thậm chí, ông Kenneth Atkinson, Phó Chủ tịch Hội đồng tư vấn du lịch (TAB), nêu ý kiến có thể cho phép khách quốc tế tới những khu nghỉ dưỡng được bố trí riêng biệt, an toàn, khách bay thẳng tới điểm đó.
Tại Thái Lan, ngoài chuẩn bị khởi động chiến dịch “Chúng tôi yêu Thái Lan” (We Love Thailand) để kích cầu du lịch nội địa, Bộ Du lịch và Thể thao nước này cũng có ý tưởng cung cấp những gói nghỉ dài ngày cho khách du lịch nước ngoài muốn đến những địa điểm ấm áp, không có dịch bệnh. Nếu Việt Nam chậm chân, rất có thể khách quốc tế sẽ lại chọn xứ sở chùa Vàng.
Một số quốc gia cũng tính đến việc xây dựng hành lang du lịch an toàn, kết nối du khách giữa 2-3 quốc gia khống chế dịch bệnh tốt, như Úc và New Zealand vừa triển khai mô hình “du lịch biệt lập”. Đây cũng là cách Việt Nam cân nhắc áp dụng, nhưng cần có một tiêu chuẩn để chứng nhận đảm bảo về y tế đối với những cá nhân có nhu cầu đi lại giữa các nước với nhau.
Kinh tế số Việt Nam tăng trưởng hai con số, thúc đẩy chủ yếu nhờ thương mại điện tử, du lịch trực tuyến với tổng giá trị hàng hóa (GMV) đạt tỷ lệ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) 16% và 36 tỷ USD năm 2024…