'Thiên đường tốc độ' nước Đức tham gia 'cuộc đua' chuyển đổi xanh
Cao tốc không giới hạn tốc độ nổi tiếng của Đức Autobahn cũng có xu hướng tham gia vào cuộc đua chuyển đổi xanh, giảm phát thải carbon và bảo vệ môi trường.
Những chiếc ô tô chạy tốc độ cao trên hệ thống đường cao tốc dài 7.200 dặm (khoảng 11.587 km) là một phần không thể thiếu trong các huyền thoại của nước Đức.
Trong nhiều thập kỷ, dân mê tốc độ Đức đã thỏa sức tận hưởng niềm đam mê tốc độ trên cao tốc liên bang Autobahn - cao tốc duy nhất ở Châu Âu không giới hạn tốc độ và thường được gọi là thiên đường tốc độ nước Đức. Không quá khó để thấy nhiều siêu xe lướt gió trên cung đường không hạn chế tốc độ với những cái tên nổi tiếng như Volkswagen, BMW và Mercedes Benz.
Autobahn, hệ thống đường cao tốc không giới hạn tốc độ lớn nhất nước Đức. Ảnh: CNN
Giờ đây, cuộc khủng hoảng khí hậu đang khiến người Đức phải suy nghĩ lại về những cuộc đua trên đường cao tốc Autobahn. Theo các chuyên gia, lượng khí thải carbon trong lĩnh vực giao thông vận tải của Đức phần lớn là do ô tô và xe tải. Ô tô chạy với tốc độ càng cao thì lượng khí thải càng lớn.
Các con đường 4 hoặc 5 làn xe sẽ bị ảnh hưởng không nhỏ nếu Liên minh châu Âu (EU) đồng ý cấm khí đốt và dầu diesel vào năm 2035.
Để giảm thiểu tác động của khí thải carbon tới môi trường, các nước trên thế giới đang hướng tới chuyển đổi xanh như phát triển xe điện (EV). Tất nhiên, xe điện (EV) cũng cần có những con đường được đầu tư hơn. Vì chạy bằng điện nên xe điện cần có nhiều trạm sạc hơn trên đường. Hơn nữa, tốc độ của ô tô điện mặc dù rất ấn tượng nhưng nhìn chung vẫn không bằng những chiếc xe khí đốt thường thấy trên cao tốc Autobahn với tốc độ 140 dặm một giờ.
Liên minh châu Âu đang nỗ lực cắt giảm lượng khí thải ít nhất 55% vào năm 2030, trong khi Đức muốn cải thiện hơn mức đó 10%.
Tuy nhiên, lượng khí thải từ lĩnh vực giao thông vận tải của Châu Âu lại tăng đều đặn trong nhiều năm. Ở Đức, xu hướng này thậm chí còn tồi tệ hơn: Riêng tỷ lệ khí thải từ giao thông vận tải đã tăng gần một nửa từ năm 1990 đến năm 2022. Trong khi lượng khí thải ở hầu hết các lĩnh vực khác, bao gồm cả ngành công nghiệp đã giảm.
Đây là lý do tại sao Cơ quan Năng lượng Quốc tế, một diễn đàn năng lượng toàn cầu kêu gọi nước Đức cũng như mọi quốc gia khác có nền công nghiệp ô tô bắt tay ngay vào cuộc cách mạng giao thông bền vững. Thỏa thuận xanh của EU dự đoán Châu Âu sẽ là lục địa trung hòa lượng carbon đầu tiên trên thế giới vào năm 2050. Và chỉ trong tháng này, Ủy ban Châu Âu đã đề xuất mục tiêu không phát thải đối với xe buýt vào năm 2030 và giảm 90% lượng khí thải đối với xe tải vào năm 2040.
Nhiều đề xuất đã được đưa ra để giảm sự phát thải carbon để cao tốc Autobahn vẫn là huyền thoại. Theo đó, Autobahn sẽ giới hạn tốc độ, có làn dành cho ô tô điện, xe buýt điện và xe tải điện với các trạm sạc được bố trí trên đường.
Ngọc Quỳnh (Theo CNN)Công ty CP Vận tải đường sắt cho biết tổ chức chạy tăng cường thêm nhiều chuyến tàu tuyến Bắc - Nam phục vụ người dân về quê, đón tết Nguyên đán 2025.