Thiếu điện gây thiệt hại cho doanh nghiệp

Diễn đàn
02:26 PM 16/06/2023

Tình trạng cắt điện luân phiên diễn ra cả ở nhiều khu dân cư lẫn các khu công nghiệp. Thiếu điện đang chồng thêm gánh nặng cho doanh nghiệp trong giai đoạn muốn gượng dậy sau dịch bệnh.

Năm 2023 là thời điểm doanh nghiệp đang kiệt quệ vì đói đơn hàng, thiếu vốn, chi phí đầu vào tăng cao. Số liệu thống kê đến hết tháng 5 cho thấy hơn 88.000 doanh nghiệp đã rời khỏi thị trường; còn khảo sát của VnExpress và Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) với gần 10.000 doanh nghiệp cũng chỉ ra 82% dự kiến giảm quy mô, tạm dừng hoặc ngừng kinh doanh trong các tháng còn lại của năm. Hơn hai tuần qua, cơn khủng hoảng thiếu điện đã lan khắp lĩnh vực, ngành nghề ở miền Bắc tăng thêm gánh nặng cho các doanh nghiệp trong bối cảnh thị trường vốn không hề thuận lợi.

Việc mất điện sản xuất đột xuất hoặc báo trước nhưng không kịp thời, khiến doanh nghiệp bị động, khó hoàn thành được đơn hàng đúng hạn, mất uy tín với khách.

photo-1686900145711

Doanh nghiệp tại Khu công nghiệp Yên Phong (Bắc Ninh) dừng hoạt động vì bị cắt điện

Mất điện cũng khiến các chi phí khác của doanh nghiệp tăng đột ngột. Công nhân phải nghỉ giữa ca sản xuất trong khi doanh nghiệp vẫn phải chi trả lương, sắp xếp tăng ca làm trái giờ dẫn đến chi phí nhân công tăng.

Theo Bộ Công Thương, hiện miền Bắc đang có nguy cơ "thiếu điện hầu hết giờ trong ngày" do nhu cầu sử dụng vượt quá công suất khả dụng của tất cả các nguồn (bao gồm điện nhập khẩu). Ước tính, mỗi ngày thiếu 30,9 triệu kWh và ngày cao nhất có thể lên đến 50,8 triệu kWh.

Không chỉ các doanh nghiệp sản xuất nội địa mới chật vật, nhiều doanh nghiệp FDI lớn cũng khốn khổ khi sản xuất đình đốn, chi phí gia tăng khi điện chập chờn. Hàng loạt doanh nghiệp Hàn Quốc đang chịu cảnh mất điện 2-3 lần mỗi tuần, gây thiệt hại không hề nhỏ.

Các doanh nghiệp Hàn đang lo ngại chuyện có thể phải bồi thường nếu giao hàng không đúng hạn. Hiện hiệp hội đại diện cho gần 10.000 doanh nghiệp Hàn tại Việt Nam đã gửi đơn kiến nghị lên Thủ tướng Phạm Minh Chính có biện pháp khắc phục.

Việc cắt điện thường xuyên không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất kinh doanh của từng cảng mà còn ảnh hưởng uy tín chất lượng dịch vụ cảng biển so với khu vực cũng như có thể dẫn đến mất niềm tin vào hệ thống an ninh năng lượng quốc gia.

Các siêu thị lớn, trung tâm thương mại như: Trung tâm thương mại Big C Thăng Long, Trung tâm thương mại AEON Long Biên cũng bị gián đoạn kinh doanh vì cúp điện.

Để ứng phó với tình trạng thiếu điện, trước mắt các doanh nghiệp sản xuất, dịch vụ tập trung vào cắt giảm, tiết kiệm năng lượng, sắp xếp lại sản xuất cũng như tìm sự chia sẻ từ các bạn hàng.

Điều chỉnh lịch làm việc của người lao động nhằm khắc phục và duy trì phần nào hoạt động sản xuất, xin kéo dài thời gian thực hiện đơn hàng trong phạm vi cho phép. Cắt giảm một số khâu từ máy móc sang làm thủ công.

Tuy nhiên, đây chỉ là những giải pháp tạm thời nếu kéo dài sẽ ảnh hưởng đến giá thành sản xuất, hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Vì thế, các doanh nghiệp đều có chung đề xuất mong Chính phủ chấm dứt tình trạng cắt điện để đảm bảo nhu cầu ổn định hoạt động sản xuất. Hoặc trong trường hợp bất khả kháng thì có lịch thông báo sớm cụ thể, chính xác lịch cắt điện để họ chủ động trong sản xuất, kinh doanh.

Hà Loan
Ý kiến của bạn
Ngành đóng tàu Việt nỗ lực ghi dấu trên bản đồ thế giới Ngành đóng tàu Việt nỗ lực ghi dấu trên bản đồ thế giới

Với sự hỗ trợ của nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng bền vững, cùng chuỗi công nghiệp sản xuất và công nghiệp phụ trợ phát triển, ngành công nghiệp đóng tàu Việt Nam đang có tăng trưởng tăng nhanh và nỗ lực ghi dấu trên bản đồ của thế giới.