Thiệu Hóa: Đẩy nhanh tiến độ đầu tư tạo đột phá về xây dựng kết cấu hạ tầng
Trong những năm gần đây, được sự quan tâm, hỗ trợ của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Thanh Hóa, huyện Thiệu Hóa đã huy động tối đa các nguồn lực đầu tư và triển khai nhiều công trình, dự án (DA) tạo đột phá về xây dựng kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông, nhằm tháo gỡ nút thắt, điểm nghẽn phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.
Xác định công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) là khâu "then chốt", có ý nghĩa quan trọng trong việc đẩy nhanh tiến độ triển khai các DA, nhất là các DA trọng điểm. Với mục tiêu "tập trung phát triển kinh tế - xã hội theo hướng nhanh và bền vững; đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu; tạo đột phá trong xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội", Ban Thường vụ Huyện ủy đã thành lập Ban Chỉ đạo GPMB huyện do đồng chí Bí thư Huyện ủy làm trưởng ban, đồng chí Phó Bí thư, Chủ tịch UBND huyện Thiệu Hóa làm Phó trưởng ban thường trực.
Cấp ủy, chính quyền cùng các ban ngành, cơ quan chuyên môn luôn tích cực, chủ động, linh hoạt nên công tác GPMB có nhiều chuyển biến tích cực và đạt được nhiều kết quả quan trọng, tạo điều kiện để các DA thi công theo đúng tiến độ, góp phần đẩy mạnh thu hút đầu tư, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Giai đoạn 2020-2023, huyện Thiệu Hóa có tổng số 83 DA được triển khai trên địa bàn, với diện tích 284,81 ha đã được GPMB xong (số DA Nhà nước thu hồi đất là 78 DA; nhà đầu tư tự thỏa thuận là 5 DA). Riêng năm 2023, huyện Thiệu Hóa có 43 DA đăng ký với tỉnh cần phải thực hiện GPMB, với diện tích hơn 175,16 ha (38 DA với diện tích 89,83 ha đăng ký trong Kế hoạch GPMB số 15/KH-UBND của UBND tỉnh và 5 DA được cập nhật vào kế hoạch và cho thực hiện trong năm 2023 với diện tích 85,23 ha). Cụ thể như DA khu dân cư Đồng Sau Cách (xã Thiệu Vũ), Cụm Công nghiệp (CCN) Hậu Hiền, CCN Ngọc Vũ, Quốc lộ 45 cải dịch, Trung tâm Y tế huyện...
Trong đó, riêng 6 tháng đầu năm 2023 đã có 21 DA triển khai GPMB đã được các hộ dân bàn giao đất với diện tích 136,66 ha, đạt 78,02% kế hoạch. Để thực hiện hiệu quả công tác GPMB, khắc phục tình trạng "dự án đợi mặt bằng, vốn phải chuyển nguồn", ngay từ đầu năm, Ban Thường vụ Huyện ủy Thiệu Hóa đã chỉ đạo UBND huyện, ban chỉ đạo GPMB huyện xây dựng kế hoạch, tiến độ chi tiết GPMB cho từng DA, nhất là đối với với các DA có nguồn vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước, các DA đầu tư hạ tầng, các DA trọng điểm của các nhà đầu tư, các DA có vai trò tác động lớn đến phát triển kinh tế - xã hội, các DA đấu giá quyền sử dụng đất, tăng thu ngân sách theo chỉ đạo của tỉnh để triển khai thực hiện.
Để nắm bắt tiến độ, kịp thời chỉ đạo tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc của từng dự án, đặc biệt các dự án trọng điểm của tỉnh, của huyện đang triển khai trên địa bàn, UBND huyện phân công các đồng chí Phó Chủ tịch phụ trách theo lĩnh vực, thường xuyên thực hiện giao ban định kỳ hàng tuần, nắm tiến độ theo ngày, gắn trách nhiệm người đứng đầu của từng đơn vị trong thực hiện nhiệm vụ được giao.
Cùng với huy động toàn hệ thống chính trị vào cuộc, huyện Thiệu Hóa đã chỉ đạo các địa phương nơi có DA triển khai quyết liệt nhiều giải pháp, trong đó, chú trọng công tác vận động, tuyên truyền, công khai, dân chủ chế độ, chính sách, số liệu trích đo địa chính, theo quy định pháp luật, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp cho người dân khi Nhà nước thu hồi đất; tổ chức đối thoại với các hộ dân chưa đồng tình về diện tích, giá bồi thường, nguồn gốc đất trong quá trình thực hiện DA. Thường trực Huyện ủy yêu cầu UBND huyện hàng tuần báo cáo định kỳ kết quả thực hiện các DA trước Thường trực Huyện ủy, hàng tháng báo cáo trước Ban Thường vụ Huyện ủy.
Với quyết tâm và sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ của cả hệ thống chính trị và cách làm sáng tạo, hiệu quả cùng sự đồng lòng, ủng hộ của nhân dân các địa phương, công tác GPMB thời gian qua tại huyện Thiệu Hóa đã đạt được kết quả ấn tượng.
Một số DA lớn, DA trọng điểm về kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông như: đường nối Quốc lộ 1 - Quốc lộ 45 và nút giao với đường cao tốc Bắc - Nam, đường nối Quốc lộ 217 - Quốc lộ 45 - Quốc lộ 47, đường tránh Ngã Ba Chè, đường Nam sông Chu, đường trung tâm hành chính mới, đường Quốc lộ 45 cải dịch... được triển khai đầu tư trên địa bàn theo hướng đồng bộ, hiện đại, mở ra không gian phát triển mới, tăng tính liên kết vùng, tạo sức hấp dẫn trong thu hút đầu tư. Một số khu đô thị được triển khai đầu tư như: Khu đô thị Phú Hưng, Đông Đô, Tây Bắc Vạn Hà 2, Cổ Đô... sau khi hoàn thành sẽ góp phần làm thay đổi diện mạo của đô thị thị trấn Thiệu Hóa.
Hoạt động xúc tiến đầu tư, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh được chú trọng, đến nay đã thu hút, kêu gọi được nhiều DA đầu tư trực tiếp và nhà đầu tư thứ cấp đầu tư vào các CCN Hậu Hiền, Ngọc Vũ và Vạn Hà 2. Tỷ lệ lấp đầy CCN Vạn Hà 1 đến năm 2023 ước đạt 43%. Phê duyệt và trình phê duyệt 2 đồ án quy hoạch chi tiết lớn và các quy hoạch chi tiết khu đô thị mới. Giai đoạn 2021-2023, huyện được UBND tỉnh Thanh Hóa công nhận thị trấn Thiệu Hóa, khu vực mở rộng (bao gồm toàn bộ xã Thiệu Phú) và khu vực dự kiến hình thành đô thị Hậu Hiền (xã Minh Tâm), huyện Thiệu Hóa đạt tiêu chí đô thị loại V...
Trong thời gian tới, để triển khai thực hiện các công trình, DA, tiếp tục tạo sự chuyển biến mạnh mẽ hơn nữa đối với công tác GPMB, thực sự trở thành động lực quan trọng thúc đẩy quá trình đầu tư, góp phần đẩy mạnh xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội cơ bản đồng bộ, theo hướng hiện đại, huyện Thiệu Hóa tập trung thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm như tiếp tục tăng cường vai trò lãnh đạo của cấp ủy đảng; sự vào cuộc của các cấp, ngành trong công tác GPMB.
Bên cạnh đó, tăng cường cải cách hành chính, chuyển đổi số trong quản lý đất đai và GPMB; kiện toàn và nâng cao chất lượng bộ máy, đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, GPMB. Chú trọng kiểm tra, giám sát, thanh tra, nắm chắc tình hình liên quan đến công tác GPMB, kịp thời phát hiện, khắc phục những tồn tại, hạn chế, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, xử lý nghiêm những sai phạm, tiêu cực trong công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư. Đồng thời, tuyên truyền định hướng để toàn thể nhân dân cùng vào cuộc.
PVTheo khảo sát thực trạng doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư tại nước ngoài cho năm tài chính 2024, do Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) thực hiện, có đến 56,1% số doanh nghiệp được khảo sát trả lời sẽ “mở rộng” kinh doanh trong 1-2 năm tới.