Thiệu Hóa – Thanh Hóa: Xây dựng nông thôn mới - con người mới - tư duy mới

Địa phương
05:06 PM 14/01/2023

Sau khi đạt chuẩn Nông thôn mới (NTM), trên tinh thần XD NTM là hành trình liên tục, có điểm bắt đầu nhưng không có điểm kết thúc, huyện Thiệu Hóa tiếp tục phấn đấu XD NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu. Với chủ trương xây dựng con người mới – tư duy mới; lấy sức dân để lo cho dân, Thiệu Hóa đang từng bước thu hẹp khoảng cách trên hành trình trở thành huyện NTM nâng cao.

"Thiệu Hóa phải tiếp tục đẩy mạnh XD NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu, gắn với đô thị hóa, hướng tới mục tiêu phát triển nông nghiệp thịnh vượng, nông thôn giàu có, văn minh, hiện đại, giàu bản sắc. Đẩy mạnh triển khai thực hiện Chương trình OCOP, phấn đấu mỗi xã có nhiều sản phẩm OCOP, một sản phẩm OCOP có thể ở nhiều xã, gắn với xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu cho sản phẩm", đây là yêu cầu của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa – Đỗ Trọng Hưng.

Tính đến tháng 10 năm 2022, huyện Thiệu Hóa có 6 xã hoàn thành hồ sơ trình thẩm tra xã đạt NTM nâng cao; 1 xã và 21 thôn đang xây dựng hồ sơ xã NTM kiểu mẫu, thôn kiểu mẫu theo tiêu chí mới; xã NTM nâng cao đạt trung bình 7,2/19 tiêu chí/xã; thị trấn văn minh đạt 5/9 tiêu chí; có thêm 7/14 sản phẩm được công nhận OCOP và 9 sản phẩm đang chờ tỉnh thẩm định…Riêng sản phẩm Trống đồng Toàn Linh huyện đề nghị Hội đồng thẩm định thăng hạng lên 5 sao. Phấn đấu năm 2022 đến đầu năm 2023 có xã Thiệu Trung đạt NTM kiểu mẫu; 5 xã đạt chuẩn NTM nâng cao gồm: Thiệu Nguyên, Minh Tâm, Thiệu Viên, Thiệu Phú, Thiệu Long; 21 thôn đạt chuẩn NTM kiểu mẫu và có thêm 6 sản phẩm đạt OCOP 3 sao.

Nông nghiệp thịnh vượng - nông thôn giàu có

Thiệu Hóa – Thanh Hóa:
XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI – CON NGƯỜI MỚI – TƯ DUY MỚI - Ảnh 1.

Vườn dưa Kim Hoàng Hậu - thị trấn Vạn Hà được trồng đúng kỹ thuật, cho năng xuất cao.

Xác định nông nghiệp ở Thiệu Hóa phải giữ vai trò là nền tảng, trụ đỡ trong phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời là vùng trọng điểm lúa của tỉnh. Vì vậy, phải thực hiện tốt chính sách dồn điền đổi thửa, tập trung tích tụ ruộng đất hình thành vùng chuyên canh sản xuất hàng hóa, áp dụng khoa học - kỹ thuật, nông nghiệp công nghệ cao gắn với công nghiệp chế biến sâu, gia tăng năng suất, chất lượng sản phẩm... Đến nay, theo đánh giá của phòng Nông nghiệp, toàn huyện đã tích tụ, tập trung được hơn 540 ha đất, mang lại nguồn thu từ sản xuất nông nghiệp công nghệ cao đạt trung bình khoảng 200 - 300 triệu đồng/ha/năm.

Những cánh đồng dưa kim hoàng hậu, dưa chuột baby trải dài, bắt mắt, được áp dụng theo quy trình chuẩn, kiểm soát chặt chẽ từ khâu chọn hạt giống, theo dõi quá trình sinh trưởng, nước tưới cho đến khi dưa được thu hoạch. Nước tưới cho dưa phải qua bộ xử lý máy lọc, kiểm tra độ PH theo tiêu chuẩn, tưới nhỏ giọt tự động ứng dụng từ công nghệ thủy canh của Isreal. Từ đó, nước được đưa đến từng gốc dưa, phân được hòa vào nước rồi theo hệ thống tưới cung cấp dinh dưỡng cho cây phát triển.

Thương hiệu dưa chuột baby Vạn Hà cũng được người tiêu dùng đánh giá cao về chất lượng. Đây là sản phẩm OCOP được công nhận 4 sao của huyện. Loại dưa này có vỏ mỏng, màu xanh thẫm, bề mặt nhẵn, suôn dài khoảng 10-12 cm, đường kính 2-2,5cm, trọng lượng quả khoảng 80gam, có mùi thơm rất đặc trưng mà không phải loại dưa trồng ở vùng nào cũng có.

Ông Lê Văn Dung (tiểu khu 5, thị trấn Vạn Hà) cho biết: "Gia đình tôi đã chuyển đổi 1.300 m2 đất để lắp đặt hệ thống nhà mạng trồng cây dưa kim hoàng hậu, sau 60-70 ngày là cho thu hoạch dưa. Trừ mọi chi phí, tôi cũng thu lời hàng100 triệu đồng/vụ, hiệu quả tăng gấp 5 lần so với trồng cây rau màu trước kia. Chúng tôi rất lấy làm phấn khởi khi chất lượng cuộc sống ngày càng được nâng lên; người nông dân vừa được thỏa đam mê vừa có thể làm giàu chính trên mảnh đất quê hương mình."

Măt khác, huyện tạo mọi điều kiện thuận lợi để thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nhất là nông nghiệp công nghệ cao. Phải lấy doanh nghiệp làm hạt nhân, "bệ đỡ" để phát triển nông nghiệp và kinh tế nông thôn. Hiện nay, toàn huyện có hơn 40 DN đang tham gia vào chuỗi sản xuất nông nghiệp. Điển hình như: Công ty CP Mía đường Lam Sơn thuê hàng trăm ha đất của Nhân dân thị trấn Thiệu Hóa để sản xuất lúa hữu cơ; Công ty CP Nông sản Phú Gia đầu tư trang trại chăn nuôi lợn ngoại tại xã Thiệu Phú, với diện tích 41.000m2, quy mô 500 con lợn nái và 2.000 lợn thương phẩm...

Lấy sức dân để lo cho dân

Với tư duy tìm kiếm giá trị sẵn có tại mỗi địa phương, từ giá trị đó tạo ra nguồn lực, thu hút đầu tư của doanh nghiệp tạo ra sức bật mới. Vì thế, để tạo ra tính bền vững của NTM thì gốc rễ phải là nội lực của miền quê đấy, phải là sức dân.

Thiệu Hóa – Thanh Hóa:
XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI – CON NGƯỜI MỚI – TƯ DUY MỚI - Ảnh 2.

Diện mạo làng quê xã Minh Tâm ngày càng khang trang, sạch đẹp.

Đồng chí Bí thư huyện Ủy – Nguyễn Văn Biện - Trưởng Ban chỉ đạo NTM huyện Thiệu Hóa nhấn mạnh: Để "thắp lửa" và "truyền lửa" khơi dậy được sức mạnh tổng hợp, đội ngũ đảng viên, cán bộ lãnh đạo phải là đội ngũ tiên phong. Ban chỉ đạo XD NTM huyện thống nhất, tại mỗi địa phương cụ thể, phải chia nhỏ những vấn đề cần làm, đặc biệt ở những khu vực đặc thù để có những tư vấn, hướng dẫn sâu cho cơ sở. Mỗi vùng, sẽ có cách tiếp cận khác nhau, làm sao phát huy được thế mạnh vùng miền, huy động được sức dân, kích hoạt được những giá trị đặc trưng và tích hợp, cộng hưởng những cái đó lại thành giá trị NTM chứ không chỉ trông mong vào nguồn vốn trung ương cấp về.

Nhiều xã đã có cách làm hay, sáng tạo. Các phong trào hiến đất mở đường, chỉnh trang cảnh quan nông thôn, xây dựng tường rào mẫu đã cho kết quả khả quan, cụ thể: toàn huyện các hộ dân đã hiến 17.153m2 đất làm đường, xây nhà văn hóa; xây dựng nâng cấp 43,63km đường giao thông nông thôn – đô thị; chỉnh trang, làm mới 57.066 m tường rào mẫu... Bà con phấn khởi đi đến đâu cũng bàn thảo sôi nổi về phong trào XD NTM nâng cao đang diễn ra ở thôn, xóm mình.

Điển hình, ở thôn Đồng Bào xã Minh Tâm, trên 4 km đường làng, ngõ xóm được bê tông hóa, trên 300 m tường rào mẫu được xây dựng và trên 100m được vẽ tranh bích họa. Hai bên đường đặt chậu hoa cây cảnh, hệ thống điện sáng được đầu tư lắp đặt bằng hệ thống điện mặt trời, nhà ở được xây dựng khang trang. Điều đáng nói là nhiều hộ đã phá nhà, các công trình kiên cố để mở đường, cụ thể như hộ ông: Nguyễn Đình Khiết đã phá một phần ngôi nhà và hiến 52m2 đất để tháo gỡ khúc cua giao thông, thuận tiện cho đi lại. Ông Khiết hồ hởi chia sẻ: được họp bàn, được tham gia, được quyết định và được là một chủ thể, đóng góp một chút công sức cho chính thôn làng mình, với những người dân quê chúng tôi đó là niềm hạnh phúc và rất đỗi tự hào. Thực tế là làm cho mình, mình huởng lợi, nhưng mà làm đẹp cho quê hương, đẹp cho xóm làng.

Tại thôn Minh Đức xã Thiệu Long hộ ông Dương Văn Thịnh cũng là một trong những tấm gương tiêu biểu trong công cuộc góp công, góp của XD NTM. Ông vốn là một thương binh nặng, đang bị tai biến nằm liệt giường đã vài năm nay, con cái đi làm ăn xa, vợ ông thì chỉ buôn mớ rau, mớ cỏ mưu sinh hằng ngày, kinh tế gia đình tương đối khó khăn. Thế nhưng khi có chủ trương của Đảng và hiểu được mục đích của công tác XD NTM, gia đình ông đã tình nguyện hiến hơn 40m2 đất để mở rộng đường. Không chỉ có vậy, ông còn bỏ tiền xây lại gần 70m tường rào trị giá hơn 42 triệu đồng.

Mô hình "Phân loại, xử lý rác thải hữu cơ thành phân bón tại hộ gia đình" cũng được tiến hành đồng bộ. Tính đến nay toàn huyện có tổng 13.445 hộ có thùng phân loại rác, đảm bảo cho môi trường nông thôn trong lành. Bên cạnh đó, trên tinh thần tương thân tương ái, lá lành đùm lá rách huyện Thiệu Hóa đã  huy động sức dân, đóng góp xây dựng 200 ngôi nhà tình nghĩa cho bà con có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, đến nay huyện đã xây dựng được gần 100 nhà. Đây là việc làm cực kỳ thiết thực và ý nghĩa của lãnh đạo cũng như toàn thể nhân dân trong huyện.

Gạt đi những giọt mồ hôi lấm tấm trên khuôn mặt sau một buổi sáng làm việc mệt mài, nghệ nhân đúc đồng Đặng Ích Hoàn, người góp phần giữ lửa cho làng nghề Trà Đông tại xã Thiệu Trung và cũng là người tạo ra sản phẩm Trống đồng Toàn linh hiện đang được đề nghị thăng hạng sản phẩm OCOP 5 sao, phấn khởi chia sẻ: kể từ ngày thực hiện chủ chương XD NTM, rồi NTM nâng cao và bây giờ là NTM kiểu mẫu mô hình, diện mạo của xã chúng tôi đã thay đổi hẳn. Thay đổi đó, không chỉ đơn giản về hình thức, về những con đường nhựa hóa, những ngôi nhà khang trang mà còn về chất lượng cuộc sống, về thu nhập bình quân, đời sống văn hóa tinh thần, về tình cảm, gắn kết của những người con quê hương và rõ nhất đó là về nhận thức được vai trò, sức mạnh cũng như lợi ích của mình trong công cuộc XD NTM... Một số thôn trong xã đang thực hiện thí điểm thôn thông minh với đầy đủ hạ tầng Internet và các nền tảng chuyển đổi số ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực năng lượng, chiếu sáng; mô hình truyền thanh thông minh... Nhìn bức tranh quê hương bây giờ, càng làm những người dân quê chúng tôi thêm tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước.

Nhìn lại chặng đường XD NTM  thời gian qua, ông Nguyễn Thế Anh – Chủ tịch UBND huyện Thiệu Hóa chia sẻ: Theo đánh giá của tôi, những kết quả NTM ngày càng thực chất, ngày càng bền vững, tạo ra một nông thôn mà ở đó người dân ấm no, hạnh phúc, phát huy được tố chất năng lực của mình. Chỉ khi nào đời sống của người dân thực sự ấm no, hạnh phúc thì khi ấy con thuyền NTM mới cập được tới bến bờ vinh quang. Điều tôi thấy có ý nghĩa nhất, đó là NTM đã làm thay đổi nhận thức của cán bộ các cấp từ trung ương đến cơ sở. Cán bộ lãnh đạo, đảng viên lăn lộn, sát thực tiễn, trưởng thành, gắn bó với dân và biết lắng nghe tâm tư nguyện vọng của người dân hơn. Người dân từ chỗ "ngóng", chờ hỗ trợ bên ngoài thì đã đóng góp, tự giác, tham gia rất tích cực vào chương trình này. NTM đã tạo ra những con người mới, tư duy mới thông thoáng, cởi mở, nhiệt thành.


Yến Hoàng
Ý kiến của bạn
Kết hợp VNeID với iHanoi: Bước tiến đột phá trong triển khai Đề án 06 Kết hợp VNeID với iHanoi: Bước tiến đột phá trong triển khai Đề án 06

Từ 11/11/2024, người dân có thể sử dụng tài khoản VNeID để đăng nhập trên ứng dụng iHanoi. Việc tích hợp VNeID lên iHanoi có thể coi là 1 bước tiến lớn khi mang lại nhiều lợi ích hơn tới người dân Thủ đô.