Thịt lợn không thuộc diện bình ổn giá

Nhịp đập thị trường
09:27 AM 19/06/2023

Chính phủ thống nhất không đưa thịt lợn vào danh mục hàng hóa dịch vụ bình ổn giá tại dự thảo Luật Giá (sửa đổi).

Quyết định này được Chính phủ đưa ra tại báo cáo gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội hôm 17/6, sau khi tiếp thu ý kiến thảo luận của đại biểu, các cơ quan của Quốc hội.

Trước đó, tại kỳ họp thứ 5 của Quốc hội ngày 23/5, nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội cho rằng, thịt lợn, sữa cho người cao tuổi trong diện hàng bình ổn giá của Nhà nước là không phù hợp. Thay vào đó, danh mục hàng bình ổn giá nên là danh sách mở, không nên cố định trong luật và giao Bộ Tài chính quyết mặt hàng nào sẽ bình ổn.

Thịt lợn không thuộc diện bình ổn giá - Ảnh 1.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Theo đại biểu Nguyễn Thị Kim Anh (Bắc Ninh), so với các thực phẩm khác, thịt lợn không phải là mặt hàng thiết yếu nhất. Xu hướng tiêu dùng của người Việt đã có sự thay đổi đa dạng hơn với nhiều loại sản phẩm gồm thủy sản, trứng, thịt gia cầm và thịt bò.

Bên cạnh đó, vị này cho rằng rất khó để tính giá thành chăn nuôi lợn. Điều này xuất phát từ thực trạng chăn nuôi ở nước ta chủ yếu là quy mô nhỏ lẻ với hàng triệu hộ chăn nuôi, năng suất chăn nuôi còn thấp.

Ngoài ra, khoảng 80% thịt lợn được bán tại các chợ truyền thống. Do đó, việc áp dụng chính sách tính toán giá thành, hỗ trợ nguồn vốn dự phòng hay can thiệp vào giá là điều rất khó khăn. Bên cạnh đó, nếu đưa vào mặt hàng bình ổn giá thì cần kinh phí khá lớn trong khi ngân sách đang khó khăn.

Như vậy, sau khi bỏ thịt lợn, sữa cho người già, danh mục hàng hóa, dịch vụ bình ổn giá tại dự thảo Luật Giá (sửa đổi), gồm: Xăng, dầu thành phẩm; khí dầu mỏ hóa lỏng; sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi; thóc tẻ, gạo tẻ; phân đạm; phân DAP; phân NPK; thức ăn chăn nuôi, thức ăn thủy sản; vaccine phòng bệnh cho gia súc, gia cầm; thuốc bảo vệ thực vật; thuốc phòng bệnh, chữa bệnh cho người thuộc danh mục thuốc chữa bệnh thiết yếu sử dụng tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

Cũng tại báo cáo gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ bảo lưu quan điểm giữ quy định trần giá vé máy bay (dịch vụ vận chuyển hàng khách hàng không nội địa).

Tuy nhiên, quan điểm của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy ban Tài chính ngân sách - cơ quan thẩm tra, cho rằng việc giữ quy định về giá trần, bỏ giá sàn với vé máy bay là cần thiết.

Trần giá vé máy bay nội địa không thay đổi 8 năm nay, Bộ Giao thông Vận tải dự kiến tăng mức trần, với mức tăng trung bình 3,75% so với hiện tại. Với chặng bay trên 1.280 km, giá trần có thể lên tới 4 triệu đồng một lượt.

Tương tự, việc định giá sách giáo khoa cũng theo hình thức giá trần như tại dự thảo trình Quốc hội cho ý kiến.

Chính phủ giao Bộ Tài chính - cơ quan soạn thảo phối hợp với các cơ quan của Quốc hội hoàn thiện hồ sơ trình Quốc hội. Dự kiến Quốc hội biểu quyết thông qua dự luật này vào ngày 19/6.

Huyền My (t/h)
Ý kiến của bạn
Standard Chartered: Kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng 6,8% năm 2024 Standard Chartered: Kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng 6,8% năm 2024

Trong báo cáo cập nhật kinh tế mới nhất về Việt Nam, Standard Chartered dự báo kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng ở mức vừa phải, lãi suất được duy trì ở mức thấp. GDP của Việt Nam được kỳ vọng sẽ tăng trưởng ở mức 6,8% năm 2024, nhờ xuất khẩu và công nghiệp giữ đà tích cực.