Thơ Quốc Thịnh: Nơi neo đậu bến đời!

Xã hội
08:53 AM 28/05/2020

Sinh năm 1955, từng đi bộ đội thuộc Đoàn 559 mở đường Trường Sơn. Khi nước nhà hoàn toàn giải phóng, anh được đơn vị cho đi học lớp nghiệp vụ văn hóa - văn nghệ, chuyển về làm báo địa phương, rồi là phóng viên của báo Kinh doanh và Pháp luật - nay là tạp chí Doanh nghiệp và Tiếp thị. Đó là đôi nét về nhà thơ Phạm Quốc Thịnh, tác giả của tập thơ “Nỗi niềm” vừa ra mắt bạn đọc.

    Nhà báo - Nhà thơ Phạm Quốc Thịnh

    Đọc thơ anh, người đọc sẽ nhận ra cái buồn miêm man chảy vào từng trang viết. Nỗi buồn được chắt lắng, nỗi buồn được “ký gửi” vào thơ như sự trải lòng. “Cuộc đời đâu biết nông sâu/ Cuộc đời xé mỏng gạn sầu khơi thương/ Chênh vênh trên đoạn đường trường/ Chênh vênh đánh mất tình thương ngập tràn/ Chênh vênh gió núi mưa ngàn/ Chênh vênh hỡi giữa muôn ngàn chênh vênh”. (Chênh vênh).

    Đâu chỉ là thơ. Đó còn là tiếng nấc nghẹn trong nhói đau lồng ngực, là nước mắt nhòa trong dòng chữ run rẩy chát đắng nhưng vẫn chưa thôi niềm hy vọng: Màu xanh tràn mơ ước/ Dâng cho đời mênh mông. (Xuân về lộc biếc).

    Khám phá thơ Quốc Thịnh, người đọc sẽ có nhiều hứng thú bởi tâm hồn thi nhân luôn chất chứa những tình cảm ý vị, mộc mạc mà chân thành. Khi sung sức nhất, giàu cảm hứng nhất, thơ ùa ra khi năng lượng đủ đầy: “Chàng trai quê biển Tĩnh Gia/ Mà coi Nông Cống như là quê sinh/ Có duyên nên mới nợ tình/ Hiểu người, nên sống hết mình vì nhau”. Để rồi qua đó thông điệp tác giả đưa ra cái thực là tình thân, là đạo lý, là trách nhiệm, là sự hiếu nghĩa. Đó cũng chính là con người, của cuộc đời, của hạnh phúc: “Cái vùng chiêm trũng đồng sâu/ Lo cho cây lúa bạc đầu còn lo/ Thương thân vạc thương cánh cò/ Thương đàn em, bữa đói no thất thường. Thông điệp bật ra sau mỗi câu thơ thật bất ngờ, sâu sắc. Như là trót phải lòng nhau/ Chẳng cần cánh phượng trầu cau vẫn đằm/ Vì tơ nên vướng ruột tằm/ Trăm năm là cả trăm năm  nặng tình”. (Duyên nợ).

    Sinh ra và lớn lên ở một vùng nông thôn thuần khiết Thanh Thủy, Tĩnh Gia. Cảnh vật con người nông thôn với những chớp bể, nắng cháy, con cua, con cáy, đói no… thấm sâu vào tâm hồn anh. Những câu thơ chân tình, những lời thủ thỉ da diết, những khát vọng bình dị mà có phần khiêm tốn… “Chưa đến tháng lương, bố mẹ chẳng có tiền/ Thôi đành vậy các con đừng đòi hỏi/ Gia đình nghèo không để con phải đói/ Cơm, canh, cà muối mặn cũng thành quen”. (Cơm bình dân). 

    Bên cạnh viết về cảnh và người quê hương nói chung, Quốc Thịnh còn có nhiều bài thơ viết về cha, mẹ và những người thân yêu bằng cả những tình cảm chân thành của một người đàn ông đã đi qua những thăng trầm dâu bể. Những câu thơ thật ấn tượng, dù con chữ rất bình dị, dường như chẳng có gì, vậy mà lại có sức cứa vào lòng người đọc, khiến ta ứa nước mắt: “Khi con ở chiến trường xa/ Nghĩ thương mẹ ở quê nhà ngóng trông/ Sớm trưa lặn lội ngoài đồng/ Củ khoai tháng Bảy chín trong cát vùi/ Mong manh áo vải sợi đôi/ Khói bom, cát bụi, mồ hôi nát nhàu”.  Và rồi người mẹ ấy: “Cõi âm chẳng thiết nhà lầu/ Xin quê vài tấc đất đầu làng thôi”, và rồi tiếng nấc ấy được đẩy lên đến cuối cùng vẫn là tình mẹ con: “Mãi còn trong trái tim tôi/ Suốt trăm năm dáng mẹ ngồi đợi con”. (Nhớ mẹ của tôi).

    Những câu thơ về mẹ gắn quê hương thời nghèo khó, nơi mảnh đất khô cằn đọc lại không khỏi chạnh lòng: “Mẹ ra thành phố thăm con/ Mặc chiếc áo lành lành cho tươm tất/ Chân xỏ dép mà hằng ngày lội đất/ Phèn chua bám nhiều nên móng nhuộm màu hung”. Bài thơ đã khép. Nhưng lại mở ra một cánh cửa vào cõi vô biên, đó là tâm hồn người đọc, làm chúng ta thổn thức. Với những hình ảnh mà ta bắt gặp trong các câu thơ trên đây, phải nói rằng chỉ có những con người trải nghiệm nhiều ở miền đất khổ nghèo này mới cảm nhận hết, dồn nén vào cảm xúc của mình. Chừng ấy thôi cũng thấy Quốc Thịnh gắn bó xiết bao với quê mình, mảnh đất khô nghèo quanh năm đầy gió bão. 

    Tôi muốn dành đôi dòng để nói về bài thơ anh viết cho con gái, một ước mơ cháy bỏng, một tình yêu da diết. Khi con đi du học xa nhà, anh nhìn vào mắt con để tìm những khoảng trời yêu thương, chỗ dựa của cuộc đời: “Mong con vững bước vào đời/ Mai sau sống đẹp hơn thời mẹ cha/ Chân trần rộng mở bao la/ Con là tất cả, con là niềm tin”. Anh thấm niềm vui ấy để ngộ ra: “Cần gì châu báu vàng son/ Con là di sản trường tồn muôn sau”. (Gửi con chim én).

    Cuộc đời ai cũng có những chuyện không đáng để nhớ, lại có những chuyện không thể dứt bỏ. Với Quốc Thịnh đôi khi cái sự “không thể” đó lại thành món nợ. Chưa viết ra được là còn đó nợ đời. Mới hay, thơ là tâm hồn người, là chiều sâu cuộc sống, anh lặng lẽ để thấm tháp như lửa bắt vào lửa, như nước hòa vào nước và thơ anh đã làm lành lại những vết thương, vá lại những lỗ thủng cuộc đời cho người mình yêu: “Cha tôi đã đi xa rồi/ Mẹ đi bước nữa đất trời chung chiêng/ Mẹ về với cuộc sống riêng/ Chị em tôi với nỗi niềm bơ vơ/ Em đi ăn đợ ở nhờ/ Còn tôi sớm tối chơ vơ một mình/ Sáng bắt ốc ở ao đình/ Chiều mò cua ở bãi sình làng bên”. Dù là những kỷ niệm riêng nhưng những câu thơ đã vượt khỏi tự sự, trở thành mối quan tâm chung của mọi người. Câu chuyện cuộc đời, câu chuyện tình người cứ chập chờn ám ảnh. Để rồi qua đó thông điệp của tác giả đưa ra cái thực là tinh thần, là gia đình, là đạo lý, là trách nhiệm, là sự hiếu nghĩa. Đó cũng chính là cái gốc của con nguời, của cuộc đời, của hạnh phúc.

    Tất nhiên, để có cuộc sống bình yên, những vênh lệch, những trắc trở trong hạnh phúc là khó tránh. Quốc Thịnh không phải không biết điều đó. Nhưng sự thật có phũ phàng đến mấy cũng không thể làm hao hụt nội lực, anh vẫn đi và viết báo, làm thơ để giữ cho tâm hồn luôn thanh thản, tươi tốt để không mất đi sự khoan dung và niềm tin vào cuộc sống: “Cuộc sống ơi! Còn nhiều dâu bể/ Trang báo, vần thơ bạn đọc vẫn chờ”. Đọc Quốc Thịnh, ta bắt gặp biết bao lần cái nồng nàn vồ vập sự sống như thế. Một sắc độ, cũ mà mới, đã mà như chưa.

    Trong thơ của Quốc Thịnh không thể không nhắc đến phần thơ tình yêu. Thơ tình yêu của anh không kém phần dào dạt nồng thắm với một dáng nét riêng. Nó chín chắn và chân thật pha chút lo âu, như cô lại tình yêu ngoài đời của anh vậy: “Anh đi tìm em bông hoa rừng đang nở/ Anh đi tìm em lá rừng cũng phải ghen”. (Khúc tự tình của người lính Trường Sơn). Khi yêu nhau chuyện gì cũng có thể xảy ra: “Lá me rừng giấu trong nỗi nhớ”, là chất keo vô hình kết hai người với nhau, một tình yêu trong sáng, ngây thơ đến lạ thường. Bài thơ như một trang tự truyện vừa có giá trị văn học vừa mang ý nghĩa lịch sử. Giúp người đọc mở rộng thêm sự hiểu biết về một giai đoạn hào hùng của dân tộc, vừa có ý nghĩa nâng cao niềm tự hào, khích lệ mỗi người, hãy biết sống vì nhau, biết quý trọng từng giây phút hòa bình vì ngày mai tươi đẹp.

    Thơ ca, bao đời, nó luôn là tấm gương phản ánh rõ nhất tâm hồn người viết. Đặt chân đến địa danh nào, tác giả cũng đều lưu dấu một bài thơ. Đó là cảm hứng bồi hồi khi nhà thơ gặp người con gái Huế trong một chiều mưa: “Gặp em chiều mưa xứ Huế/ Đan dầy sợi nhớ sợi thương/ Gặp em chiều mưa xứ Huế/ Tơ trời kết sợi vấn vương”. Đó là những giây phút thăng hoa, là những tiếng thổn thức của trái tim đang khát yêu, là thứ âm nhạc trong nhịp điệu du dương. Mạch thơ cứ quấn quýt lấy nhau và thăng hoa theo từng hơi thở: “Ngày mai anh về quê Thanh/ Nhuộm tím một màu thương nhớ/ Hương Giang đong đầy duyên nợ/ Mang theo câu hát Nam Bình”.

    Thơ là nơi lưu giữ  bền vững nhất tâm hồn dân tộc Việt. Ai đã nói điều đó nhỉ, hay là điều đó đã từng cất lên trong trái tim ta?. Dù là gì đi chăng nữa thì xúc động trong ta cứ dâng đầy, sẻ chia và đồng cảm cùng tác giả. Đó không chỉ là nỗi buồn, nỗi nhớ thương trùng điệp mà còn là sự thủy chung: “Huế ơi lòng dạ đinh ninh/ Nhớ sao dạ - thưa ngọt lịm/ Hoàng hôn nhuộm đầy màu tím/ Huế thương ôm Huế vào lòng”. (Gặp em gái Huế).

    Có rất nhiều bài thơ của Quốc Thịnh đọc để cảm sẽ hiệu quả hơn là mổ xẻ phân tích, bởi đã mổ sẻ phân tích thì rất dễ mất đi cái vẻ đẹp lạ lùng, vừa ẩn tàng vừa lấp lánh: “Tôi đi giữa mưa xuân/ Tôi sợ làm tan những sợi mưa trời/ Một chút - thoáng gì - vội vã/ Nhẹ rơi trong ngực bồi hồi/ Mưa như chăn ấm em ơi”. Những câu thơ, tứ thơ như thế xuất hiện khá dày trong tập thơ: “Nỗi niềm”, với gần 40 bài thơ. Có cả những nghịch lý và hoài nghi, chênh chao và nghiêng ngả, trái ngang và tan vỡ, song bản lĩnh nghệ thuật của tác giả chưa khi nào đổ. Cái phương châm: “Cần đi để nói một lời/ Đừng nuôi cô độc - một đời trong nhau” đã giúp nhà thơ “chân cứng đá mềm” vượt lên tất cả những trái ngang, chông gai của một xã hội phát triển mà mỗi thành công có cả máu và nước mắt.

    Và cuối cùng tôi muốn nói: Thơ Phạm Quốc Thịnh là nỗi niềm đã được lắng lọc, thanh khiết, khiến người đọc rung cảm nhưng không bi lụy, không khiếp nhược mà trở nên thanh thản hơn, như rũ được bụi nhân sinh để nhẹ lòng bước tiếp, nhẹ lòng mỉm cười đi bên buồn vui. Mỗi tứ thơ gieo từng giọt nước mát lành, thấm vào lòng đất để từ đó góp phần tạo sinh mạch nước dòng sông. 

    Thơ Phạm Quốc Thịnh là thế. Luôn cất lên tiếng tha thiết yêu thương quê hương bản quán, cội nguồn dân tộc. Dù bời bời bão gió, anh vẫn là con chim xanh trên cánh đồng cỏ hoang, cặm cụi nhặt từng hạt nhỏ, để mãi ngân lên khúc ca: “Nơi neo đậu bến đời!”.
     

    Triều Nguyệt
    Ý kiến của bạn
    Ngân hàng nới điều kiện vay tiêu dùng Ngân hàng nới điều kiện vay tiêu dùng

    Từ nay, những khoản vay tiêu dùng có giá trị nhỏ, dưới 100 triệu đồng sẽ không cần phải cung cấp phương án sử dụng vốn khả thi mà chỉ cần cam kết sử dụng vốn hợp pháp.