Thọ Xuân: Bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa, tạo nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội

Địa phương
12:52 PM 12/09/2023

Những năm qua, công tác trùng tu, tôn tạo và phát huy các giá trị di tích lịch sử trên quê hương Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa được cấp ủy, chính quyền từ huyện đến cơ sở và nhân dân quan tâm thực hiện. Nhiều di tích đã được trùng tu, tôn tạo, gắn với quảng bá và phát triển du lịch, góp phần giáo dục truyền thống, quảng bá hình ảnh quê hương.

Huyện Thọ Xuân là vùng đất địa linh nhân kiệt, giàu truyền thống lịch sử, văn hóa, cách mạng, nơi phát tích của hai vương triều Tiền Lê và Hậu Lê; nơi thành lập Chi bộ Đảng Yên Trường và Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa. Bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa, di tích lịch sử cách mạng có vai trò quan trọng đối với việc phát triển kinh tế - xã hội, nhất là trong xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc và giáo dục truyền thống yêu nước đối với thế hệ trẻ. Đó cũng là sự tôn trọng đối với những di sản tốt đẹp mà cha ông đã đóng góp trí tuệ, mồ hôi, xương máu vun đắp, tạo dựng qua các giai đoạn lịch sử hào hùng của dân tộc…

Huyện Thọ Xuân: Bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa, tạo nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội. - Ảnh 1.

Hình ảnh Khu di tích Quốc gia đặc biệt Lam Kinh

Trao đổi với chúng tôi, Phó Chủ tịch UBND huyện Thọ Xuân, Nguyễn Xuân Hải cho biết: Khi tiếp cận từ góc độ kinh tế học, các di sản văn hóa không chỉ mang giá trị văn hóa, mà còn mang giá trị kinh tế, có khả năng tạo ra lợi nhuận và sinh kế cho cộng đồng. Do đó, bảo tồn một cách bền vững và hiệu quả sẽ góp phần gia tăng giá trị của di sản văn hóa.

Huyện Thọ Xuân: Bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa, tạo nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội. - Ảnh 2.

Khu lăng mộ vua Lê Thái Tổ có cây Sồi nếp hơn 300 năm tuổi như người lính đứng canh giấc ngủ cho vua.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn những khó khăn, hạn chế cần được tiếp tục quan tâm, đó là: Công tác bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích còn chậm; nguồn kinh phí hạn chế; quản lý nhà nước về di sản chưa theo kịp và đáp ứng thực tiễn; chưa có nhân lực chuyên môn sâu về di sản… Để cụ thể hóa các mục tiêu, nhiệm vụ theo Chương trình số 14-CTr/HU, ngày 25/2/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện; khai thác phát huy mạnh mẽ tiềm năng, thế mạnh, khắc phục triệt để những bất cập, hạn chế nêu trên, UBND huyện nhận thấy tầm quan trọng của việc ban hành Đề án "Trùng tu, tôn tạo và phát huy giá trị các di tích, di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch huyện Thọ Xuân, giai đoạn 2022-2025" là cần thiết trong giai đoạn hiện nay.

Hiện tại, huyện Thọ Xuân có 244 di tích, đã xây dựng hồ sơ đề nghị xếp hạng 56 di tích, trong đó có 2 di tích Quốc gia đặc biệt (Khu di tích lịch sử Lam Kinh, di tích Đền thờ Lê Hoàn), 4 di tích và cụm di tích quốc gia, 49 di tích cấp tỉnh, 1 di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia. Các di tích được xếp hạng đều đạt các tiêu chí của Luật Di sản văn hóa; có 20 di tích được ngân sách Nhà nước hỗ trợ, đầu tư hơn 310 tỷ đồng thực hiện bảo quản, tu bổ, phục hồi và chống xuống cấp như bảo tồn phỏng dựng chính điện Lam Kinh, di tích lịch sử cách mạng Yên Trường, xã Thọ Lập; mở rộng, phục hồi và tôn tạo di tích Đền thờ Quốc Mẫu Phạm Thị Ngọc Trần…

Huyện Thọ Xuân: Bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa, tạo nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội. - Ảnh 3.

Chuyện tình đa thị được người dân trong vùng lưu truyền đến ngày nay.

Trên địa bàn huyện Thọ Xuân, hiện có 24 lễ hội, lễ tục truyền thống gắn với di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh được công nhận, trong đó có 2 lễ hội tiêu biểu quy mô cấp tỉnh: Lễ hội Lam Kinh, Lễ hội Lê Hoàn; công tác quản lý và tổ chức lễ hội đã có nhiều chuyển biến tích cực, các sinh hoạt lễ hội truyền thống, cách mạng ngày càng đáp ứng tốt nhu cầu tâm linh và giải trí của nhân dân, góp phần giáo dục đạo lý uống nước nhớ nguồn, tạo sự gắn kết trong cộng đồng xã hội; góp phần quảng bá tiềm năng, thế mạnh, hình ảnh quê hương, các giá trị văn hóa của địa phương, thu hút nhiều khách du lịch, tạo điều kiện cho các hoạt động du lịch, dịch vụ, nâng cao giá trị các sản vật ở địa phương, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, tạo nguồn thu bổ sung cho các hoạt động lễ hội và trùng tu, tôn tạo di tích.

Thọ Xuân luôn coi trọng việc phát triển du lịch gắn với phát huy các giá trị di sản văn hóa, được quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện và đạt nhiều kết quả khả quan, nhiều di sản văn hóa được phục hồi, trùng tu, tôn tạo, nâng cấp, nhất là di tích tâm linh, di tích cách mạng, các lễ hội, làng nghề truyền thống… đã và đang phát huy giá trị, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt, tâm linh của nhân dân, từng bước trở thành những sản phẩm du lịch hoàn chỉnh, hấp dẫn thu hút ngày càng đông khách du lịch, tạo ra nguồn thu nhập, việc làm cho nhân dân địa phương. Lượng khách du lịch về Thọ Xuân ngày càng tăng, tập trung vào 2 dịp Lễ hội Lam Kinh và Lê Hoàn. Tổng thu từ du lịch hàng năm từ 6-8 tỷ đồng…

Tuy nhiên, công tác trùng tu, tôn tạo dù đã được chú trọng, quan tâm nhưng còn chậm và mới trùng tu ở di tích gốc, chủ yếu mang tính chất bảo tồn do chưa có đủ nguồn lực đầu tư để nghiên cứu, quy hoạch, trùng tu, tôn tạo, phục dựng đúng mức với nhu cầu quy mô của di tích… Kết cấu hạ tầng và cơ sở vật chất còn nhiều bất cập nên khó phát huy giá trị, nhất là gắn với phát triển du lịch.

Để khắc phục những hạn chế trên, mục tiêu huyện Thọ Xuân đặt trước hết là: Cụ thể hóa Chương trình số 14/CTr/HU, ngày 25/02/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện về phát triển du lịch gắn với phát huy giá trị các di tích, di sản văn hóa, các điểm du lịch huyện Thọ Xuân, giai đoạn 2021-2025, phấn đấu xây dựng Thọ Xuân trở thành trọng điểm du lịch của tỉnh.

Huyện Thọ Xuân: Bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa, tạo nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội. - Ảnh 4.

Cổng Đền thờ Lê Hoàn ở xã Xuân Lập, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa.

Mục tiêu cụ thể đến năm 2025 huyện đặt ra là có 5 di tích được công nhận mới; 1 di sản văn hóa được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia; 2 di tích được quy hoạch tổng thể bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị; 14 di tích được trùng tu, tôn tạo; 4 điểm di tích, điềm du lịch được hỗ trợ xây dựng nhà vệ sinh đạt chuẩn; 10 lượt lễ hội tiêu biểu - sản phẩm du lịch văn hóa thu hút đông đảo nhân dân, du khách tham gia…

Trao đổi về mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu giai đoạn 2022-2025, Phó Chủ tịch huyện đề cập đến vấn đề Thọ Xuân cần làm gì để biến các giá trị di sản văn hóa vật thể và phi vật thể thành những "lực lượng vật chất" thực sự cần thiết có tác dụng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Phải coi đây là mục tiêu quan trọng cần đạt tới trong tất cả các lĩnh vực hoạt động bảo tồn di sản văn hóa; để xây dựng các sản phẩm du lịch, đặc biệt là du lịch văn hóa tâm linh, Thọ Xuân coi trọng phát triển các di sản như khu di tích Quốc gia đặc biệt Lam Kinh, di tích Quốc gia đặc biệt Đền thờ Lê Hoàn, Phủ Día, Đền thờ bà Trịnh Thị Ngọc Lữ, Đền thờ bà Phạm Thị Ngọc Trần, lăng mộ vua Lê Dụ Tông, Đền thờ các vua thời Lê Trung Hưng, điện Càn Long - lăng mộ Phạm Thị Ngọc Hậu - lăng mộ vua Lê Huyền Tông. 

Phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật; tu bổ, tôn tạo, phục hồi và phát huy giá trị các di tích, điểm đến, khu du lịch; xây dựng các sản phẩm du lịch; xúc tiến, kết nối các tour, tuyến du lịch gắn các di tích, di sản văn hóa.

Huyện Thọ Xuân: Bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa, tạo nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội. - Ảnh 5.

Hàng năm cứ đến ngày 9, 10/2 âm lịch, nhân dân làng Xuân Phả lại tụ nhau lại trong ngày hội của làng. Đến nay, lễ hội làng Xuân Phả không chỉ của riêng người trong làng mà lan rộng ra khắp một vùng Thọ Xuân rộng lớn.

Đây là những di sản vô cùng quý báu, nếu khai thác tốt sẽ góp phần đa dạng hóa các sản phẩm, nâng cao khả năng cạnh tranh của ngành du lịch địa phương. Thực hiện chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước về công tác giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc và chiến lược phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Những năm qua, việc khai thác du lịch trên cơ sở bảo tồn, phát huy những giá trị các di tích lịch sử cách mạng, di sản văn hóa trên địa bàn huyện Thọ Xuân được coi là hướng đi quan trọng, mở ra nhiều triển vọng trong thời gian tới.

Việc khai thác, phát huy giá trị các di tích lịch sử, di sản văn hóa phát triển du lịch; xây dựng và phát triển các sản phẩm du lịch trên cơ sở khai thác phát huy các giá trị lịch sử, văn hóa, tâm linh của các di tích trở thành sản phẩm du lịch đặc trưng, chủ đạo tạo thương hiệu và sức cạnh tranh cho du lịch Thọ Xuân.

Huyện Thọ Xuân: Bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa, tạo nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội. - Ảnh 6.

Điệu múa Xuân Phả được coi là điệu múa "độc nhất vô nhị" ở xứ Thanh và đã được công nhận là di sản phi vật thể Quốc gia.

Đánh giá một cách khách quan thì những kết quả trên đã thể hiện sự chủ động thích ứng với những khó khăn của huyện Thọ Xuân và toàn xã hội trong giai đoạn hiện nay, từng bước bảo đảm sự hài hòa giữa phát triển văn hóa và phát triển kinh tế - xã hội, đáp ứng những yêu cầu mới đặt ra của thực tiễn.

Như vậy, vấn đề bảo tồn và phát huy các giá trị di tích lịch sử trên địa bàn Thọ Xuân gắn với phát triển du lịch vừa là nhiệm vụ trước mắt, vừa là nhiệm vụ có tính lâu dài góp phần nâng cao ý thức bản sắc dân tộc, bảo vệ bản sắc văn hóa, xây dựng môi trường văn hóa bền vững góp phần quan trọng thúc đẩy kinh tế -xã hội phát triển, thực hiện tốt các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra.

"Bảo tồn di sản văn hóa là sự nghiệp của toàn Đảng, toàn dân, nhưng pháp luật và chính sách bao giờ cũng là "bà đỡ" kiến tạo cơ hội và định hướng cho các hoạt động đạt được hiệu quả cao nhất", Phó Chủ tịch Mai Xuân Hải nhấn mạnh.

Triều Nguyệt - Yến Hoàng
Ý kiến của bạn
Sức hút của những lễ hội pháo hoa quốc tế Sức hút của những lễ hội pháo hoa quốc tế

Không đơn thuần mang đến những màn trình diễn ánh sáng ấn tượng trên nền trời, các lễ hội pháo hoa quốc tế còn là “đòn bẩy” kinh tế đối với nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam.