Thọ Xuân: Đổi mới phương pháp dạy học theo hướng lấy học sinh làm trung tâm

Địa phương
01:52 PM 21/08/2023

Trong 10 năm qua, dưới sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, sự phối hợp hiệu quả của các ban, ngành, đoàn thể và sự đồng tình ủng hộ của nhân dân, ngành giáo dục huyện Thọ Xuân (Thanh Hóa) đã thực hiện tốt công tác dạy và học, các phong trào thi đua được triển khai có hiệu quả, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục phổ thông. Mạng lưới, quy mô trường lớp học được quy hoạch, sắp xếp phù hợp với tình hình thực tế; chất lượng giáo dục toàn diện được duy trì ở tất cả các cấp học, bậc học, nhiều chỉ tiêu cao hơn mức bình quân chung của tỉnh.

Để đạt được những thành tựu đó, huyện Thọ Xuân đã thực hiện đồng bộ, sáng tạo nhiều giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo theo tinh thần Nghị quyết số 29-NQ/TW. Đồng chí Lê Văn Tiến - Trưởng Ban Tuyên giáo Huyện ủy huyện Thọ Xuân cho biết: Nghị quyết số 29 rất quan trọng, quan điểm chỉ đạo mang tầm chiến lược của Đảng, với mục tiêu "tạo chuyển biến căn bản, mạnh mẽ về chất lượng, hiệu quả giáo dục, đào tạo; đáp ứng ngày càng tốt hơn công cuộc xây dựng bảo vệ Tổ quốc và nhu cầu học tập của nhân dân…".

Huyện Thọ Xuân: Đổi mới phương pháp dạy học theo hướng lấy học sinh làm trung tâm - Ảnh 1.

Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Lê Đình Hải ghi nhận và đánh giá cao những kết quả mà các cấp, các ngành, các địa phương, đơn vị, ngành Giáo dục và Đào tạo huyện đã nỗ lực đạt được trong thời gian qua.

Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết số 29/NQ/TW, nhiều chuyển biến tích cực trong phát triển giáo dục và đào tạo. Trong bức tranh đổi mới giáo dục, điểm nổi bật nhất là quá trình giáo dục từ chủ yếu trang bị kiến thức sang phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học. Học đi đôi với hành, lý luận gắn với thực tiễn, giáo dục nhà trường kết hợp với giáo dục gia đình và xã hội. Từ đó, hệ thống giáo dục từng bước được đổi mới theo hướng mở, linh hoạt, liên thông giữa các bậc học, trình độ và giữa các phương thức giáo dục.

Mặt khác, khi xác định rõ vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền cơ sở đối với giáo dục và đào tạo, Đảng ủy các xã, thị trấn đã tăng cường mối quan hệ với phòng Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), Phòng Nội vụ trong việc xây dựng, bố trí đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên trong các nhà trường, trong việc nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo; xác định đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, Ban Thường vụ Huyện ủy đã chỉ đạo tổ chức thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Chương trình giáo dục phổ thông 2006 và Chương trình Giáo dục phổ thông 2018.

Để góp phần triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết 29-NQ/TW, bên cạnh việc quán triệt tuyên truyền cho cán bộ, đảng viên, nhất là đội ngũ quản lý và giáo viên hiểu sâu, nắm vững, đồng thuận với những quan điểm, chủ trương mà nghị quyết đề cập, Ban Thường vụ Huyện ủy quyết tâm tạo đột phá bằng việc áp dụng các mô hình, cách làm hay, nổi bật như: Xây dựng Đề án, đầu tư xây dựng trường chuẩn Quốc gia chất lượng cao Lê Thánh Tông, là trường đi đầu trong việc thực hiện mục tiêu nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, phát hiện, bồi dưỡng học sinh giỏi, góp phần đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho huyện…; việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/HU luôn được gắn với nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu.

Huyện Thọ Xuân: Đổi mới phương pháp dạy học theo hướng lấy học sinh làm trung tâm - Ảnh 2.

Bí thư huyện ủy và Chủ tịch UBND huyện trao tặng khen thưởng cho tập thể và cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW

Tuy nhiên, trong 10 năm ấy, ngành giáo dục và đào tạo huyện Thọ Xuân cũng gặp không ít khó khăn do tác động của cơ chế thị trường; nhiều quy định trong ngành giáo dục còn bất cập; việc sáp nhập xã, thị trấn từ 41 xuống còn 30 đơn vị dẫn đến phải sáp nhập các trường trên địa bàn cũng gây xáo trộn không nhỏ, khó khăn cho việc dạy và học…

Sau 10 năm thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo theo tinh thần Nghị quyết số 29, trên địa bàn huyện Thọ Xuân đã có nhiều nhà giáo, nhiều trường đi đầu trong đổi mới quản lý, quản trị trường học và đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra, đánh giá học sinh.

Đề án trường chuẩn Quốc gia chất lượng cao Lê Thánh Tông là trường đi đầu trong việc thực hiện mục tiêu nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, phát hiện, bồi dưỡng học sinh giỏi, góp phần đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho huyện; xây dựng và đẩy mạnh phát triển kinh tế -xã hội vùng Tả ngạn sông Chu huyện Thọ Xuân giai đoạn 2015-2020, định hướng đến năm 2025. Đồng thời, tiếp tục đổi mới mạnh mẽ và đồng bộ các yếu tố cơ bản của giáo dục, đào tạo theo hướng coi trọng phát triển phẩm chất, năng lực của người học. Đổi mới phương pháp dạy học theo hướng lấy học sinh làm trung tâm; dạy học "tích hợp" ở cấp dưới, dạy học "phân hóa" ở cấp trên, tăng cường các môn học tự chọn.

Huyện Thọ Xuân: Đổi mới phương pháp dạy học theo hướng lấy học sinh làm trung tâm - Ảnh 3.

Huyện Thọ Xuân đã khen thưởng 25 tập thể và 35 cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW về “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế".

Cùng với đó, đổi mới, nâng cao chất lượng dạy ngoại ngữ và tin học, đáp ứng xu thế hội nhập và phát triển của công nghệ thông tin. Từ năm học 2010-2021, huyện đã chỉ đạo thực hiện chương trình tiếng Anh hệ 10 năm thí điểm tại 6 trường, đến nhu cầu sử dụng lao động, từng bước định hướng, hình thành nhận thức của học sinh về nghề nghiệp sau này.

Với việc tập trung chỉ đạo quyết liệt của huyện, chất lượng giáo dục đại trà và chất lượng giáo dục mũi nhọn được nâng lên rõ rệt.

Tỷ lệ học sinh đậu tốt nghiệp THPT tăng mạnh qua 10 năm: năm 1013 tỷ lệ tốt nghiệp THPT toàn huyện đạt 91,1%, năm 2023 tỷ lệ đỗ tốt nghiệp đạt 100% (tăng 8,9% so với năm 2013). Tỷ lệ đậu đại học năm 2022 toàn huyện đạt 48,9%, tăng 18,2% so với năm 2013. Số học sinh đạt 27 điểm trở lên trong tổ hợp xét tuyển đại học năm 2023 xếp thứ 4 toàn tỉnh (sau thành phố Thanh Hóa). 

Đặc biệt, chất lượng giáo dục mũi nhọn từng bước được cải thiện và có bước tiến vượt bậc trong những năm gần đây. Kết quả thi học sinh giỏi cấp tỉnh cấp THCS năm học 2013 xếp thứ 9 toàn tỉnh, 5 năm gần đây xếp tốp 5 toàn tỉnh. Thi học sinh giỏi môn Tin học cấp THCS xếp thứ 2 toàn tỉnh; Cấp THPT có Trường THPT Lê Lợi và THPT Thọ Xuân 5 vươn lên xếp tốp 10 toàn tỉnh…

Huyện Thọ Xuân: Đổi mới phương pháp dạy học theo hướng lấy học sinh làm trung tâm - Ảnh 4.

BCH Công đoàn cơ quan UBND huyện Thọ Xuân tổ chức tuyên dương, khen thưởng học sinh là con cán bộ, công chức, viên chức cơ quan UBND huyện có thành tích cao trong học tập và rèn luyện năm học 2022-2023.

Xác định việc đổi mới công tác quản lý là khâu đột phá, quyết định để nâng cao chất lượng giáo dục, các cơ sở giáo dục đã triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp quản lý, điều hành phù hợp với đơn vị; lãnh đạo nhà trường phát huy tính dân chủ, tinh thần đoàn kết, biết khơi dậy, phát huy năng lực, sở trường, niềm say mê cống hiến của cán bộ giáo viên, nhân viên; tham mưu tích cực cho cấp ủy, chính quyền địa phương xây dựng cơ sở vật chất; phối hợp chặt chẽ với các tổ chức đoàn thể, nhân dân địa phương và phụ huynh quản lý, giáo dục học sinh.

Cùng với đó, công tác tự bồi dưỡng giáo viên được thực hiện thường xuyên thông qua các hội thi giáo viên giỏi cấp trường, cấp huyện, cấp tỉnh đạt trên 4%, luôn là đơn vị đứng đầu trong các hội thi giáo viên giỏi cấp tỉnh.

Có thể nói, trong 10 năm qua, huyện Thọ Xuân đã tập trung chỉ đạo, đẩy mạnh đầu tư cơ sở vật chất, kiên cố hóa trường lớp học, khuôn viên, bộ mặt các trường ngày càng khang trang hơn. Mỗi năm, huyện hỗ trợ hàng chục tỷ đồng đầu tư xây dựng, mua sắm trang thiết bị dạy học cho các trường xây dựng trường chuẩn quốc gia. Chỉ đạo các xã, thị trấn quan tâm đầu tư cơ sở vật chất các trường học theo hướng hiện đại, chuẩn hóa, gắn với xây dựng nông thôn mới nâng cao. 

Toàn huyện hiện có 1.477 phòng /1.466 lớp, đạt tỷ lệ bình quân 1,007 phòng học/lớp, trong đó có 1.375 phòng học kiên cố, đạt tỷ lệ 93,09%, cao hơn 17,8% so với năm 2013, không còn phòng học tạm bợ, tranh tre, nứa lá.

Huyện Thọ Xuân: Đổi mới phương pháp dạy học theo hướng lấy học sinh làm trung tâm - Ảnh 5.

BCH Công đoàn cơ quan UBND huyện Thọ Xuân tổ chức lễ tuyên dương, khen thưởng học sinh là con cán bộ, công chức, viên chức cơ quan UBND huyện có thành tích cao trong học tập và rèn luyện năm học 2022-2023.

Khi nói về những tồn tại, hạn chế trong việc thực hiện NQ số 29-TW, Trưởng Ban Tuyên giáo huyện cho rằng: Một số cấp ủy, chính quyền xã, thị trấn chưa thực sự chú trọng đầu tư và chăm lo cho phát triển GD&ĐT; việc đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị trường học còn hạn chế, thiếu đồng bộ vẫn còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào huyện.

Huyện vẫn còn nhiều trường có quy mô nhỏ, đặc biệt nhiều trường Tiểu học và THCS còn ít lớp. Việc bố trí sắp xếp đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên chưa hợp lý, thừa thiếu cục bộ, thiếu giáo viên đứng lớp (đặc biệt là cấp tiểu học thiếu 126 giáo viên, THCS thiếu 58). Chất lượng giáo dục đại trà còn thấp và chênh lệch giữa các vùng, chất lượng đại trà môn Tiếng Anh thấp, chất lượng giáo dục mũi nhọn thiếu ổn định…

Giai đoạn 2013-2020, huyện không được tuyển mới giáo viên phổ thông, đội ngũ thiếu nhiều... gây khó khăn, cản trở rất lớn đến đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo huyện nhà…

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXVII, nhiệm kỳ 2020-2025 đặt ra mục tiêu: Thọ Xuân trở thành huyện Nông thôn mới nâng cao vào trước năm 2024, trở thành thị xã trước năm 2030. Sự phát triển của huyện trong thời gian tới đòi hỏi phải có nguồn nhân lực chất lượng cao dồi dào, đặc biệt là khu vực Lam Sơn - Sao Vàng, xu hướng học sinh sau tốt nghiệp THCS lựa chọn học nghề gia tăng, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân ngày một nâng lên… Những yếu tố đó đòi hỏi nền giáo dục huyện Thọ Xuân phải thực sự chuyển mình, đáp ứng yêu cầu phát triển của huyện.

Chia sẻ về quyết tâm cũng như thách thức ngành giáo dục huyện Thọ Xuân cần vượt qua, ông Lê Văn Tiến - Trưởng Ban Tuyên giáo Huyện ủy huyện Thọ Xuân cho biết: Thời gian tới, huyện mong tiếp tục nhận được sự quan, tạo điều kiện hơn nữa của của các cấp, các ngành; sự đồng hành, ủng hộ của các bậc phụ huynh và toàn xã hội để quyết tâm thực hiện đồng bộ các giải pháp, với kỳ vọng hiện thực hóa các mục tiêu trên hành trình đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo của huyện Thọ Xuân trong một tương lai gần.


Triều Nguyệt - Yến Hoàng
Ý kiến của bạn
Hà Nội dẫn đầu cả nước trong thực hiện Chương trình OCOP Hà Nội dẫn đầu cả nước trong thực hiện Chương trình OCOP

Tính đến hết tháng 4/2024, 63/63 tỉnh, TP của cả nước đã triển khai đánh giá, phân hạng được hơn 12.000 sản phẩm OCOP. Hà Nội tiếp tục duy trì vị thế lá cờ đầu với số lượng sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên lớn nhất.