Tình cảm đặc biệt của Hồ Chủ tịch với người da đen
Trong cuộc đời hoạt động của mình, Hồ Chủ tịch kết thân với nhiều nhà cách mạng quốc tế. Nhưng ông có sự cảm thông đặc biệt với thân phận của người da đen.
Điều được ông thể hiện trong rất nhiều bài báo và truyện ngắn trên tờ Le Paria mà ông vừa là người phụ trách, người biên tập, vừa là cây bút chính, và nhiều tờ báo khác như L’Humanité, Le Journal du Peuple, La Voix ouvrière, Le Libétaire, Clarté, và L’action Coloniale.
Một truyện ngắn xuất sắc của Nguyễn Ái Quốc là Con người biết mùi hun khói (“Enfumé) in trên tờ L’Humanité. Tác phẩm bắt đầu bằng lời đề tặng một người Algeria bị một sĩ quan Pháp tên là Vidart giết hại: “Xin tặng Nahông1, người đã bị quân phiệt thực dân ám hại, bài viết này”. Lời đề tặng này được đặt trong sự tương phản với đoạn trích lời Albert Sarrault, bộ trưởng bộ thuộc địa: “Chính cuộc chinh phục hệ thống thuộc địa đã rèn luyện tài năng chiến đấu của số đông những nhà chỉ huy quân sự lớn của ta, những con người đã đưa ta đến chiến thắng, đã được dư luận Pháp ca ngợi vinh quang và chiến công ngay khi mang lá cờ nước ta đến dưới những bầu trời châu Phi hay châu Á”.
Khi nước Mỹ đang rung chuyển vì biểu tình sau cái chết của George Floyd, lưu ý rằng Nguyễn Ái Quốc đã viết về John Brown - một chiến sĩ đấu tranh chống phân biệt chủng tộc và chế độ nô lệ ở Hoa Kỳ từ năm 1924, ta mới thấy tầm nhìn nhân loại của ông. |
Công bố năm 1922, nhưng bối cảnh trong Con người biết mùi hun khói lại diễn ra vào năm 1998. Tác phẩm mở đầu như sau: “Thành phố Haoussas cờ xí tưng bừng. Tưởng đâu như một vị chúa xuân đã gõ cây đũa thần lên gỗ ván khô khốc ở các bao lơn và các cửa sổ, làm mọc ra muôn vàn tấm lá đỏ phấp phới yêu kiều trước gió.
Ðây là lễ kỷ niệm lần thứ năm mươi ngày thành lập Cộng hoà Liên hiệp Phi. Chưa bao giờ dân chúng lại tham gia với mức độ ấy những hội hè loại này. Từ sáng sớm, các đường phố, các quảng trường y như một dòng sông người. Từng đoàn học sinh, giương cờ đi đầu, vừa diễu qua các phố vừa hát Quốc tế ca, được dân chúng vỗ tay hoan nghênh. Trên quảng trường Xô Viết, một cụ già hô hào đám đông. Ðó là cố Kimengo, mệnh danh là Con người biết mùi hun khói”.
Trong cảnh lễ hội đó, cố Kimengo, người khi đó đã chín mươi tuổi, kể lại câu chuyện xưa: những người dân thuộc địa Pháp nghèo khổ không có tiền nộp thuế, phải bỏ trốn vào hang. Bọn thực dân hun khói làm những người trong hang chết ngạt. Riêng cố Kimengo may mắn ở gần một kẽ nứt, đào một cái ngách, thoát ra được và trở thành “chiến sĩ của quân đội cách mạng, một trong những người sáng lập Cộng hòa da đen”. Cụ Kimengo “không những đã ra sức thức tỉnh anh em cùng màu da ra khỏi giấc ngủ mê say của con người nô lệ, mà còn cố gắng phá tan mọi thành kiến dân tộc và chủng tộc, tập hợp những người bị bóc lột thuộc các màu da trong cuộc đấu tranh chung”.
Con người biết mùi hun khói của Nguyễn Ái Quốc không chỉ là tác phẩm đầu tiên thuộc thể loại viễn tưởng ở Việt Nam, mà còn có tính tiên tri kỳ lạ. Nếu lưu ý rằng lễ kỷ niệm lần thứ 50 ngày thành lập Cộng hòa liên hiệp Phi trong truyện diễn ra vào năm 1998, ta sẽ thấy tác giả đã tiên đoán rất chính xác sự sụp đổ của hệ thống thuộc địa cuối thập kỷ 1940.
Hồ Chí Minh cũng là một trong những tác giả Việt Nam đầu tiên viết về nước Mỹ. Hồ Chí Minh đến Hoa Kỳ lần đầu khoảng năm 1912, sống và làm việc tại New York và Boston. Ấn tượng mạnh mẽ về tình cảnh của người da đen được Nguyễn Ái Quốc mô tả trong nhiều tác phẩm, đặc biệt là “Hành hình kiểu Lynch, một phương diện ít người biết đến của nền văn minh Mỹ” và “Đảng Ku Klux Klan”.
“Ai cũng biết giống người da đen là giống người bị áp bức và bóc lột nặng nề nhất trong loài người. Ai cũng biết sự bành trướng của chủ nghĩa tư bản và việc tìm ra Tân thế giới đã mang lại hậu quả trực tiếp là làm sống lại chế độ nô lệ, một chế độ, trải qua nhiều thế kỷ, đã là một tai hoạ thật sự đối với người da đen và là một bất hạnh đẫm máu đối với nhân loại” – Nguyễn Ái Quốc mở đầu bài báo in năm 1924 của mình như thế. Bài báo là một lời tố cáo mạnh mẽ và đầy xúc động tệ phân biệt chủng tộc ở Hoa Kỳ, đồng thời cũng cho thấy rằng Nguyễn Ái Quốc không chỉ để tâm nghiên cứu rất kỹ vấn đề mà có lẽ còn chứng kiến những cuộc hành hình như thế.
Đây là một đoạn mô tả đầy sinh động của ông: “Các bạn hãy tưởng tượng một đám đông cuồng loạn. Quả đấm nắm chặt, mắt đỏ ngầu, miệng sùi bọt, la ó, chửi bới, nguyền rủa..., đám đông ấy đang bị lôi cuốn bởi cái thú cuồng loạn được phạm tội ác mà không phải lo sợ gì cả. Họ vũ trang bằng gậy gộc, đuốc, súng lục, thừng, dao, kéo, nước lưu toan, dùi. Tóm lại là bất cứ vật gì có thể dùng để giết hoặc làm bị thương được. Các bạn hãy tưởng tượng giữa đám đông ấy, là một đống thịt đen bị xô đẩy, đánh đập, giày xéo, rạch da, róc thịt, chửi rủa, bị đá đi đá lại, đẫm máu, bất động. Cái đám đông ấy, chính là những kẻ tham gia hành hình. Cái xác người rách nát kia, đó là người da đen, là nạn nhân”.
Cuối bài báo, Nguyễn Ái Quốc viết: “Chẳng cứ gì người da đen mà cả những người da trắng nào dám bênh vực người da đen cũng bị đối xử tàn nhẫn, như bà Hariét Bichơ Stao, tác giả cuốn “Cái lều của chú Tôm” chẳng hạn. Eligiát Lôvagiôi bị giết. Giôn Brao bị treo cổ, Tômát Bítsơ và Xtêphen Phôxtơ bị ngược đãi, bị đánh đập và bị bỏ tù.”
Trong những cái tên được Nguyễn Ái Quốc đề cập, tôi muốn các bạn lưu ý đến cái tên Giôn Brao (John Brown). John Brown (1800 – 1859) là một chiến sĩ đấu tranh chống phân biệt chủng tộc và chế độ nô lệ ở Hoa Kỳ. Là con của một người thợ thuộc da, John Brown nhanh chóng nhận thấy tội ác khủng khiếp của chế độ nô lệ. Là người da trắng nhưng ông thông cảm sâu sắc với nỗi thống khổ của người da đen. Năm 1859, John Brown lãnh đạo cuộc nổi dậy của nô lệ và chiếm kho súng liên bang tại Harpers Ferry.
Dự định của ông là phân phát vũ khí để những người nô lệ da đen tiến hành cuộc khởi nghĩa. Kế hoạch thất bại. Lực lượng nổi dậy nhỏ bé của ông nhanh chóng bị bao vây bởi lực lượng của chính quyền, trong đó có cả lính thủy quân lục chiến do Robert E. Lee chỉ huy. John Brown bị bắt. Khi John Brown bị treo cổ, nhiều người đánh chuông nhà thờ, bắn súng khắp miền Bắc Hòa Kỳ để vĩnh biệt ông. Ralph Waldo Emerson gọi John Brown là “Vị Thánh mới sẽ khiến giá treo cổ trở nên thiên liêng không kém gì cây thánh giá”.
Suốt thế kỷ 19, sách báo chính thống của Mỹ bôi nhọ John Brown, nhiều nguồn nói ông bị điên. Ngay cả Abraham Lincohn, người được coi là anh hùng giải phóng nô lệ, cũng từng nói rằng John Brown là một kẻ “cuồng tín lầm lạc”. Thiên kiến về John Brown vẫn còn tồn tại dai dẳng cho đến gần đây. Điều này đã được James W. Loewen viết rất hay trong cuốn “Lies My Teachers Told Me” (Những điều lừa dối thầy dạy tôi, 1996).
Sự thông cảm sâu sắc của Nguyễn Ái Quốc đối với người Mỹ da đen còn thể hiện ở những hoạt động cụ thể. Ở New York, Nguyễn Ái Quốc thường xuyên đến dự các cuộc diễn thuyết của lãnh tụ da đen Marcus Garvey do Universal Negro Improvement Trust tổ chức. Có lần, quá xúc động, ông dốc sạch túi tiền để hưởng ứng lời kêu gọi về tài chính của Hội.
Cuốn sách cuối cùng trên bàn làm việc của Hồ Chủ Tịch vào tháng 9/1969 là cuốn “Những người da đen cầm súng”, trong đó có tiếu sử John Brown. Hôm nay, khi nước Mỹ đang rung chuyển vì biểu tình sau cái chết của George Floyd, lưu ý rằng Nguyễn Ái Quốc đã viết về John Brown từ năm 1924, ta mới thấy tầm nhìn nhân loại của ông.
Ngô Tự Lâp - Viện quốc tế Pháp ngữ - ĐHQGHNBộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã ký ban hành Chỉ thị số 12 về việc thực hiện các giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường cuối năm 2024 và dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025.