Thời kỳ mới trong phát triển văn hóa đọc
Từ ngày 1/7/2020, Luật Thư viện được Quốc hội thông qua đã chính thức có hiệu lực. Đây là một dấu mốc quan trọng đối với ngành thư viện, mở ra một thời kỳ mới trong phát triển văn hóa đọc của đất nước.
Luật Thư viện đã được Quốc hội thông qua ngày 21/11/2019 và có hiệu lực từ ngày 1/7/2020, đánh dấu một mốc quan trọng trong hoạt động thư viện thời đại Cách mạng công nghiệp 4.0, đồng thời thúc đẩy phong trào đọc sách, góp phần nâng cao văn hóa đọc trong cộng đồng.
Mô hình thư viện xanh đang được nhiều tỉnh thành áp dụng
Theo đó Luật Thư viện với 6 chương, 52 điều, đã cụ thể hóa các chế định về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân được Hiến pháp 2013 quy định, đó là quyền tiếp cận thông tin, quyền hưởng thụ và tiếp cận các giá trị văn hóa, sử dụng các cơ sở văn hóa. So với Pháp lệnh Thư viện năm 2000, Luật Thư viện có nhiều điểm mới, cần thiết cho sự phát triển thư viện, tạo điều kiện để người dân trở thành chủ thể chính trong hoạt động thư viện. Đó là bổ sung loại hình thư viện ngoài công lập, lấy ngày 21/4 hằng năm là “Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam”, mở rộng đối tượng được thành lập thư viện, xây dựng và cung cấp dịch vụ thư viện số, đẩy mạnh liên thông giữa các thư viện, định kỳ hằng năm đánh giá hoạt động thư viện.
Trong Nghị định của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Thư viện nêu rõ tiêu chí xác định thư viện công lập có vai trò quan trọng được Nhà nước ưu tiên đầu tư, như Thư viện quốc gia Việt Nam, thư viện tỉnh, thành phố, thư viện các trường đại học. Các nội dung khác cũng quy định và hướng dẫn chi tiết như: Quy định tài liệu quý hiếm, có giá trị đặc biệt về lịch sử; phòng đọc cơ sở, không gian đọc; điều kiện thành lập thư viện đại học, thư viện cấp tỉnh, huyện, xã…
Nhân tố đột phá trong Luật Thư viện mới có hiệu lực là xã hội hóa và hiện đại hóa hoạt động thư viện. Xã hội hóa các hoạt động thư viện được xem là biện pháp tích cực tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc mà công tác thư viện, nhất là thư viện cơ sở ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo đang gặp khó khăn về kinh phí, chế độ chính sách đầu tư nhằm phát triển văn hóa đọc.
Để thúc đẩy văn hóa đọc phát triển, tạo môi trường cho người dân học tập suốt đời, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng đã ký kết chương trình phối hợp công tác với Bộ Thông tin truyền thông về tăng cường tổ chức hoạt động phục vụ sách, báo tại các điểm bưu điện văn hóa xã giai đoạn 2013-2020; phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo trong việc nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về thư viện và đẩy mạnh các hoạt động giáo dục, học tập suốt đời trong các thư viện.
Bên cạnh đó, Vụ Thư viện còn phối hợp với các cơ quan tổ chức phi chính phủ, doanh nghiệp trong và ngoài nước để tăng cường hợp tác, đẩy mạnh xã hội hóa thúc đẩy văn hóa đọc; vận động, quyên góp và nhận tài trợ hàng ngàn cuốn sách có giá trị, trang thiết bị thư viện từ các tổ chức, cơ quan, cá nhân... Vụ Thư viện làm đầu mối nhận và trao tặng lại các nguồn tài trợ từ các cá nhân, tổ chức để hỗ trợ các thư viện, tủ sách ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo... Nhờ sự tài trợ từ các nguồn xã hội hóa, bộ mặt thư viện Việt Nam đã có sự thay đổi, cơ sở vật chất và việc triển khai công nghệ mới được tăng cường.
Theo bà Vũ Dương Thúy Ngà - Vụ trưởng Vụ Thư viện, Luật Thư viện được ban hành đã thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với công tác thư viện. Luật đã có những quy định cụ thể về chính sách của Nhà nước về phát triển sự nghiệp thư viện, bao gồm: Chính sách đầu tư, hỗ trợ và đẩy mạnh xã hội hóa. Đồng thời, Luật đã có những quy định cụ thể về thành lập và hoạt động thư viện. Nhờ có những quy định này các thư viện sẽ buộc phải nâng cao năng lực để thực hiện các chức năng, nhiệm vụ của mình tích cực góp phần phát triển văn hóa đọc và tạo môi trường học tập suốt đời cho Nhân dân, xây dựng xã hội học tập, nâng cao dân trí, xây dựng con người Việt Nam toàn diện.
Luật Thư viện đã quy định các nguyên tắc hoạt động thư viện, gồm: Lấy người sử dụng thư viện làm trung tâm; tạo lập môi trường thân thiện, bình đẳng; bảo đảm quyền tiếp cận và sử dụng thư viện của tổ chức, cá nhân; Tài nguyên thông tin được thu thập, xử lý, lưu giữ, bảo quản và phổ biến tuân thủ tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và chuẩn nghiệp vụ liên quan trong lĩnh vực thư viện; Thường xuyên đổi mới sáng tạo về quy trình, sản phẩm thông tin, dịch vụ thư viện trên cơ sở ứng dụng thành tựu khoa học và công nghệ tiên tiến; Thực hiện liên thông thư viện; Tuân thủ quy định của pháp luật về sở hữu trí tuệ, khoa học và công nghệ, công nghệ thông tin, an ninh mạng và quy định khác của pháp luật có liên quan. Vì thế, nếu các thư viện thực hiện nghiêm túc, tính chuyên nghiệp và hiệu quả hoạt động sẽ từng bước được nâng lên.Từ quy định này có thể nhận thấy người sử dụng thư viện không chỉ là đối tượng phục vụ đơn thuần mà đã trở thành trung tâm của hoạt động thư viện.
Đặc biệt với những người khiếm thị, Luật đã có quy định rõ: Người khiếm thị, người khiếm thính có quyền sử dụng tài nguyên thông tin và được tạo điều kiện sử dụng tài liệu in chữ nổi Braille, tài liệu nghe, nhìn, tài liệu ngôn ngữ ký hiệu hoặc tài liệu đặc biệt khác. Các quy định của Luật Thư viện đã đảm bảo cho mọi người, đặc biệt là những người khuyết tật được phục vụ và đáp ứng các nhu cầu học tập, nghiên cứu và giải trí.
Để Luật Thư viện được áp dụng một cách hiệu quả, thực chất trong đời sống đòi hỏi các cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia và có liên quan đến thư viện trên lãnh thổ Việt Nam phải có sự hiểu biết và thực hiện nghiêm túc những quy định của Luật. Từ các cấp lãnh đạo, người quản lý thư viện, nhân viên thư viện, tổ chức, cá nhân hỗ trợ thư viện, các cộng tác viên đến người sử dụng thư viện. Để có được điều đó, công tác phổ biến và triển khai thực hiện Luật Thư viện, các văn bản hướng dẫn như Nghị định, Thông tư và các văn bản quy định liên quan cần được thực hiện một cách nghiêm túc có hiệu quả.
Sắp tới, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ tổ chức các lớp tập huấn để phổ biến và hướng dẫn thi hành Luật Thư viện. Nhiều Bộ, ngành và địa phương cũng đã xây dựng kế hoạch cụ thể để cùng đẩy mạnh đưa Luật vào cuộc sống. Luật Thư viện khi có hiệu lực thực sự sẽ tạo động lực cho thư viện và văn hóa đọc ở Việt Nam phát triển. Nhờ đó, người dân Việt Nam từng bước sẽ có điều kiện và môi trường tốt hơn, thân thiện hơn để tiếp cận thông tin và tri thức, thực hiện việc học tập suốt đời một cách dễ dàng, thuận lợi ở mọi nơi, mọi lúc.
Bảo ThoaCác nhà đầu tư Hoa Kỳ đã đóng góp đáng kể vào quá trình chuyển biến và tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam. Hoa Kỳ hiện là nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ 11 tại Việt Nam, với hơn 1.400 dự án có tổng vốn đầu tư gần 12 tỷ USD.