Thói quen hàng nghìn năm của Trung Quốc khiến giá lương thực cao nhất 10 năm: Tích trữ 69% ngô, 60% gạo và 51% lúa mỳ dự trữ toàn cầu
Chiếm chưa đầy 20% tổng dân số thế giới nhưng Trung Quốc lại đang tích trữ đến 70% nhiều loại lương thực của toàn cầu.
Theo hãng tin Bloomberg, Trung Quốc là một trong những nguyên nhân chính khiến giá cả lương thực leo thang lên mức cao nhất 10 năm qua trên toàn cầu. Số liệu của Bộ nông nghiệp Mỹ (UDA) cho thấy tính đến giữa năm 2022, Trung Quốc sẽ tích trữ đến 69% lượng ngô dự trữ toàn cầu, 60% lượng gạo và 51% lúa mỳ.
Nếu tính theo ước tính của riêng Trung Quốc thì họ đang dự trữ lương thực ở mức cao kỷ lục trong lịch sử và đã góp phần đẩy giá lương thực lên cao trong thời gian qua. Với Trung Quốc, việc đảm bảo an ninh lương thực là yếu tố cốt lõi nhằm giữ ổn định xã hội, kinh tế cũng như không bị phụ thuộc vào các quốc gia như Mỹ trong bối cảnh hậu đại dịch.
Giá lương thực tăng mạnh trong năm 2021
Tuy nhiên với nhiều nước kém phát triển và còn đang thiếu lương thực, việc Trung Quốc chỉ với chưa đến 20% tổng dân số toàn cầu lại dự trữ nhiều lương thực như vậy là điều khó lý giải.
Hàng nghìn năm tích trữ
Hãng tin Bloomberg cho biết Trung Quốc có thói quen tích trữ lương thực đã hàng nghìn năm qua. Từ thời các triều đại phong kiến, Trung Quốc đã tích trữ kho lương như một phương pháp để thu tô thuế nhằm dự phòng cho các đợt chiến tranh, thiên tai. Việc tích trữ này ngày càng trở nên quan trọng khi dân số Trung Quốc gia tăng.
Vào cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20, hàng loạt những biến động địa chính trị đã khiến nhiều triệu người Trung Quốc chết vì đói. Thậm chí nỗi ám ảnh hàng chục triệu người chết đói trong thời kỳ Đại cách mạng văn hoá vẫn còn ám ảnh thế hệ cao tuổi ở Trung Quốc ngày nay.
Nhận thức được tình hình đó, chính quyền Bắc Kinh vẫn luôn thúc đẩy việc dự trữ lương thực cùng các chính sách nhằm nuôi sống 1,4 tỷ dân. Năm 2013 khi Chủ tịch Tập Cận Bình mới lên nắm quyền chỉ vài tuần, Trung Quốc đã phát động phong trào chống phí phạm thức ăn thừa. Năm 2020, chiến dịch này tiếp tục được phát động một lần nữa nhằm đảm bảo Trung Quốc đủ lương thực trong đại dịch.
Ngày nay, câu chuyện an ninh lương thực không chỉ mang ý nghĩa nuôi sống 1,4 tỷ dân và đảm bảo ổn định xã hội. Trung Quốc còn tích trữ để không bị phụ thuộc vào các cường quốc khác như Mỹ.
Xin được nhắc là diện tích đất nông nghiệp khả dụng tại Trung Quốc không nhiều và đang liên tục suy giảm do ô nhiễm môi trường, sa mạc hoá hay xói mòn dinh dưỡng. Theo Bloomberg, năng suất nông nghiệp của Trung Quốc hiện nay kém hơn rất nhiều cường quốc trên thế giới và dù chính quyền Bắc Kinh đã thúc đẩy nhiều kỹ thuật nông nghiệp và đầu tư lớn nhưng phải mất vài năm để thấy được hiệu quả.
Hệ quả tất yếu là Trung Quốc hiện nay vẫn phải nhập khẩu lương thực trong khi chính phủ đề nghị mức giá sàn cho nông dân để tích trữ thực phẩm vào kho chiến lược. Vào tháng 3/2021, Trung Quốc lần đầu tiên nâng mức giá thu mua lúa mỳ kể từ năm 2014.
Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng tận dụng đồng Nhân dân tệ được giữ giá để nhập khẩu ngũ cốc với lượng lớn chưa từng có. Số liệu cho thấy nhập khẩu lúa mỳ của Trung Quốc trong khoảng tháng 1-7/2021 đã tăng tới 50% so với cùng kỳ năm trước.
Vào tháng 11/2021 khi nhiều nơi tại Trung Quốc gặp áp lực về lương thực trước những tin đồn dịch bệnh, các quan chức nông nghiệp của nước này đã tự tin khẳng định kho dự trữ của họ đủ sức cung ứng lúa mỳ cho cả nước trong 18 tháng.
Xu thế lan rộng
Theo Bloomberg, điều đáng nguy hiểm là động thái của Trung Quốc đã tác động đến những quốc gia khác khi họ cũng tích trữ lương thực trước dấu hiệu giá thực phẩm đi lên. Báo cáo của các tổ chức nông lương thuộc Liên Hiệp Quốc (UN) trong tháng 6/2021 cảnh báo giá lương thực nhập khẩu sẽ tăng đến 20% trong giai đoạn tới, gây ảnh hưởng tiêu cực đến các nước nghèo.
Mặc dù những báo cáo trên không nêu đích danh thủ phạm nhưng theo Bloomberg, Trung Quốc với vai trò là nước nhập khẩu lương thực nhiều nhất thế giới chịu trách nhiệm không nhỏ cho tình cảnh này. Tuy nhiên dù đúng hay sai thì chính quyền Bắc Kinh cũng sẽ không thay đổi chiến lược của mình nếu không muốn nói là tích cực dự trữ nhiều hơn trong bối cảnh hậu đại dịch và căng thẳng thương mại với Mỹ.
Băng BăngTổ chỉ đạo do Bộ trưởng Bộ GTVT Trần Hồng Minh làm tổ trưởng; Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Danh Huy là tổ phó.