Thói quen mua sắm của người dân thay đổi trong dịp Tết
Thị trường không có hiện tượng khan hàng, sốt giá, người dân đang thay đổi thói quen sang mua sắm tiết kiệm, chi tiêu hợp lý trong dịp Tết. Xu hướng rõ nét trong mùa Tết năm nay là sự chuyển dịch mạnh mẽ từ mua sắm trực tiếp sang mua sắm trực tuyến.
Trong Báo cáo nhanh gửi Chính phủ ngày 31/1, Bộ Tài chính cho biết nhu cầu mua sắm trong dịp Tết Nguyên đán 2025 tăng nhưng giá các mặt hàng thiết yếu cơ bản không biến động lớn. Giá cả tại các địa phương có tăng giảm đan xen, nhưng không xảy ra tình trạng thiếu hàng, sốt giá.
Ngoài nguồn cung dồi dào, thị trường "cơ bản bình ổn nằm trong kiểm soát" còn do thói quen mua sắm của người dân đang thay đổi rõ rệt, mua sắm tiết kiệm, chi tiêu hợp lý hơn trong dịp Tết.
Xu hướng rõ nét trong mùa Tết năm nay là sự chuyển dịch mạnh mẽ từ mua sắm trực tiếp sang mua sắm trực tuyến.
Hoạt động chợ online trên các nền tảng số từ TikTok, Facebook, Zalo luôn sôi nổi với nhiều chương trình khuyến mại, giảm giá cuối năm, phong phú về chủng loại hàng hóa, giá cả, tạo sức hút không nhỏ với người tiêu dùng.
Hoạt động mua bán đang dần trở về bình thường, nhu cầu tiêu dùng đầu năm không cao, chủ yếu nhu cầu tập trung vào một số mặt hàng thiết yếu như nhóm thực phẩm tươi sống thủy hải sản, rau củ quả tươi, hàng ăn và dịch vụ ăn uống, dịch vụ du lịch, vui chơi, giải trí, dịch vụ trông giữ xe, dịch vụ vận tải hành khách...
Trong năm 2025, Bộ Tài chính tiếp tục theo dõi sát diễn biến giá cả, phối hợp với các bộ, ngành để ổn định thị trường, kiểm soát lạm phát. Dự báo, với xu hướng tiêu dùng tiết kiệm và nguồn cung dồi dào, giá cả hàng hóa sẽ không có biến động bất thường trong thời gian tới.
Trước đó, số liệu từ Kantar Worldpanel Việt Nam cho thấy, 3 năm qua, giá trị đóng góp của 2 tháng Tết vào kết quả cả năm trong ngành tiêu dùng nhanh (FMCG) đã giảm dần, từ 21% xuống 19% ở thành thị và 24% xuống 21% ở nông thôn.
Dù người tiêu dùng vẫn chi tiêu cho ngành hàng này, song họ thường cân nhắc kỹ lưỡng trước khi mua. Trong đó, khách hàng có xu hướng tìm những mặt hàng có mức giá rẻ hơn nhằm giảm các khoản chi tiêu.
Đáng chú ý, cũng trong giai đoạn 2019-2024, nhóm người cắt giảm chi tiêu đã tăng từ 19% lên 24%. Họ chủ động thay đổi nhu cầu mua sắm sang các thương hiệu rẻ hơn. Từ đó, downtrading - xu hướng chuyển sang mua sắm giá rẻ cũng dần được hình thành.
Dựa theo khảo sát thị trường, đại diện Kantar cho biết, trong mùa Tết năm 2025, người tiêu dùng mong muốn đơn giản hóa những thủ tục ngày Tết để giảm mức chi tiêu. Đồng thời, thay vì dành thời gian gặp gỡ bạn bè, nhiều người lại chọn nghỉ ngơi nên chi phí trong ngày Tết cũng ít hơn.
Người tiêu dùng cũng chủ trương lựa chọn những món quà tặng FMCG thiết thực, tốt cho sức khỏe, phù hợp túi tiền.
Minh An (t/h)UBND TP. Hà Nội vừa công bố kế hoạch để đưa Thủ đô gia nhập mạng lưới "Thành phố học tập toàn cầu" của UNESCO. Mục tiêu của kế hoạch là hoàn tất thủ tục đăng ký để Hà Nội chính thức trở thành thành viên của mạng lưới này vào năm 2025.