Thông điệp ngày Khí tượng Thế giới 23/3/2022: “Cảnh báo sớm và hành động sớm”

Sự kiện
09:15 AM 18/03/2022

Vì tầm quan trọng của bản tin cảnh báo nên tổ chức Khí tượng Thế giới đã lựa chọn chủ đề “Cảnh báo sớm và hành động sớm” cho ngày Khí tượng Thế giới năm 2022.

Theo truyền thống, vào ngày 23/3 hàng năm, tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) thường tập trung vào một vấn đề trọng tâm. Bản tin cảnh báo về các hiện tượng khí tượng, thủy văn nguy hiểm đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong công tác Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn. Khi có được thông  tin cảnh báo sớm về khí tượng thủy văn và khí hậu, sẽ giúp cơ quan chỉ đạo phòng chống chủ động hành động sớm để giảm nhẹ rủi ro thiên tai. Vì tầm quan trọng của bản tin cảnh báo nên tổ chức Khí tượng Thế giới đã lựa chọn chủ đề "Cảnh báo sớm và hành động sớm" cho ngày Khí tượng Thế giới năm 2022.

Thông điệp ngày Khí tượng Thế giới 23/3/2022: “Cảnh báo sớm và hành động sớm” - Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Thông điệp này nhấn mạnh về vai trò của công tác thông tin, dự báo tác động, đồng thời cần phải phối hợp và thiết lập mối quan hệ chặt chẽ hơn nữa giữa cơ quan Khí tượng thủy văn Quốc gia, cơ quan Quản lý thiên tai và các cấp chính quyền địa phương. Đây là điều kiện tiên quyết để phòng ngừa, sẵn sàng và ứng phó với thời tiết, khí hậu tốt hơn, góp phần bảo vệ cuộc sống và sinh kế bền vững cho người dân.

Việc ra được các bản tin cảnh báo, dự báo sớm, chính xác và kịp thời sẽ giúp cơ quan phòng chống thiên tai có đủ thời gian chuẩn bị, không bị lúng túng khi chỉ đạo dưới cơ sở các biện pháp ứng cứu, ứng phó khi thiên tai xảy ra. Đặc biệt người dân vùng sắp chịu ảnh hưởng của thiên tai cũng đủ thời gian sơ tán người, tài sản đến nơi an toàn sớm. Các cấp chính quyền địa phương có đủ thời gian họp bàn, đưa ra các phương án tối ưu nhất khi ứng cứu. Chỉ đạo các lực lượng cứu hộ, người dân ứng phó nhanh và hiệu quả khi thiên tai xảy ra, từ đó sẽ làm giảm thiểu mọi thiệt hại xuống mức thấp nhất.

Hiện thời tiết, khí hậu và các hiện tượng cực đoan về nước (gồm nước mặt và nước ngầm) đang diễn ra thường xuyên, với mức độ nghiêm trọng hơn ở nhiều nơi trên Thế giới, trong đó có Việt Nam do hậu quả của biến đổi khí hậu toàn cầu gây ra. Hiện chúng ta đang phải đối mặt với nhiều hiểm họa liên quan khác, các hiểm họa này đang tăng dần do hậu quả của sự gia tăng dân số, việc đô thị hóa ngày càng mở rộng và nhanh, cùng với sự suy thoái môi trường. Vì thế, bản tin dự báo, cảnh báo về những gì thời tiết sắp gây ra là rất quan trọng để bảo vệ cuộc sống và sinh kế của người dân.

Ngoài ra, sự phối hợp chặt chẽ hơn giữa cơ quan  Khí tượng thủy văn Quốc gia, cơ quan quản lý thiên tai và các cơ quan phát triển hạ tầng là cơ sở để phòng chống, ứng phó tốt hơn các hiện tượng thời tiết cực đoan. Sự hợp tác, trao đổi thông tin dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn giữa các quốc gia, châu lục và toàn thế giới là rất quan trọng, giúp các nước còn yếu trong công tác dự báo thời tiết tiếp cận tốt hơn với các mô hình dự báo tiên tiến, với độ chính xác cao hơn. 

Đại dịch COVID-19 đang làm phức tạp hơn những thách thức mà xã hội phải đối mặt, làm suy yếu các cơ chế ứng phó đặt ra. Dịch bệnh diễn biến kéo dài chỉ ra rằng trong một thế giới kết nối, chúng ta cần áp dụng cách tiếp cận đa hiểm họa, xuyên biên giới để tạo ra những bước tiến, hướng tới các mục tiêu toàn cầu về hành động khí hậu, giảm nhẹ rủi ro thiên tai và phát triển bền vững. Tóm lại, việc cảnh báo sớm, kết hợp với hành động nhanh có thể cứu sống nhiều người, bảo vệ tốt sinh kế của cộng đồng ở mọi lúc, mọi nơi, trong cả hiện tại và tương lai.    

Hải Minh
Ý kiến của bạn