Thống nhất mở rộng cao tốc TP Hồ Chí Minh - Trung Lương - Mỹ Thuận lên 8 làn xe
UBND TP Hồ Chí Minh vừa có văn bản khẩn số 6367/UBND - DA, gửi Ban Quản lý dự án (BQLDA) 7 (Bộ GTVT) về dự án Đầu tư xây dựng mở rộng đường cao tốc TP Hồ Chí Minh - Trung Lương và Trung Lương - Mỹ Thuận.
Cụ thể, TP Hồ Chí Minh thống nhất phạm vi, quy mô đầu tư dự án với điểm đầu tại nút giao thông Chợ Đệm, đầu tư mở rộng 8 làn xe cao tốc, hai làn dừng xe khẩn cấp và đầu tư hoàn chỉnh nút giao thông Chợ Đệm.
Đồng thời, TP Hồ Chí Minh cũng sẽ chủ động nghiên cứu, triển khai đầu tư xây dựng mở rộng hai tuyến nối Tân Tạo - Chợ Đệm và Bình Thuận - Chợ Đệm phù hợp quy hoạch được duyệt; đồng bộ với dự án, phát huy hiệu quả đầu tư.
Trước đó, ngày 1/10, BQLDA 7 cũng đã có công văn gửi UBND TP Hồ Chí Minh và Sở GTVT TP Hồ Chí Minh về tình hình thực hiện Dự án đầu tư xây dựng mở rộng đường bộ cao tốc đoạn TP Hồ Chí Minh - Trung Lương và đoạn Trung Lương - Mỹ Thuận. Dự án được đề xuất đầu tư theo phương thức PPP (hợp đồng BOT), không có vốn ngân sách Nhà nước tham gia.
Trong đó, nhà đầu tư cho biết, 2 tuyến đường Tân Tạo - Chợ Đệm và Bình Thuận - Chợ Đệm đang được UBND TP Hồ Chí Minh quản lý, khai thác. Cùng với đó, 2 tuyến đường này là đường đô thị nên việc đầu tư mở rộng 2 tuyến nối nêu trên theo phương thức PPP là không phù hợp theo quy định.
Do đó, BQLDA 7 đề nghị TP Hồ Chí Minh xem xét, mở rộng hai tuyến đường lên 8 làn xe bằng phương án đầu tư phù hợp nhằm đồng bộ với dự án mở rộng cao tốc TP Hồ Chí Minh - Trung Lương - Mỹ Thuận trong giai đoạn 2024 - 2028.
Dự án mở rộng đường cao tốc TP Hồ Chí Minh - Trung Lương - Mỹ Thuận được Bộ GTVT lựa chọn Liên danh Công ty CP Tập đoàn Đèo Cả - Công ty CP Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TP Hồ Chí Minh - Công ty CP Tasco (Liên danh ĐCG-CII-TASCO) là nhà đầu tư lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án.
Theo Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, Dự án mở rộng đường cao tốc TP Hồ Chí Minh - Trung Lương - Mỹ Thuận có chiều dài 91 km điểm đầu tại nút giao Chợ Đệm (thuộc địa phận TP Hồ Chí Minh) và điểm cuối tại nút giao An Thái Trung (địa phận tỉnh Tiền Giang). Trong đó có hai làn dừng khẩn cấp (có khoảng 1,2 km đi qua địa phận TP Hồ Chí Minh). Đối với đoạn từ Trung Lương đến Mỹ Thuận (nút giao An Thái Trung) có quy mô 6 làn xe hoàn chỉnh, hai làn dừng khẩn cấp.
Phương án đầu tư được đề xuất là mở rộng lên quy mô 8 làn xe hoàn chỉnh, 2 làn dừng khẩn cấp, đầu tư theo phương thức PPP, hợp đồng BOT, không có vốn ngân sách Nhà nước tham gia trong dự án.
Tổng mức đầu tư sơ bộ 32.270 tỷ đồng và thời gian thu phí hoàn vốn khoảng 17 năm 4 tháng. Thời gian thực hiện giai đoạn 2024 - 2028.
Nam Dương (T/h)Công ty CP Vận tải đường sắt cho biết tổ chức chạy tăng cường thêm nhiều chuyến tàu tuyến Bắc - Nam phục vụ người dân về quê, đón tết Nguyên đán 2025.