Thông qua Đề án sắp xếp, hợp nhất Báo Thanh Hóa và Đài Phát thanh & Truyền hình Thanh Hóa
Chiều 9/5 dưới sự chủ trì của đồng chí Nguyễn Doãn Anh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, hội nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy được tổ chức để cho ý kiến vào Đề án sắp xếp, hợp nhất Báo Thanh Hóa và Đài Phát thanh & Truyền hình Thanh Hóa, cùng một số nội dung quan trọng khác.
Thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII "Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả" (gọi tắt là Nghị quyết số 18-NQ/TW); Công văn số 34-CV/BTGDVTW, ngày 17/2/2025 và Công văn số 196-CV/BTGDVTW ngày 7/3/2025 của Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương về việc chỉ đạo triển khai thực hiện Nghị quyết 18-NQ/TW đối với báo chí tỉnh, thành phố, Ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh ủy đã xây dựng Đề án sắp xếp, hợp nhất Báo Thanh Hóa và Đài Phát thanh & Truyền hình Thanh Hóa.

Toàn cảnh Hội nghị.
Theo đó, nhằm cụ thể hóa và triển khai chỉ đạo của Trung ương và Tỉnh ủy về sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ xây dựng Thanh Hóa và đất nước trong kỷ nguyên mới. Các cơ quan báo chí được quy hoạch, tổ chức lại theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại và hiệu quả, phù hợp với xu hướng phát triển chung của báo chí thế giới và khu vực.
Bảo đảm sự lãnh đạo, chỉ đạo thống nhất của Ban Thường vụ Tỉnh ủy đối với cơ quan báo chí trên địa bàn tỉnh theo hướng một việc chỉ giao một cơ quan chủ trì và chịu trách nhiệm chính. Giảm đầu mối, tránh sự trùng lặp chức năng, nhiệm vụ gắn với cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, viên chức, thực hiện tinh giản biên chế nhằm nâng cao chất lượng và năng lực hoạt động của đội ngũ cán bộ, giảm chi phí, thu gọn trụ sở làm việc.
Phương án hợp nhất Báo Thanh Hóa và Đài Phát thanh & Truyền hình Thanh Hóa, lấy tên gọi là Báo và Đài Phát thanh - Truyền hình Thanh Hóa có vị trí, chức năng là cơ quan ngôn luận của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh Thanh Hóa, đồng thời là cầu nối thông tin giữa Đảng bộ, chính quyền với Nhân dân tỉnh Thanh Hóa. Là đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Tỉnh ủy Thanh Hóa; thực hiện chức năng thông tin, tuyên truyền hoạt động báo chí, truyền thông theo quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

Đại biểu tham dự hội nghị.
Sản phẩm của Báo và Đài Phát thanh - Truyền hình Thanh Hóa gồm:
Các ấn phẩm báo in: Báo Thanh Hoá hằng ngày; Báo Thanh Hoá cuối tuần; Báo Thanh Hoá hằng tháng.
Các kênh phát thanh, truyền hình: Kênh Truyền hình (TTV); Kênh Phát thanh 92,3 MHz; ứng dụng truyền hình dành cho thiết bị thông minh.
Báo và Đài Phát thanh - Truyền hình điện tử gồm: Báo Thanh Hóa điện tử; Chuyên trang điện tử Văn hóa & Đời sống; Trang Thông tin điện tử chuyên biệt về video.
Ngoài ra, Báo và Đài Phát thanh - Truyền hình Thanh Hóa còn sản xuất các sản phẩm nội dung số đăng, phát trên các kênh, nền tảng số, mạng xã hội do Báo Thanh Hóa và Đài Phát thanh - Truyền hình Thanh Hóa hiện nay thiết lập, quản lý.
Về tổ chức bộ máy, biên chế, người lao động, trước khi sắp xếp, hợp nhất, hai cơ quan có 20 đầu mối trực thuộc với 305 viên chức và 66 lao động hợp đồng. Sau khi sắp xếp, hợp nhất, tổ chức bộ máy của Báo và Đài Phát thanh - Truyền hình Thanh Hóa có Ban Biên tập gồm Tổng Biên tập và các Phó Tổng Biên tập (do Ban Thường vụ Tỉnh ủy quyết định); 8 phòng và 1 trung tâm (giảm 11 đầu mối).
Các phòng trực thuộc Báo và Đài Phát thanh - Truyền hình Thanh Hóa gồm: Văn phòng, phòng Thời sự, phòng Thư ký - Biên tập, phòng Nội dung số, phòng Chuyên đề và Tiếng Dân tộc, phòng Văn nghệ - Thể thao và Giải trí, phòng Kỹ thuật và Công nghệ, phòng Thông tin - Quảng cáo.
Trung tâm trực thuộc Báo và Đài Phát thanh - Truyền hình Thanh Hoá có Trung tâm Dịch vụ Phát thanh – Truyền hình và Tổ chức sự kiện.

Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Doãn Anh phát biểu kết luận tại hội nghị.
Về cơ chế tài chính và mức độ tự chủ tài chính, trong năm 2025, giữ nguyên cơ chế tài chính như 2 cơ quan đang thực hiện, nhằm bảo đảm các chế độ, chính sách cho cán bộ, viên chức và người lao động. Từ năm 2026, trên cơ sở biên chế và chức năng, nhiệm vụ được giao, Báo và Đài Phát thanh - Truyền hình Thanh Hóa sẽ xây dựng định mức kinh tế - kỹ thuật dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước trong lĩnh vực báo chí theo quy định, trình cấp thẩm quyền xem xét quyết định để triển khai thực hiện.
Sau khi sắp xếp, hợp nhất, sẽ giảm 1 cơ quan báo chí, giảm 10 phòng trực thuộc và 1 trung tâm, đạt tỷ lệ 60%.
Tại hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Doãn Anh thống nhất với nội dung Đề án sắp xếp, hợp nhất Báo Thanh Hóa và Đài Phát thanh & Truyền hình Thanh Hóa, lấy tên là Báo và Đài Phát thanh - Truyền hình Thanh Hoá.
Đồng thời, khẳng định đây là chủ trương phù hợp với xu thế phát triển báo chí hiện đại, nhằm bảo đảm sự lãnh đạo thống nhất, toàn diện, đồng bộ của Ban Thường vụ Tỉnh ủy đối với hoạt động báo chí trong tỉnh. Trên cơ sở Đề án, giao Ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh ủy hoàn chỉnh để trình Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh tại hội nghị sắp tới. Qua hội nghị, một số nội dung quan trọng khác cũng đã được thông qua.
PV
Thường trực Chính phủ chỉ đạo tạo "cú hích, đòn bẩy, điểm tựa", mang lại tác động, hiệu quả lớn khu vực kinh tế tư nhân; thực hiện mục tiêu đến năm 2030 có 2 triệu doanh nghiệp và có ít nhất 20 Tập đoàn lớn tham gia chuỗi giá trị toàn cầu đa quốc gia.