Thu hẹp thâm hụt thương mại với Trung Quốc

Đầu tư và Tiếp thị
11:36 PM 12/09/2020

Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, trong tám tháng đầu năm 2020, thâm hụt thương mại của Việt Nam (VN) với Trung Quốc (TQ) thu hẹp đáng kể.

Thu hẹp thâm hụt thương mại với Trung Quốc - Ảnh 1.

Thâm hụt thương mại của Việt Nam với Trung Quốc thu hẹp đáng kể. Ảnh: ST

Cụ thể, nhập siêu từ TQ tám tháng đầu năm giảm 11,1% so với cùng kỳ, chỉ còn 22,3 tỉ USD.

Việc giảm nhập siêu từ TQ đã đóng góp vào con số thặng dư thương mại hàng hóa kỷ lục của Việt Nam trong tám tháng đầu năm nay, lên mức 11,9 tỉ USD Mỹ.

Còn theo Cục Xuất nhập khẩu thuộc Bộ Công Thương, xuất khẩu rau quả sang thị trường TQ giảm mạnh. Tính chung bảy tháng đầu năm, xuất khẩu rau quả sang TQ đạt 1,1 tỉ USD, giảm 29% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong khi đó, nhiều thị trường xuất khẩu rau quả khác của VN lại tăng trưởng. Đơn cử Hàn Quốc đạt 94 triệu USD, tăng 23%; Mỹ đạt 90 triệu USD, tăng 7%; Nhật Bản 79 triệu USD, tăng 12%.

Đặc biệt, xuất khẩu rau quả Việt sang Thái Lan tăng mạnh hơn 215% so với cùng kỳ khi đạt trên 88 triệu USD. Xuất khẩu sang Đài Loan cũng tăng hơn 73%, đạt 53 triệu USD. 

Xuất khẩu nông sản, rau quả của Việt Nam sang các thị trường khó tính như Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản… tăng mạnh và giảm dần ở thị trường TQ. Dù TQ vẫn là thị trường tiêu thụ lớn của nhiều mặt hàng Việt, nhất là nông sản nhưng gần đây, xuất khẩu sang thị trường này có xu hướng giảm dần. Đây là một tín hiệu tích cực, vì việc quá phụ thuộc vào thị trường này khiến doanh nghiệp Việt gặp rất nhiều rủi ro.

Nguyên nhân của việc giảm phụ thuộc vào thị trường TQ đầu tiên là do thị trường TQ không còn dễ tính. Nông sản Việt xuất sang thị trường này chủ yếu chỉ còn cửa chính ngạch, kèm theo nhiều tiêu chuẩn về vệ sinh thực phẩm, truy xuất nguồn gốc, vùng trồng được cấp phép. Đó là chưa kể quy cách đóng gói, bảo quản cũng thay đổi. Vì vậy, lượng trái cây xuất sang thị trường này cũng giảm.

Thứ hai là các doanh nghiệp đã có nhiều thay đổi trong tư duy sản xuất lẫn kinh doanh. Đơn cử như cây ăn trái trồng với quy mô lớn, theo các tiêu chuẩn khắt khe nên trái cây được xuất khẩu sang nhiều thị trường hơn, thay vì chỉ tập trung vào TQ như trước đây.

Trước đây, lượng trái cây xuất sang Mỹ, EU, Nhật rất ít nhưng hiện nay đã tăng rất mạnh về sản lượng. Nhờ vậy, các công ty Việt đã giảm dần phụ thuộc vào thị trường TQ và đây là xu hướng tích cực.

Không chỉ nông sản mà nhiều mặt hàng khác của VN cũng đang giảm dần phụ thuộc vào thị trường nước láng giềng. Giới kinh doanh cho rằng có nhiều nguyên nhân dẫn đến kết quả trên. Chẳng hạn, nhờ hàng loạt hiệp định thương mại tự do đã ký kết như Hiệp định Thương mại tự do VN - Liên minh châu Âu (EVFTA) giúp nhà kinh doanh VN có thêm thị trường mới. Từ đó đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, tăng được lượng hàng xuất khẩu cũng như đa dạng hóa đầu vào nguyên liệu.

Bên cạnh đó, dịch COVID-19 bùng phát cũng khiến chuỗi cung ứng toàn cầu bị đứt gãy vì phụ thuộc quá nhiều vào thị trường TQ. Chính vì vậy, không ít doanh nghiệp Việt tìm cách đa dạng hóa chuỗi cung ứng, khách hàng, đối tác kinh doanh nhằm giảm dần sự phụ thuộc vào TQ.

Xuân Bách
Ý kiến của bạn
Việt Nam tăng 2 bậc chỉ số Đổi mới sáng tạo toàn cầu Việt Nam tăng 2 bậc chỉ số Đổi mới sáng tạo toàn cầu

Năm 2024, Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới công bố Việt Nam tăng 2 bậc chỉ số Đổi mới sáng tạo toàn cầu so với năm 2023, xếp thứ 44/133 quốc gia, nền kinh tế.