Thu hồi hiệu lực Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố của TPBVSK của Công ty Hà Vy
Ngày 6/5/2025, Cục An toàn thực phẩm (ATTP) - Bộ Y tế đã ban hành Quyết định số 192/QĐ-ATTP về việc thu hồi hiệu lực Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm đối với ba sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe (TPBVSK) do Công ty TNHH Một Thành Viên Dịch vụ Thương mại Hà Vy (địa chỉ tại tỉnh Bình Phước) công bố.

Ba sản phẩm gồm: Trà thảo mộc Vy & Tea, Đào Hoa Ngọc và Smen.
Quyết định số 192/QĐ-ATTP ngày 6/5/2025 của Cục An toàn thực phẩm nêu rõ: Các giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm Trà thảo mộc Vy & Tea, Đào Hoa Ngọc và Smen không còn hiệu lực kể từ ngày ký. Việc thu hồi này đồng nghĩa với việc ba sản phẩm này không còn được phép lưu hành trên thị trường với danh nghĩa là thực phẩm bảo vệ sức khỏe đã được công bố theo quy định.

Quyết định số 192/QĐ-ATTP ngày 6/5/2025 của Cục An toàn thực phẩm, nguồn Cục An toàn thực phẩm https://vfa.gov.vn/
Theo Quyết định này, việc thu hồi hiệu lực Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm đối với ba sản phẩm của Công ty TNHH Một Thành Viên Dịch vụ Thương mại Hà Vy được thực hiện căn cứ theo Văn bản số 01 ngày 02/7/2023 của chính doanh nghiệp này, trong đó có đề nghị thu hồi các giấy tiếp nhận nói trên. Tuy nhiên, phải đến gần hai năm sau, cụ thể là ngày 6/5/2025, Cục An toàn thực phẩm mới ban hành quyết định chính thức.

Sản phẩm TPBVSK Trà thảo mộc Vy & Tea bị thu hồi hiệu lực Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố
Trong những năm gần đây, thực phẩm bảo vệ sức khỏe (TPBVSK), thường gọi là "thực phẩm chức năng", đã trở thành một ngành công nghiệp phát triển nhanh chóng tại Việt Nam. Với những lời quảng cáo "có cánh" như giảm cân, đẹp da, thải độc, tăng cường sinh lực..., TPBVSK đang trở thành thói quen sử dụng của người dân, đặc biệt là giới trẻ và người trung niên. Tuy nhiên, đằng sau sự tăng trưởng nóng ấy là một thị trường thiếu kiểm soát chặt chẽ và đang tồn tại nhiều nguy cơ tiềm ẩn với sức khỏe cộng đồng.
Nhiều người Việt Nam đang sử dụng TPBVSK mỗi ngày với hy vọng cải thiện sức khỏe. Thế nhưng, không ít người đã rơi vào cảnh "tiền mất, tật mang" khi sử dụng phải sản phẩm như: Có chứa chất cấm (như sibutramine - chất giảm cân bị cấm); có thành phần không đúng như công bố; gây tác dụng phụ nguy hiểm khi sử dụng lâu dài. Không chỉ thiệt hại về kinh tế, nguy hiểm hơn là ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe, vốn không thể đo đếm được bằng tiền.

Mới đây Cục An toàn thực phẩm đã phát đi thông báo về việc phát hiện sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe Dáng xuân Phục linh Gold và Best Slim Collagen có chứa chất cấm Sibutramine. Nguồn ảnh: Cục An toàn thực phẩm
Trong bối cảnh thị trường TPBVSK còn nhiều bất cập, người tiêu dùng nên trở thành người tiêu dùng thông thái:
Không tin tuyệt đối vào quảng cáo, đặc biệt là những lời hứa "thần kỳ" như giảm cân cấp tốc, trị bệnh nan y,...; Nên tìm hiểu kỹ nguồn gốc sản phẩm, ưu tiên sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng, từ các thương hiệu uy tín, được cơ quan y tế kiểm nghiệm; cảnh giác với mua hàng online không rõ nguồn gốc, nhiều sản phẩm giả, nhái được rao bán tràn lan trên mạng xã hội, sàn thương mại điện tử.
Sức khỏe không phải là món hàng để đánh cược. Và sự an toàn thực phẩm - đặc biệt là với các sản phẩm "gắn mác" bảo vệ sức khỏe - cần được kiểm soát nghiêm ngặt. Đây không chỉ là câu chuyện của một doanh nghiệp, mà là lời nhắc nhở toàn xã hội, từ cơ quan quản lý, doanh nghiệp đến người tiêu dùng, cần cùng nhau hành động quyết liệt để đẩy lùi vấn nạn thực phẩm không an toàn.
Châu Nguyên
Trước thông tin một số khách sạn tại Hà Nội "cháy phòng" trong dịp lễ Quốc khánh 2/9 tới, Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đặng Hương Giang cho biết, Hà Nội hiện còn nhiều cơ sở lưu trú sẵn sàng phục vụ khách du lịch.