Thu hơn 100 tỷ đồng từ livestream bán đặc sản OCOP
Đã có hơn 800 phiên livestream gắn logo Chợ phiên OCOP (sản phẩm thuộc chương trình "Mỗi xã một sản phẩm") được thực hiện xuyên suốt 6 tháng qua, thu hút hơn 300 triệu lượt xem và mang về doanh thu hơn 100 tỷ đồng cho ngành hàng OCOP.
Khởi động từ tháng 04/2023, Chợ phiên OCOP là sự kết hợp của Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp (Bộ Nông nghiệp và PTNT) và TikTok với mục tiêu nâng cao năng lực chuyển đổi số của các chủ thể có sản phẩm đạt chứng nhận OCOP trên sàn thương mại điện tử, đồng thời kết nối tạo ra lợi thế, điều kiện thuận lợi cho việc phát triển tiêu thụ nông sản ở Việt Nam.
Theo nền tảng TikTok, hơn 800 phiên live gắn logo Chợ phiên OCOP trong 6 tháng qua thu hút hơn 300 triệu lượt xem và mang về doanh thu hơn 100 tỷ đồng.
Với quy mô được đầu tư lớn cùng tần suất diễn ra đều đặn theo tuần, TikTok đã kết nối với hơn 500 nhà sáng tạo và nhà bán hàng uy tín để đưa sản phẩm OCOP đến gần hơn với cộng đồng, đẩy mạnh kết nối giao thương sản phẩm, từ đó góp phần lan toả rộng rãi giá trị văn hóa vùng miền.
Hashtag #OCOP cũng không ngừng phát triển với hơn 850 triệu lượt xem tính đến thời điểm hiện tại. Những kết quả khả quan này còn được ghi nhận từ các khoá hỗ trợ, tập huấn nâng cao kỹ năng số về sản xuất nội dung, quảng bá và tiếp thị, giới thiệu bộ giải pháp quảng cáo sáng tạo TikTok for Business do TikTok tổ chức cho hơn 3.000 người bán đến từ hơn 30 tỉnh, thành phố trên toàn quốc.
TikTok đã tích cực phối hợp với địa phương cùng các đối tác MCN như Vitamin Network, DC Media, Hotcom, Kolin, PTG, ACCESSTRADE… để tổ chức 25 sự kiện Chợ phiên nhằm tuyên truyền quảng bá du lịch nông thôn địa phương đến cộng đồng và bạn bè quốc tế như Bí xanh Ba Bể - Bắc Kạn, Vải thiều Lục Ngạn - Bắc Giang, Mận Phiêng Khoài - Nhãn Sông Mã Sơn La, Nông sản trong mây (Macca, Sầu Riêng) - Lâm Đồng; Xứ sở Sen Hồng (#cayxoainhatoi) - Đồng Tháp, Chiến dịch "Con hươu nhà tôi" - Hà Tĩnh, và tổ chức livestream các sự kiện tại Triển lãm nông nghiệp...
Ngoài ra, TikTok và các đối tác như Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), Cục Xúc tiến thương mại, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) đã và đang thí điểm xây dựng giải pháp số hóa một số làng nghề truyền thống và hỗ trợ hoạt động quảng bá các giá trị văn hóa dân tộc, loại hình thủ công mỹ nghệ cho các nghệ nhân thông qua các công cụ sáng tạo trên nền tảng.
Song song đẩy mạnh quảng bá du lịch, TikTok tiếp nối và ươm mầm phát triển kinh tế địa phương và chủ thể OCOP với chương trình Hạt Giống OCOP trên TikTok Shop. Khi các chủ thể tham gia chương trình, ngành hàng F&B TikTok Shop sẽ phối hợp trực tiếp cùng doanh nghiệp địa phương trau dồi, rèn luyện kỹ năng livestream, đánh giá kết quả và hướng dẫn tối ưu sau mỗi phiên livestream. Các doanh nghiệp sẽ được hỗ trợ các chính sách khác trong Chương trình Hạt Giống OCOP.
Kết quả bất ngờ, trong 2 tháng đẩy mạnh chương trình, TikTok đã ươm mầm thành công hơn 40 doanh nghiệp và chủ thể OCOP với những phiên live khởi điểm từ vài triệu lên đến vài trăm triệu chỉ trong vài giờ livestream, điển hình như Thịt chua Trường Foods, Mật Ong Phương Di, Tú Trinh Foods với doanh thu tăng trưởng hơn 120%. Ngoài ra, nhiều sản phẩm OCOP 3-4 sao đã đạt top ngành hàng F&B như trà cà gai leo, bún phở sấy dẻo, long nhãn ôm sen.
Bán hàng qua livestream có được lợi thế khi người dùng có thể mua sắm kết hợp giải trí (shoppertainment). Vì vậy, các chủ thể OCOP cần được xây dựng kỹ năng kể chuyện, nội dung thương hiệu…, ngoài ra cần giải quyết những khó khăn logistics vì nhiều sản phẩm OCOP hiện nay là các mặt hàng tươi sống hoặc thời gian bảo quản ngắn.
Việc hợp tác với mạng xã hội đóng vai trò quan trọng giúp giải bài toán lâu dài cho lĩnh vực sản xuất và tiêu thụ nông sản. Đồng thời, hợp tác góp phần củng cố và hiện thực hóa mục tiêu và định hướng của Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Với nguồn sản phẩm phong phú, hơn 10.000 sản phẩm OCOP hiện nay sẽ cần nhiều chương trình đẩy mạnh hơn nữa đầu ra cho sản phẩm qua kênh thương mại điện tử.
Minh An (t/h)Báo cáo của Brand Finance chỉ ra, Việt Nam đang đạt kỳ tích mới khi trở thành quốc gia thuộc nhóm có giá trị thương hiệu tăng trưởng nhanh nhất thế giới.