Thu hút FDI tại Đồng Nai, Hà Nội, Tiền Giang, TP. HCM ra sao trong 4 tháng đầu năm?
Theo số liệu từ Cục Đầu tư nước ngoài, tính đến 20/4/2021, tổng vốn FDI, trong đó gồm cả vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 12,25 tỷ USD. Theo đó, TP. HCM chiếm 9,5% với 1,14 tỷ USD; Hà Nội với hơn 154 triệu USD, Tiền Giang với gần 180 triệu USD...
Đồng Nai có thêm 6 dự án FDI tăng vốn đầu tư 245 triệu USD
Chiều ngày 28/4, Ban Quản lý các khu công nghiệp Đồng Nai đã tổ chức lễ trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 6 dự án có vốn FDI bổ sung thêm vốn cho các nhà máy trong các khu công nghiệp. Các dự án trên có tổng vốn đăng ký thêm gần 245 triệu USD.
Trong đó, những dự án có vốn lớn như: Dự án sản xuất cà phê của Công ty TNHH Nestlé Việt Nam (100% vốn đầu tư Thụy Sỹ) ở Khu công nghiệp Amata (TP. Biên Hòa) có vốn bổ sung thêm 132 triệu USD; Dự án Nhà máy Công ty TNHH Vacpro Việt Nam (vốn Singapore) Khu công nghiệp Nhơn Trạch 1 (H.Nhơn Trạch) sản xuất các loại máy hút bụi, máy lọc không khí, máy làm vườn tăng vốn khoảng 33 triệu USD...
Hà Nội có hơn 154 triệu USD vốn đăng ký và bổ sung dự án FDI
Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội cho biết, trong tháng 4, thành phố Hà Nội có 993 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, tăng 89% so với cùng kỳ năm trước; vốn đăng ký đạt 29,3 nghìn tỷ đồng, tăng 112%.
Lũy kế từ đầu năm đến hết tháng 4, thành phố có 8,5 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, tăng 10% so với cùng kỳ năm trước; vốn đăng ký đạt 95,2 nghìn tỷ đồng, giảm 19%; thực hiện thủ tục giải thể cho 1.160 doanh nghiệp, tăng 44%; 6,2 nghìn doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng hoạt động, tăng 22%; 4,9 nghìn doanh nghiệp hoạt động trở lại, tăng 106%.
Tỷ lệ hồ sơ đăng ký doanh nghiệp qua mạng được duy trì 100%, đảm bảo chất lượng và đúng hạn. Với số lượng doanh nghiệp thành lập mới 4 tháng đầu năm đã nâng tổng số doanh nghiệp trên địa bàn Thủ đô lên khoảng 303.000 doanh nghiệp, chiếm khoảng 23% so với cả nước.
Cũng trong tháng 4, thành phố Hà Nội có 25 dự án FDI được cấp phép mới với tổng vốn đăng ký đạt 11,9 triệu USD, trong đó có 21 dự án 100% vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài; 4 dự án liên doanh, liên kết. Bên cạnh đó, có 9 dự án được điều chỉnh tăng vốn đầu tư với số vốn đầu tư đăng ký đạt 21,3 triệu USD; nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua phần vốn góp đạt 12,1 triệu USD.
Lũy kế từ đầu năm đến ngày 23/4/2021, tổng vốn đăng ký của các dự án FDI thành lập mới và dự án bổ sung tăng vốn đạt 154,1 triệu USD, trong đó đăng ký mới 117 dự án với số vốn đạt 70,5 triệu USD; 43 dự án bổ sung tăng vốn đầu tư với 83,6 triệu USD; nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua phần vốn góp đạt 69,7 triệu USD.
Tiền Giang thu hút 4.158 tỷ đồng vốn đầu tư trong 4 tháng đầu năm 2021
Theo báo cáo của UBND tỉnh Tiền Giang, trong 4 tháng đầu năm 2021, tổng doanh thu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng trên địa bàn tỉnh thực hiện 22.981 tỷ đồng, đạt 32,7% kế hoạch và tăng 19,8% so với cùng kỳ.
Về xuất – nhập khẩu, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 1.099,9 triệu USD, đạt 33,8% kế hoạch năm, tăng 29%; nhập khẩu đạt 778,4 triệu USD, tăng 41,9% so cùng kỳ.
Về thu hút đầu tư, trong 4 tháng đầu năm nay, tổng vốn thu hút đầu tư vào tỉnh là 4.158 tỷ đồng, trong đó có 3 Dự án mới với tổng vốn đầu tư đăng ký 176,7 tỷ đồng và 3 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài điều chỉnh tăng vốn với tổng số vốn tăng thêm trên 3.981 tỷ đồng.
Về phát triển doanh nghiệp, lũy kế trong 4 tháng đầu năm, toàn tỉnh có 242 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng vốn đăng ký 1.600 tỷ đồng, tăng 9,5% về số doanh nghiệp và tăng 9,8% về số vốn so cùng kỳ năm 2020. Tính đến cuối tháng 4/2021, toàn tỉnh Tiền Giang có 6.465 doanh nghiệp hoạt động và 58.989 hộ kinh doanh đăng ký hoạt động.
TP. HCM hút thêm 1,14 tỷ USD vốn FDI trong 4 tháng đầu năm
Theo số liệu từ Cục Thống kê TP. HCM, trong 4 tháng đầu năm 2021, tổng vốn FDI vào TP. HCM đạt 1,14 tỷ USD, bao gồm vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài, giảm 12,92% so cùng kỳ năm trước.
Cụ thể, về cấp mới có 100 dự án cấp với vốn đăng ký đạt 360 triệu USD; trong đó, vốn đăng ký tập trung chủ yếu ở 2 ngành là thương nghiệp với 46 dự án, vốn đạt 225,1 triệu USD (chiếm 62,5% vốn cấp mới) và ngành kinh doanh bất động sản với 5 dự án, vốn đạt 125,8 triệu USD (chiếm 34,9%).
Đối với dự án điều chỉnh vốn đầu tư có 30 lượt dự án với số vốn tăng thêm là 403 triệu USD; trong đó, có 1 dự án đến từ nhà đầu tư Nhật Bản hoạt động ngành công nghiệp chế biến, chế tạo điều chỉnh tăng vốn là 270 triệu USD, chiếm 67% vốn điều chỉnh. Ngoài ra, đối với hoạt động góp vốn, mua cổ phần của các nhà đầu tư nước ngoài có 547 trường hợp với tổng vốn đạt 377,6 triệu USD.
Về ngành hoạt động, công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu với vốn đăng ký đạt 322 triệu USD, chiếm 28,2% tổng; kế đến là ngành thương nghiệp với vốn đạt 321,2 triệu USD, chiếm 28,1%; ngành kinh doanh bất động sản 196,3 triệu USD, chiếm 17,2%; hoạt động chuyên môn, khoa học và công nghệ 175,4 triệu USD, chiếm 15,4%; giáo dục và đào tạo đạt 30,3 triệu USD, chiếm 2,7%.
Về đối tác đầu tư, có 55 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư vào thành phố, trong đó Nhật Bản có vốn đầu tư là 494,4 triệu USD, Singapore 281,6 triệu USD, Hàn Quốc 97,7 triệu USD, Hà Lan 82,4 triệu USD, Trung Quốc 40,9 triệu USD…
Trong báo cáo cập nhật kinh tế mới nhất về Việt Nam, Standard Chartered dự báo kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng ở mức vừa phải, lãi suất được duy trì ở mức thấp. GDP của Việt Nam được kỳ vọng sẽ tăng trưởng ở mức 6,8% năm 2024, nhờ xuất khẩu và công nghiệp giữ đà tích cực.