Thu hút FDI vào công nghiệp chất bán dẫn: Động lực mới cho nền kinh tế
Nếu thu hút được đầu tư FDI vào lĩnh vực công nghiệp chất bán dẫn, kinh tế Việt Nam sẽ có một "làn gió" mới tạo động lực cho tăng trưởng cuối năm nay và các năm tiếp theo.
Các "đại bàng" đến xây tổ
Trải qua 30 năm thu hút FDI, Việt Nam trở thành một ngôi sao đang lên trong chuỗi cung ứng sản xuất toàn cầu. Trong khi phần lớn các dự án FDI ban đầu đổ vào hai lĩnh vực là dệt may và da giày thì đến nay, Việt Nam đã nhanh chóng thăng hạng trong chuỗi giá trị, phát triển thành trung tâm lắp ráp điện tử quan trọng.
Trong bối cảnh dòng vốn đầu tư suy thoái, Việt Nam đang nỗ lực thu hút dòng vốn đầu tư vào sản xuất chip và chất bán dẫn, những lĩnh vực mang lại hy vọng phục hồi cho Việt Nam khi chu kỳ kinh tế thay đổi.
Giá trị thị trường chất bán dẫn tại Việt Nam sẽ tăng khoảng 1,65 tỷ USD trong giai đoạn 2020 - 2025. Việc áp dụng ngày càng nhiều công nghệ IoT và công nghệ nhà thông minh thúc đẩy sự phát triển của thị trường chất bán dẫn tại Việt Nam và các nhà máy sản xuất linh kiện bán dẫn đang được xúc tiến để giải quyết tình trạng thiếu hụt toàn cầu.
Lĩnh vực bán dẫn Việt Nam đang thu hút sự quan tâm, hiện diện của ngày càng nhiều "ông lớn" hàng đầu thế giới… với những dự án từ hàng trăm triệu đến cả tỷ USD đầu tư xây dựng nhà máy, mở rộng sản xuất, lắp ráp...
Đặc biệt, khi nói tới đầu tư vào lĩnh vực chất bán dẫn không thể không nhắc tới Intel - một trong 3 nhà sản xuất bán dẫn hàng đầu thế giới, từ hơn 10 năm trước đã bắt đầu phát triển nhà máy Intel Products Vietnam tại Việt Nam, với quy mô 1 tỷ USD. Năm 2021, Intel đã tăng vốn đầu tư dự án này lên gần 1,5 tỷ USD và đang có kế hoạch đầu tư thêm để mở rộng nhà máy tại Việt Nam. Ước tính, nhà máy này đã chiếm hơn 50% tổng sản lượng của Intel trên toàn cầu.
Cùng với Intel, Samsung cũng tuyên bố kế hoạch sản xuất linh kiện bán dẫn ở Việt Nam. Việc sản xuất đại trà các sản phẩm lưới bóng chip bán dẫn của Nhà máy Samsung Electro-Mechanics Việt Nam tại Thái Nguyên dự kiến được thực hiện vào cuối năm 2023, sau khi công tác sản xuất thử nghiệm hoàn tất. Tổng vốn đầu tư trong lĩnh vực chất bán dẫn của Samsung tại Việt Nam đã tăng từ 607 triệu USD năm 2008 lên hơn 20 tỷ USD đến thời điểm hiện tại.
Gần đây nhất là Tập đoàn công nghệ Marvell Technology (Mỹ), một trong 25 tập đoàn dẫn đầu toàn cầu về thiết kế vi mạch bán dẫn và cung cấp cơ sở hạ tầng dữ liệu, vừa công bố kế hoạch mở trung tâm thiết kế chip tại Việt Nam có giá trị vốn hóa thị trường hơn 48 tỷ USD. Việc thành lập Trung tâm thiết kế vi mạch Marvell tại Việt Nam là một bước quan trọng nhằm thu hẹp khoảng cách nhân tài và thúc đẩy sự phát triển của ngành vi mạch Việt Nam.
Ngoài ra thị trường còn chứng kiến sự hiện diện của Hana Micron Vina, Amkor Technology, và nhiều công ty khác, tích cực đầu tư vào các dự án trong lĩnh vực chất bãn dẫn.
Với sự sôi động của các dự án, một số chuyên gia trong ngành cho rằng Việt Nam đang nổi lên như một trung tâm sản xuất của nhiều doanh nghiệp bán dẫn thế giới và có thể sẽ tiếp tục sôi động hơn.
Tập trung thu hút FDI vào công nghệ chất bán dẫn
Một chuyên gia công nghệ nhìn nhận, việc các công ty thiết kế vi mạch của Hàn Quốc đi theo Samsung vào Việt Nam như một số công ty gần đây cho thấy quy mô của ngành điện tử Việt Nam đã đủ lớn để kéo theo sự phát triển của ngành vi mạch bán dẫn, đầu tiên là trong các khâu thiết kế và đóng gói…
Ngành công nghiệp bán dẫn ở Việt Nam đang mở ra những cơ hội phát triển, thu hút đầu tư. Việt Nam được đánh giá có hệ sinh thái bán dẫn phát triển nhanh, tiềm năng nâng cao vị trí trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Việc thúc đẩy một hệ sinh thái doanh nghiệp hỗ trợ sẽ giúp Việt Nam thu hút các doanh nghiệp lớn trong ngành chip bán dẫn.
Tại Việt Nam, công nghiệp bán dẫn được coi là nền tảng hỗ trợ và đẩy mạnh sự phát triển của các ngành công nghiệp khác, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế theo chiều sâu. Đây cũng là ngành kinh tế được Chính phủ xác định có sản phẩm nằm trong 9 sản phẩm thuộc Danh mục sản phẩm quốc gia thực hiện từ năm 2012 theo Quyết định số 439/QĐ-TTg ngày 16/4/2012 của Thủ tướng Chính phủ, và là phương thức quan trọng để chuyến hóa các thành tựu khoa học công nghệ thành hàng hóa thương mại có giá trị gia tăng cao.
Do đó, tham gia thị trường bán dẫn toàn cầu, Việt Nam sẽ có được các cơ hội tỷ USD. Dự báo đến năm 2024, công nghiệp bán dẫn Việt Nam sẽ vượt giá trị 6,16 tỷ USD.
Để không bỏ lỡ cơ hội tỷ USD, Chính phủ đã giao Bộ Kế hoạch & Đầu tư nghiên cứu, xây dựng một đề án về thu hút đầu tư và phát triển công nghiệp sản xuất chip điện tử, nhằm tạo động lực phát triển mới.
Ông Đỗ Nhất Hoàng - Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch & Đầu tư) chia sẻ trên báo chí, để thu hút dòng vốn sản xuất chip, linh kiện và vật liệu bán dẫn, thời gian tới, Chính phủ sẽ ban hành những chính sách để thúc đẩy thu hút đầu tư trong một số lĩnh vực có tiềm năng, tạo sự bứt phá như công nghệ cao, bán dẫn, đổi mới sáng tạo.
Vấn đề chiến lược đặt ra với Việt Nam là làm thế nào để tận dụng được sự dịch chuyển của chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng toàn cầu đang diễn ra hết sức mạnh mẽ và để tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng toàn cầu của ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn.
Quan trọng tại thời điểm này chúng ta cần tiếp tục chú trọng các khâu thiết kế và đóng gói vi mạch bán dẫn, trong đó đẩy mạnh việc thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài, đặc biệt là các nhà đầu tư chiến lược, có vai trò trọng yếu trong chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng toàn cầu là nhiệm vụ chiến lược. Bên cạnh đó, thúc đẩy hình thành các doanh nghiệp trong nước có khả năng phát triển các sản phẩm điện tử, vi mạch “Make in Viet nam” phục vụ cho các thị trường ngách trong nước, từng bước hướng đến xuất khẩu.
Một số chuyên gia cũng khuyến nghị, Việt Nam cần mở rộng quy mô và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn. Đồng thời tăng cường đầu tư cho đào tạo, khoa học và công nghệ và thu hút đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học người Việt tại các nước tiên tiến, đặc biệt là tại thung lũng Silicon trở về trong nước để tham gia phát triển các ngành điện tử, vi mạch bán dẫn.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, Việt Nam cũng cần cẩn trọng với các đối thủ trong khu vực và trên thế giới. Cho dù làn sóng dịch chuyển đang diễn ra mạnh mẽ, là cơ hội cho Việt Nam thu hút vốn đầu tư FDI nhưng nếu không sớm có chính sách phù hợp với thông lệ và đủ sức cạnh tranh quốc tế liên quan đến việc thực thi thuế tối thiểu toàn cầu, Việt Nam sẽ khó thu hút đầu tư trong lĩnh vực công nghệ cao, các dự án quy mô lớn.
Minh An (t/h)Công ty CP Vận tải đường sắt cho biết tổ chức chạy tăng cường thêm nhiều chuyến tàu tuyến Bắc - Nam phục vụ người dân về quê, đón tết Nguyên đán 2025.