Thu ngân sách Nhà nước 5 tháng đạt 57,1% dự toán
Theo báo cáo của Bộ Tài chính, thu ngân sách nhà nước (NSNN) tháng 5 ước đạt 132,58 nghìn tỷ đồng, lũy kế 5 tháng đạt 806,4 nghìn tỷ đồng, bằng 57,1% dự toán, tăng 18,7% so với cùng kỳ năm 2021 (ngân sách trung ương ước đạt 58% dự toán, ngân sách địa phương ước đạt 56,1% dự toán).
Tổng chi cân đối NSNN tháng 5 ước đạt 128.100 tỷ đồng; lũy kế chi 5 tháng đạt 589.100 tỷ đồng, bằng 33% dự toán, tăng 3,7% so với cùng kỳ năm 2021.
Trong đó, chi đầu tư phát triển ước đạt 115.900 tỷ đồng, bằng 22% dự toán Quốc hội quyết định; chi trả nợ lãi ước đạt gần 43.600 tỷ đồng, bằng 42% dự toán; chi thường xuyên ước đạt gần 428.400 tỷ đồng, bằng 38,6% dự toán.
Về cân đối NSNN, cân đối ngân sách trung ương và ngân sách các cấp địa phương được đảm bảo. Trong 5 tháng đầu năm, đã thực hiện phát hành 53,8 nghìn tỷ đồng trái phiếu Chính phủ với kỳ hạn bình quân 15,37 năm, lãi suất bình quân 2,42%/năm.
Về thu thuế xuất nhập khẩu, số thu thuế xuất nhập khẩu trong tháng 5/2022 đạt 36,826 nghìn tỷ đồng; lũy kế 5 tháng đầu năm 2022 tổng số thu thuế xuất khẩu được 186,649 nghìn tỷ đồng, đạt 53% dự toán, đạt 50,4% so chỉ tiêu phấn đấu, tăng 16,8% cùng kỳ.
Tính đến ngày 6/6, tổng thu ngân sách ngành Hải quan đạt 193.223 tỷ đồng, xấp xỉ 59% so với dự toán.
Tổng thu ngân sách nhà nước do cơ quan thuế thực hiện tháng 5 đạt xấp xỉ 100 nghìn tỷ đồng, lũy kế 5 tháng 672,878 nghìn tỷ đồng, đạt 57,3% dự toán, so với cùng kỳ đạt 116,5%.
Theo Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Cao Anh Tuấn, số thu 5 tháng đầu năm 2022 đạt khá so với cùng kỳ năm ngoái do phát sinh những khoản thu tăng đột biến như: thu cổ tức của 2 ngân hàng, thu dầu thô, thu khác ngân sách, hoạt động chuyển nhượng vốn của một số đơn vị…
Bộ Tài chính cho hay số thu từ hầu hết các sắc thuế đều tăng trưởng 2 con số. Đơn cử thuế giá trị gia tăng ước đạt 49,8% dự toán, tăng hơn 12% so với cùng kỳ, mặc dù chịu tác động giảm thu do thực hiện chính sách giảm thuế suất từ 10% xuống 8% theo nghị định số 15.
Thuế thu nhập doanh nghiệp ước đạt 60,8% dự toán, thuế thu nhập cá nhân ước đạt 68,3% dự toán, tăng lần lượt 11% và 24,1% so với cùng kỳ...
Tại Hội nghị Đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ chương trình công tác tháng 5/2022, kế hoạch triển khai thực hiện nhiệm vụ chương trình công tác tháng 6/2022, Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai cho rằng, trong 5 tháng, tình hình thực hiện nhiệm vụ thu, chi ngân sách, đặc biệt là thu ngân sách đạt kết quả khá, đồng đều toàn diện và đây cũng là năm đạt tỉ lệ theo dự toán có tăng trưởng khá cao so với cùng kỳ.
Kết quả này góp phần quan trọng vào cân đối ngân sách chung và cân đối nền kinh tế, giúp ổn định cũng như phát triển nền kinh tế trong bối cảnh thực hiện nhiều chính sách phục hồi kinh tế như đã miễn, giảm, giãn các khoản thuế, phí để hỗ trợ sản xuất kinh doanh.
Để thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế, ngành Tài chính đã tiếp tục tăng cường thực hiện cải cách thủ tục hành chính và hiện đại hóa. Đặc biệt là những hệ thống lớn như: thuế, hải quan, kho bạc nhà nước là những hệ thống trực tiếp phục vụ người dân và doanh nghiệp, các tổ chức kinh tế, cơ quan nhà nước đã tập trung hiện đại hóa, qua đó giảm thời gian, chi phí, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp.
Đề cập tới nhiệm vụ tháng 6/2022 và những tháng tiếp theo, Thứ trưởng Vũ Thị Mai đã đề nghị các đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ Tài chính tập trung thực hiện tốt các nhiệm vụ được nêu cụ thể trong báo cáo giao ban, đồng thời cập nhật, thông báo đầy đủ nội dung đã trao đổi.
Thứ trưởng Vũ Thị Mai lưu ý các đơn vị tập trung thực hiện hoàn thành xây dựng cơ chế chính sách theo chương trình, kế hoạch của Chính phủ, của Bộ Tài chính.
Bình An (t/h)Việt Nam có thể đạt tăng trưởng GDP 6,6% trong năm 2025, nằm trong nhóm quốc gia tăng trưởng cao nhất châu Á.