Thu ngân sách Nhà nước năm 2022 vượt dự toán gần 20%
Ngày 19/12, tại Hà Nội, Bộ Tài chính tổ chức Hội nghị tổng kết công tác tài chính - ngân sách nhà nước năm 2022 và triển khai nhiệm vụ năm 2023.
Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Hội nghị và triển khai nhiệm vụ năm 2023 của Bộ Tài chính.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, năm 2022, được sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, kịp thời của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính cùng các bộ, ngành, địa phương đã thực hiện nhiệm vụ tài chính - ngân sách nhà nước thu được nhiều thắng lợi.
Đến nay, thu ngân sách nhà nước ước đạt 1.691 nghìn tỷ đồng, vượt dự toán hơn 19% và vượt so với cùng kỳ năm 2021 hơn 18%. Số thu này trong bối cảnh thực hiện chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí trị giá khoảng 233 nghìn tỷ đồng là thắng lợi to lớn của ngành Tài chính.
Trong số đó, thu ngân sách trung ương vượt 19,3% dự toán, thu ngân sách địa phương vượt 20,4% dự toán.
Ngành Tài chính cũng đã rất nỗ lực chuyển đổi số theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Vừa qua, cơ quan thuế đã thực hiện phát hành hóa đơn điện tử, đến nay 100% doanh nghiệp, hộ kinh doanh đã sử dụng hóa đơn điện tử; 2,1 tỷ hóa đơn điện tử đã được phát hành, tạo thuận lợi cho công tác kiểm soát hoàn thuế, chống gian lận, trốn thuế và buôn lậu.
Theo số liệu của Bộ Tài chính, thu ngân sách nhà nước đạt cao là nhờ kinh tế đã phục hồi đà tăng trưởng, dự kiến GDP năm 2022 tăng khoảng 7,5%, cao hơn kế hoạch đề ra. Trong năm 2022, Bộ Tài chính cũng đã thực hiện nhiều chính sách miễn, giảm, gia hạn nhiều khoản thuế, phí, lệ phí, giúp doanh nghiệp thúc đẩy sản xuất kinh doanh, nhờ đó có số thu đóng góp về cho ngân sách. Tổng số tiền miễn, giảm, gia hạn dự kiến khoảng hơn 233.000 tỷ đồng. Khoản này nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân, kiểm soát lạm phát, hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế xã hội theo Nghị quyết 43/2022/QH15 của Quốc hội và Nghị quyết 11/NQ-CP của Chính phủ.
Cũng theo Bộ Tài chính, tổng số chi NSNN đến ngày 15/12/2022 ước đạt xấp xỉ hơn 1,4 triệu tỷ đồng, bằng 81,2% dự toán. Trong đó, chi đầu tư đạt 72,4% dự toán, chi thường xuyên đạt 88,1% dự toán Các khoản chi đáp ứng kịp thời nhiệm vụ chi phát sinh theo tiến độ thực hiện của đơn vị sử dụng ngân sách và khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh, đảm bảo quốc phòng, an ninh, an sinh xã hội và thanh toán đầy đủ các khoản nợ đến hạn.
Ngân sách trung ương đã chi từ dự phòng (bao gồm dự phòng năm 2021 chuyển sang) gần 5,2 nghìn tỷ đồng, trong đó chủ yếu là bổ sung kinh phí phòng, chống dịch Covid-19 cho Bộ Quốc phòng (729,8 tỷ đồng) và hỗ trợ cho các địa phương (3.697 tỷ đồng) kinh phí phòng, chống dịch và hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch COVID-19, hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh. Ngoài ra, đã thực hiện tạm cấp bổ sung gần 4,3 nghìn tỷ đồng cho 30 địa phương để thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động theo Quyết định số 08/2022/QĐ-TTg ngày 28/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ.
Trong bối cảnh thu ngân sách còn nhiều khó khăn, phải dành nguồn để hỗ trợ cho người dân và doanh nghiệp thì việc triệt để tiết kiệm chi tiêu là hết sức cần thiết. Về phát hành trái phiếu Chính phủ, bằng 50,8% nhu cầu huy động trái phiếu Chính phủ đầu năm; kỳ hạn phát hành bình quân 12,67 năm, lãi suất bình quân 3,41%/năm.
Bộ Tài chính nhận định, năm 2022 trong bối cảnh tình hình kinh tế - xã hội có nhiều khó khăn, ngành tài chính đã hoàn thành xuất sắc, toàn diện các nhiệm vụ tài chính - ngân sách nhà nước, điều hành chính sách tài khóa chủ động, linh hoạt.
Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhiệt liệt biểu dương và đánh giá cao những nỗ lực, quyết tâm chung của lãnh đạo, công chức, viên chức, người lao động ngành tài chính, các địa phương đã nỗ lực, góp phần vào thành công chung của cả nước.
Thủ tướng nhấn mạnh một số bài học kinh nghiệm, nhất là về giữ vững và phát huy đoàn kết, thống nhất; bám sát tình hình, phản ánh chính sách kịp thời, hiệu quả; kết hợp hài hòa, hợp lý, hiệu quả giữa chính sách tài khóa với chính sách tiền tệ và các chính sách khác; đẩy mạnh chuyển đổi số; tập trung xây dựng và hoàn thiện thể chế, kịp thời phát hiện, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc. Thủ tướng Phạm Minh Chính tin tưởng, năm 2023 ngành tài chính có nhiều đổi mới sáng tạo, quyết liệt, hiệu quả, vượt qua khó khăn, thách thức và hoàn thành xuất sắc hơn, toàn diện hơn, bao trùm hơn các mục tiêu, nhiệm vụ tài chính – ngân sách Nhà nước so với năm 2022
Thay mặt toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ngành Tài chính, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc khẳng định, ngành Tài chính sẽ quyết tâm, nỗ lực phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm 2023.
Bộ trưởng trân trọng cảm ơn Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã quan tâm chỉ đạo và các bộ, ngành, địa phương đã tích cực phối hợp cùng ngành Tài chính thực hiện tốt nhiệm vụ được giao. "Ngành Tài chính đạt được những thành tích như hiện nay là nhờ sự chỉ đạo sát sao quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và sự phối hợp tích cực của các bộ, ngành, địa phương", Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nhấn mạnh.
Cũng tại hội nghị, thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã trao tặng Huân chương Lao động Hạng Nhất của Chủ tịch nước cho Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Đặng Ngọc Minh vì đã có thành tích xuất sắc trong công tác từ năm 20217-2021, góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Cùng được trao tặng Huân chương Lao động Hạng Nhất của Chủ tịch Nước còn có Cục trưởng Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại Trương Hùng Long, nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp chế ông Ngô Hữu Lợi, nguyên Vụ trưởng Vụ Đầu tư ông Trần Đình Lợi.
Mai PhươngBáo cáo từ Bộ Tài chính cho biết, ước giải ngân vốn đầu tư công của cả nước đến hết tháng 11 là 410.953,1 tỷ đồng, đạt 60,43% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.