Thu ngân sách tháng 9 của TP.HCM giảm sâu, chỉ còn 600 tỷ đồng/ngày: 'Kinh tế thành phố đang đứng trước tình huống chưa từng có'
Ngày 2/10/2021, tại buổi tiếp xúc cử tri doanh nghiệp trực tuyến của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, và một số đại biểu Quốc hội đoàn TP.HCM, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan nhấn mạnh, thu ngân sách tháng 9 của TP.HCM giảm còn hơn 600 tỷ đồng mỗi ngày, so với mức 1.800 tỷ của bình quân 6 tháng đầu năm.
Các chỉ tiêu phát triển kinh tế TP.HCM giảm sâu
Phát biểu tại buổi đối thoại, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết, thành phố đã bàn kế hoạch nới lỏng giãn cách xã hội để phục hồi và phát triển kinh tế. Các ngành kinh tế đều có bộ tiêu chí an toàn và từng lĩnh vực đều có chuẩn bị các phương án để thực hiện. Sắp tới, TP.HCM sẽ làm việc riêng với Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM để triển khai các nội dung này.
Đồng thời, theo ông Võ Văn Hoan, quan điểm của TP.HCM trong Chỉ thị 18 là một mặt bảo vệ sức khỏe người dân, một mặt cũng quan tâm bảo vệ "sức khỏe" của kinh tế, trong đó có "sức khỏe" của doanh nghiệp. TP.HCM xem bảo vệ sức khỏe người dân và bảo vệ "sức khỏe" doanh nghiệp, kinh tế là hai mặt trận của cuộc chiến phòng chống dịch Covid-19.
Phó Chủ tịch UBND TP.HCM khẳng định: "Chúng tôi không thể nào xem trọng một mặt trận mà bỏ quên mặt trận khác".
Phó Chủ tịch TP.HCM nêu rõ, sức khỏe của doanh nghiệp và nền kinh tế TP.HCM đang đứng trước tình huống rất khó khăn và thách thức. Các chỉ tiêu phát triển kinh tế TP.HCM 9 tháng đầu năm giảm rất sâu. Đặc biệt, có các ngành thương mại, dịch vụ, công nghiệp giảm rất sâu, thậm chí du lịch trong nhiều tháng có doanh số bằng 0. Thu ngân sách thành phố năm 2021 có khả năng sẽ không hoàn thành nhiệm vụ.
Ông Võ Văn Hoan lấy dẫn chứng, bình quân 6 tháng đầu năm, mỗi ngày TP.HCM thu khoảng 1.800 tỷ nhưng tháng 7-8 năm nay, mức thu chỉ đạt 700 tỷ, và đến tháng 9 giảm còn hơn 600 tỷ đồng. Đây là mức giảm sâu hơn 50% so với bình thường.
Nguyên nhân xuất phát từ việc, doanh nghiệp không sản xuất, không có nguồn thu nên TP.HCM không thu được ngân sách. GRDP của TP.HCM đến tháng 9/2021 dự kiến sẽ giảm sâu, khoảng -5,6%.
Để phục hồi kinh tế, ông Võ Văn Hoan nhấn mạnh, không thể hôm nay mở cửa là phục hồi ngay mà cần thời gian 6 tháng đến một năm để trở lại trạng thái bình thường.
Trong hỗ trợ, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM nêu ý kiến, việc ban hành một chính sách chung rất khó áp dụng cho từng nhóm doanh nghiệp, nên cần phân loại từng nhóm. Ví dụ, một doanh nghiệp đã đóng cửa và chuẩn bị phá sản, giống như chết lâm sàng, phải có chính sách riêng. Doanh nghiệp đóng cửa tạm thời cũng phải có chính sách khác doanh nghiệp đang sản xuất.
Về thời hạn hỗ trợ, ông Võ Văn Hoan kiến nghị, việc "năm nào hỗ trợ năm đó" không hiệu quả mà cần có tầm nhìn xa hơn. Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp có thể kéo dài thêm 6 tháng hoặc một năm, tránh tình trạng hỗ trợ giật cục khiến doanh nghiệp không yên tâm.
Phó Chủ tịch TP.HCM cho rằng, nên coi Covid-19 là trường hợp bất khả kháng để TP.HCM có căn cứ hỗ trợ doanh nghiệp với mức cao hơn. Vừa qua, Chính phủ quyết định giảm tiền thuê đất năm 2021 chỉ 30%. Nếu coi đại dịch là bất khả kháng thì doanh nghiệp TP.HCM sẽ được hưởng mức hỗ trợ 50%.
Riêng với doanh nghiệp dịch vụ, du lịch, lữ hành, Phó Chủ tịch Võ Văn Hoan đề xuất, cho hưởng mức hỗ trợ 100% tiền thuê đất của năm 2021 và 2022, vì họ gần như không có doanh thu trong suốt 2 năm qua.
Kiến nghị dùng nguồn nợ công hỗ trợ
Phát biểu tại cuộc họp, Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Nguyễn Thiện Nhân cho biết, TP.HCM tăng trưởng âm là điều chưa từng có, cả nước cũng có tăng trưởng thấp nhất trong những năm vừa qua.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp còn hoạt động chỉ chiếm khoảng 20%. Doanh nghiệp duy trì dòng tiền cầm cự được 1 tháng chiếm trên 40%, từ 1-3 tháng chiếm 45%, chỉ 15% doanh nghiệp còn nguồn tài chính duy trì hoạt động trên 3 tháng, đây là những tình thế hết sức đặc biệt. Đồng thời, khi các công ty, doanh nghiệp không hoạt động, người lao động không có việc làm dẫn tới thu nhập không còn.
ĐBQH Nguyễn Thiện Nhân nhìn nhận, kinh tế xã hội TP.HCM đang đứng trước tình huống đặc biệt chưa từng có trong lịch sử phát triển. Cho nên về nguyên tắc, tình huống chưa từng có thì cần giải pháp cũng chưa từng có.
Đồng thời, ông Nguyễn Thiện Nhân lưu ý, cần hỗ trợ để doanh nghiệp duy trì dòng tiền tệ để hoạt động, giữ chân, hỗ trợ người lao động, người dân. Khi người dân, người lao động có tiền thì mới kích cầu sản xuất hàng tiêu dùng, nghĩa việc hỗ trợ tiền cho người dân, người lao động rất quan trọng.
Theo ĐBQH Nguyễn Thiện Nhân, hiện nay, Chính phủ đã có kế hoạch và đang chi khoảng 100.000 tỷ đồng để hỗ trợ. Đây là nỗ lực rất lớn trong việc hỗ trợ người dân, doanh nghiệp,… Tuy nhiên, con số hỗ trợ này vẫn chưa đủ nhu cầu thực tế.
Ông Nguyễn Thiện Nhân lấy dẫn chứng khi nghiên cứu, qua tìm hiểu ở 14 quốc gia trên thế giới, nhiều nước chi hỗ trợ rất lớn, họ dùng nợ công để chi hỗ trợ phát triển kinh tế. Trong đó, chia làm 3 nhóm, đối với nhóm 5 nước phát triển ở châu Âu có nợ công tăng bình quân 20,6% để cứu nền kinh tế, nhóm 4 nước phát triển ngoài châu Âu có nợ công tăng 18,8%, và 5 nước ở châu Á tăng trưởng chung giảm 9%, nợ công tăng 12,8%.
Tại Việt Nam, trong 2 năm vừa qua nợ công tăng 0,5%. Từ kinh nghiệm các nước, ĐBQH Nguyễn Thiện Nhân kiến nghị, đề xuất có gói hỗ trợ ít nhất 6,5% GDP, chủ yếu từ nguồn nợ công (khoảng 410.000 tỷ đồng) để chi hỗ trợ doanh nghiệp, hỗ trợ người dân, người lao động. Do đó, cần có Nghị quyết riêng sử dụng nợ công trong tình hình suy giảm kinh tế rất đặc biệt thế này.
Hồng NhuậnNăm 2024, tiền lương, thu nhập của người lao động tăng, thu nhập bình quân của người lao động hưởng lương đạt khoảng 8,5 triệu đồng/tháng, tăng 1,9 triệu đồng so với năm 2020, đời sống của người lao động có sự cải thiện.