Thu nhập bình quân của người lao động đạt 7,5 triệu đồng/tháng
Tính chung 6 tháng đầu năm 2024, thu nhập bình quân của người lao động là 7,5 triệu đồng/tháng, tăng 7,4%, tương ứng tăng 519 nghìn đồng so với cùng kỳ năm trước.
Thông cáo báo chí về tình hình lao động việc làm Quý II và 6 tháng đầu năm 2024 trên trang Thông tin điện tử Tổng cục Thống kê cho biết, thu nhập bình quân của người lao động Quý II/2024 là 7,5 triệu đồng/tháng, giảm 137 nghìn đồng so với Quý I/2024 và tăng 490 nghìn đồng so với cùng kỳ năm 2023. Nguyên nhân là các khoản phụ trội bổ sung, tiền thưởng, phúc lợi dịp Tết Nguyên đán thường được chi trả dịp đầu năm.
Trong đó, thu nhập bình quân của lao động nam là 8,5 triệu đồng/tháng, lao động nữ là 6,3 triệu đồng/tháng; thu nhập bình quân của lao động ở khu vực thành thị là 9 triệu đồng/tháng, khu vực nông thôn là 6,5 triệu đồng/tháng.
Tính chung sáu tháng đầu năm 2024, thu nhập bình quân của người lao động là 7,5 triệu đồng/tháng, tăng 7,4%, tương ứng tăng 519 nghìn đồng so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, thu nhập bình quân của lao động nam là 8,5 triệu đồng/tháng, lao động nữ là 6,4 triệu đồng; thu nhập bình quân của lao động ở khu vực thành thị là 9,1 triệu đồng/tháng, khu vực nông thôn là 6,5 triệu đồng/tháng.
Thu nhập bình quân tháng tăng ở hầu hết ngành kinh tế, trong đó một số ngành trội hơn gồm: cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải 9,1 triệu (tăng 17,4%); sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước 11,2 triệu (tăng 15,2%); tài chính, ngân hàng và bảo hiểm 12,4 triệu (tăng 10,6%); kinh doanh bất động sản 11,2 triệu (tăng 6,9%).
Cũng theo báo cáo, thị trường lao động nửa đầu năm nay cũng có điểm sáng khi lao động có việc làm đạt 51,4 triệu người, tăng 195,7 nghìn người so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khu vực thành thị là 19,7 triệu người, tăng 687,9 nghìn người so với cùng kỳ năm trước; khu vực nông thôn là 31,7 triệu người, giảm 492,2 nghìn người.
Nhìn chung, theo Tổng cục Thống kê, lao động có việc làm có xu hướng tăng nhưng thị trường lao động phát triển chưa bền vững khi số lao động có việc làm phi chính thức chiếm tỷ trọng lớn. Tính chung sáu tháng đầu năm 2024, tỷ lệ lao động có việc làm phi chính thức là 65%, tăng 0,2 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước.
Theo Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 6 tháng đầu năm cũng tăng 4,08% so với cùng kỳ năm 2023. Chỉ số này tăng do nhiều yếu tố, đáng kể là giá nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 4%. Trong đó riêng lương thực tăng 15,76%; thực phẩm 2,05%; ăn uống ngoài gia đình tăng 4,13%.
Chỉ số giá nhóm nhà ở, điện nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 5,5%. Trong đó giá nhà ở thuê và nhà chủ sở hữu tăng 4,95%; giá điện tăng 9,45%; nước sinh hoạt 10,15%; vật liệu bảo dưỡng nhà ở tăng 1,87%. Chỉ số giá nhóm giáo dục tăng 8,58% do một số tỉnh thành tăng mức học phí năm học 2023 - 2024. Nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 7,07%.
Nhằm kiềm chế lạm phát, Tổng cục Thống kê kiến nghị cấp thẩm quyền xem xét không điều chỉnh nhiều loại giá dịch vụ do nhà nước quản lý cùng một thời điểm, tránh cùng lúc với tăng lương cơ sở từ ngày 1/7. Việc điều chỉnh giá các mặt hàng do nhà nước quản lý cũng không nên dồn vào các tháng cuối năm, thời điểm nhu cầu tiêu dùng tăng cao.
Huyền My (t/h)Khi cái lạnh mùa đông tràn về, không ít du khách chọn cách “chạy trốn” rét buốt để tìm đến những miền đất ấm áp, rực rỡ ánh đèn lễ hội.