Thu nhập bình quân của người lao động quý IV/2022 tăng 95.000 đồng/tháng so với quý trước
Tại buổi Họp báo về tình hình lao động việc làm quý IV và năm 2022 diễn ra sáng 10/1, Tổng cục Thống kê cho biết, thu nhập bình quân tháng của người lao động quý IV/2022 là 6,8 triệu đồng, tăng 95.000 đồng so với quý trước và tăng 1,5 triệu đồng so với cùng kỳ năm trước.
Trong quý IV/2022, thu nhập bình quân của lao động nam là 7,8 triệu đồng, tăng 105.000 đồng/tháng so với quý trước và tăng 1,6 triệu đồng so với cùng kỳ năm trước; thu nhập bình quân của lao động nữ là 5,8 triệu đồng, tăng 83.000 đồng/tháng so với quý trước và tăng 1,4 triệu đồng so với cùng kỳ năm trước.
Quý III/2022, thị trường lao động chứng kiến đà phục hồi nhanh, mạnh mẽ, thu nhập bình quân của người lao động liên tục tăng, được cải thiện từ quý I đến quý III/2022. Đến quý IV/2022 thu nhập bình quân của người lao động tiếp tục tăng so với quý trước, nhưng với tốc độ tăng chậm lại so với cùng kỳ năm trước.
Tốc độ tăng thu nhập bình quân của lao động quý trong III/2022 so với quý II/2022 là 2,2% (tương ứng tăng 143.000 đồng). Trong khi, tốc độ tăng thu nhập bình quân tháng của lao động trong quý IV/2022 so với quý III/2022 là 1,4% (tương ứng tăng 95.000 đồng).
Thu nhập bình quân của lao động làm công hưởng lương trong quý IV/2022 là 7,7 triệu đồng, tăng 0,92%, tương ứng tăng 71.000 đồng so với quý trước. So với cùng kỳ năm 2021, thu nhập bình quân của lao động làm công hưởng lương trong quý IV/2022 tăng 25,4%, tương ứng tăng 1,6 triệu đồng.
Quý IV/2022, lao động nam làm công hưởng lương có thu nhập bình quân tháng là 8,1 triệu đồng, cao hơn 1,14 lần thu nhập bình quân của lao động nữ (7,1 triệu đồng). Thu nhập bình quân tháng của lao động làm công hưởng lương làm việc ở khu vực thành thị cao hơn 1,22 lần so với lao động làm việc ở khu vực nông thôn, tương ứng 8,6 triệu đồng so với 7 triệu đồng.
Kết quả tổng hợp nhanh từ khảo sát mức sống dân cư năm 2022 của Tổng cục Thống kê cho thấy, thu nhập bình quân đầu người/tháng năm 2022 đã được cải thiện hơn so với năm 2020 và 2021 (thu nhập bình quân đầu người/tháng năm 2020 và 2021 đều giảm), khi ước tính đạt 4,6 triệu đồng/người/tháng, tăng khoảng 405.000 đồng, tương ứng tăng 9,5% so với thu nhập bình quân đầu người/tháng trong năm 2021.
Kết quả khảo sát cũng cho thấy, cơ cấu thu nhập vẫn đang chuyển dịch theo hướng ngày càng tiến bộ hơn khi tỷ trọng thu từ tiền công, tiền lương và các khoản có tính chất như tiền lương, tiền công trong tổng thu của hộ vẫn giữ xu hướng tăng (khoảng 1 điểm phần trăm so với 2021); tỷ trọng thu từ hoạt động tự làm nông, lâm nghiệp, thủy sản có xu hướng giảm; thu từ thương nghiệp và dịch vụ có xu hướng tăng, đặc biệt ở quý II và quý III/2022, các khoản thu khác cũng tăng nhẹ so với năm 2021.
Thu khác tăng phần nào phản ánh đóng góp của gói hỗ trợ phục hồi phát triển kinh tế trong việc hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động (tổng số tiền hỗ trợ theo Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình đạt khoảng 3,7 nghìn tỷ đồng).
Bên cạnh đó, năm 2022, các câu hỏi để hộ tự đánh giá về thu nhập được Tổng cục Thống kê thu thập hàng tháng, giúp bổ sung thông tin cập nhật đánh giá thay đổi về thu nhập của hộ, cũng như những yếu tố ảnh hưởng tới thu nhập của hộ so với tháng trước và tháng cùng kỳ năm trước.
Kết quả tự đánh giá của hộ gia đình về thu nhập so với năm 2021 cũng tốt hơn. Tỷ lệ hộ đánh giá có thu nhập trong tháng tăng lên và không thay đổi so với tháng cùng kỳ năm 2021 là 85,5%; tỷ lệ hộ đánh giá có thu nhập giảm so với tháng cùng kỳ năm 2021 là 14,5%.
Như vậy, tăng trưởng kinh tế năm 2022 đạt kết quả khá tốt, cùng với sự hỗ trợ kịp thời của các gói hỗ trợ phục hồi phát triển kinh tế cho người lao động đã có tác động tích cực đến đời sống người dân, giúp cho thu nhập của hộ cải thiện hơn so với 2 năm trước.
Quang Lộc (T/h)Bộ Giao thông vận tải ban hành Thông tư số 33/2024/TT-BGTVT quy định về quản lý giá dịch vụ sử dụng phà được đầu tư từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước, do trung ương quản lý.