Thu nhập bình quân người lao động quý I/2024 là 7,6 triệu đồng

Tài chính - Đầu tư
03:09 PM 29/03/2024

Một số ngành ghi nhận tốc độ tăng thu nhập bình quân khá so với cùng kỳ năm trước: thu nhập bình quân tháng của lao động làm trong ngành hoạt động kinh doanh bất động sản là 12,1 triệu đồng, tăng 15,3%.

Theo đánh giá của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), thị trường lao động thế giới năm 2023 phục hồi ổn định với số lao động có việc làm tăng, tỷ lệ thất nghiệp giảm, số giờ làm việc trung bình mỗi tuần của người lao động gần trở về trạng thái bình thường trước dịch Covid-19 ở tất cả các khu vực trên toàn thế giới. 

Mặc dù vậy, ILO cũng khẳng định, sự khởi sắc của nền kinh tế thế giới nói chung và của thị trường lao động còn rất mong manh. Trên thực tế, thế giới đang đối mặt với nhiều rủi ro và bất ổn kéo dài, điều này sẽ tác động tiêu cực đến thị trường lao động năm 2024, tăng trưởng việc làm được dự báo sẽ chững lại, tỷ lệ thất nghiệp sẽ tăng nhẹ từ mức 5,1% năm 2023 lên 5,2% vào năm 2024.

Tại Việt Nam, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên trong quý I/2024 là 52,4 triệu người, tăng 175,8 nghìn người so với cùng kỳ năm trước.

Quý I/2024, số người từ 15 tuổi trở lên có việc làm đạt 51,3 triệu người, tăng 174,1 nghìn người (tương ứng tăng 0,34%) so với cùng kỳ năm trước. Việt Nam vẫn đang thời kỳ cơ cấu dân số vàng với quy mô dân số trong độ tuổi lao động dồi dào và tăng hàng năm, đây là lợi thế để bổ sung lực lượng lao động, bao gồm cả lao động có việc làm.

Thu nhập bình quân người lao động quý I/2024 là 7,6 triệu đồng- Ảnh 1.

Quý I hàng năm thường thấy, thu nhập bình quân của người lao động thường tăng trong các dịp Tết Nguyên Đán. Ảnh minh họa Internet

Tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng, chứng chỉ năm 2023 là 27,8%, tăng 0,2 điểm phần trăm so với quý trước và tăng 1,4 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước. Việt Nam, giống như nhiều quốc gia khác, đang trải qua một quá trình phát triển kinh tế và công nghiệp hóa nhanh chóng. Trong một nền kinh tế ngày càng toàn cầu hóa và công nghiệp hóa, nhu cầu về nhân lực có trình độ cao và có kỹ năng đặc biệt là rất quan trọng. 

Do đó, nhận thức về sự cần thiết của việc duy trì và phát triển kỹ năng thông qua việc học tập liên tục đang tăng lên trong cộng đồng lao động Việt Nam. Mở rộng cơ sở giáo dục cũng có thể đóng một vai trò quan trọng trong việc tăng cường tỷ lệ lao động qua đào tạo liên tục. Việt Nam đã chú trọng vào việc nâng cao chất lượng giáo dục và mở rộng cơ sở hạ tầng giáo dục để cung cấp cơ hội học tập cho nhiều người dân hơn. Điều này tạo điều kiện thuận lợi để người lao động tiếp tục học tập và nâng cao trình độ sau khi tham gia vào lực lượng lao động.

Thu nhập bình quân tháng của người lao động tiếp tục được cải thiện, quý I năm 2024 là 7,6 triệu đồng, tăng 301 nghìn đồng so với trước và tăng 549 nghìn đồng so với cùng kỳ năm trước. Thu nhập bình quân tháng của lao động tăng lên ở hầu hết các ngành kinh tế so với cùng kỳ năm trước. 

Một số ngành ghi nhận tốc độ tăng thu nhập bình quân khá so với cùng kỳ năm trước: thu nhập bình quân tháng của lao động làm trong ngành hoạt động kinh doanh bất động sản là 12,1 triệu đồng, tăng 15,3%, tương ứng tăng 1,6 triệu đồng; ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước là 11,1 triệu đồng, tăng 12,7%, tương ứng tăng 1,2 triệu đồng; ngành hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm là 13,1 triệu đồng, tăng 12,7%, tương ứng tăng 1,5 triệu đồng; ngành vận tải kho bãi là 10,3 triệu đồng, tăng 7,1%, tương ứng tăng 680 nghìn đồng; ngành dịch vụ lưu trú và ăn uống là 7,1 triệu đồng, tăng 6,3%, tương ứng tăng 417 nghìn đồng.

Thông thường, những tháng cuối năm (Quý IV hàng năm) nhiều doanh nghiệp gia tăng sản xuất kinh doanh, tốc độ tăng thu nhập bình quân của người lao động thường cao hơn so với quý trước, đời sống của người lao động sẽ cải thiện hơn. Quý I hàng năm thường thấy, thu nhập bình quân của người lao động thường tăng trong các dịp tết Nguyên Đán.

Nhờ việc tăng cường các hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm, tổ chức các sàn giao dịch việc làm, so với quý trước, tình hình thất nghiệp có cải thiện. Tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động quý I năm 2024 là 2,24%, giảm 0,02 điểm phần trăm so với quý trước. Đây là mức thường quan sát được ở thị trường lao động Việt Nam khi chưa xuất hiện đại dịch Covid-19. 

Tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động của khu vực thành thị tiếp tục duy trì dưới mức 3%, tính từ thời điểm quý I năm 2022 (quý I các năm 2022, 2023, 2024 lần lượt là: 2,88%; 2,66% và 2,64%).

Tuy nhiên, thị trường lao động vẫn còn hạn chế. Về chất lượng cung lao động vẫn còn bất cập, hạn chế, chưa đáp ứng cho cầu lao động của một thị trường lao động hiện đại, linh hoạt, bền vững và hội nhập (khoảng 37,8 triệu người lao động chưa qua đào tạo từ sơ cấp trở lên).

Thị trường lao động chưa có sự cải thiện nhiều về chất lượng lao động khi số lao động phi chính thức làm các công việc bấp bênh, thiếu tính ổn định vẫn chiếm tỷ trọng lớn, khoảng hơn ba phần năm tổng số lao động có việc làm của cả nước. Tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên còn cao (7,99%,). Số lao động không sử dụng hết tiềm năng là 2,3 triệu người. Tỷ lệ lao động không sử dụng hết tiềm năng 2023 là 4,3%.

Thanh Thủy
Ý kiến của bạn