Thu nộp NSNN 438 tỷ đồng trong 9 tháng từ xử lý vi phạm về quản lý thị trường
9 tháng năm 2024, thông qua công tác xử lý vi phạm, lực lượng Quản lý thị trường trên cả nước đã thu nộp ngân sách nhà nước 438 tỷ đồng, tăng 13% so với cùng kỳ.
Theo đánh giá của Bộ Công thương, trong 9 tháng năm 2024, tình hình vi phạm về kinh doanh hàng hóa nhập lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng giả và vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, vi phạm về an toàn thực phẩm vẫn diễn biến phức tạp, nhất là vào các thời điểm lễ tết, kỳ nghỉ dài ngày do nhu cầu tiêu dùng thực phẩm của người dân tăng cao.
Số liệu từ Bộ Công Thương, kết quả công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường tháng 9/2024 (15/8/2024 - 14/9/2024), lực lượng QLTT đã kiểm tra 5.988 vụ, phát hiện, xử lý 3.617 vụ vi phạm, thu nộp ngân sách nhà nước trên 49 tỷ đồng.
Lũy kế 9 tháng năm 2024 (15/12/2023 - 14/9/2024) lực lượng QLTT đã kiểm tra 54.667 vụ, phát hiện, xử lý 38.102 vụ vi phạm.
Tổng số tiền xử lý là 712 tỷ đồng, tăng 23% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, xử phạt vi phạm hành chính 368 tỷ đồng (tăng 10%), trị giá hàng hóa tịch thu gần 168 tỷ đồng (tăng 11%), trị giá hàng hóa buộc tiêu hủy trên 176 tỷ đồng (tăng 87%). Đã thu nộp ngân sách nhà nước 438 tỷ đồng (tăng 13%).
Hàng hóa nhập lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng giả và vi phạm quyền sở hữu trí tuệ được đối tượng tập kết tại khu vực biên giới hoặc các kho hàng trung chuyển trên tuyến lưu thông để thẩm lậu vào tiêu thụ nội địa. Vi phạm chủ yếu phát hiện đối với nhóm hàng có nhu cầu cao như thời trang, mỹ phẩm, thiết bị điện, thực phẩm.
Đáng chú ý, vào dịp chuẩn bị cho Tết Trung thu năm nay, một số đối tượng đã tập trung đưa nhiều hàng hóa nhập lậu, không rõ nguồn gốc, xuất xứ là các loại thực phẩm, rượu, bia, bánh kẹo, đồ chơi trẻ em, đặc biệt là bánh trung thu ra thị trường tiêu thụ, gây ảnh hưởng sức khỏe của người sử dụng.
"Do ảnh hưởng cơn bão số 3 (Yagi) nguồn cung lương thực, thực phẩm và các nhu yếu phẩm thiết yếu cho người dân tại một số tỉnh thành còn gặp khó khăn, giá cả một số mặt hàng tăng cao", Bộ Công Thương nêu.
Mặc dù đã đạt những kết quả bước đầu song Bộ Công thương cho rằng, hoạt động quản lý thị trường, đấu tranh phòng chống hàng nhái, hàng giả , hàng cấm, hàng lậu, hàng không rõ nguồn gốc, vi phạm SHTT cần được chú trọng, đẩy mạnh nhiều hơn nhất là trong dịp cuối năm nhằm đảm bảo hàng hóa cho người dân cả nước ăn Tết dương lịch và Tết Nguyên đán.
Theo đó, Bộ Công thương đã chú trọng xây dựng các giải pháp như tiếp tục phối hợp với các Bộ, ngành địa phương theo dõi sát diễn biến tình hình thị trường, bảo đảm đủ nguồn cung các mặt hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu người dân, nhất là trong các dịp cao điểm lễ, Tết, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, sốt giá.
Tiếp tục phối hợp với các Bộ ngành trong việc tham mưu điều hành giá các mặt hàng do nhà nước quản lý giá, trong đó có mặt hàng xăng dầu nhằm bảo đảm cung ứng xăng dầu trên thị trường, góp phần kiểm soát lạm phát chung theo mục tiêu của Chính phủ. Đẩy mạnh phát triển TMĐT để khai thác hiệu quả hơn sự phát triển mạnh mẽ của xu hướng số hóa nền kinh tế...
Huyền My (t/h)Đây là 1 trong 15 chỉ tiêu chủ yếu được đưa ra trong Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 tại Nghị quyết số 158/2024/QH15 của Quốc hội.