Thu phí chống ngập đối với chủ đầu tư cao ốc: Biện pháp “bẻ ngọn”!
Chống ngập ở TP. HCM hiện nay là một cuộc rượt đuổi không có hồi kết, một chu kỳ luẩn quẩn làm cho đời sống người dân xáo trộn, chính quyền lúng túng, thành phố ngày một xấu.
5 năm qua, TP.HCM đã chi hơn 25.000 tỷ đồng để thực hiện các dự án chống ngập. Ảnh: VnE
“Nên có chính sách tính phí đơn vị làm dự án xây nhà cao tầng như một khoản phí dự phòng cho nhiệm vụ chống ngập của TP.HCM”.
Đó là phát biểu, đề xuất của đại biểu Trần Quang Thắng tại kỳ họp thứ 20 HĐND TP.HCM khóa IX vừa qua, liên quan đến câu chuyện chống ngập của TP.HCM, đặc biệt ở các khu chung cư cao tầng. Đề xuất này ngay lập tức nhận được nhiều tranh luận trái chiều trên các diễn đàn thông tấn cũng như mạng xã hội.
Ủng hộ việc thu phí dịch vụ chống ngập là điều hoàn toàn nên làm. TS Hồ Long Phi - Giám đốc Trung tâm quản lý nước và biến đổi khí hậu (thuộc Đại học Quốc gia TP.HCM) cho rằng: “Cũng như các dịch vụ công khác, chúng ta vẫn đóng thuế nhưng khi đi bệnh viện phải đóng viện phí, đi học phải đóng học phí, di chuyển đóng phí đường bộ thì tại sao chống ngập phải giữ bao cấp? Đối với tất các lĩnh vực, phải dựa trên quy luật kinh tế chung: Thu đủ bù chi. Nếu ngân sách không đáp ứng được thì phải thu thêm”.
Tuy nhiên, vẫn còn nhiều quan điểm cho thu phí chống ngập với các tòa nhà chung cư, cao ốc là phương án không khả thi bởi sẽ gặp khó trong việc thực thi, thậm chí còn có nguy cơ bị phản ứng ngược nếu chưa hết ngập.
KTS Phạm Đức Cường - Hội KTS TP.HCM cho rằng, nguyên nhân gây ra việc ngập lụt ở TP.HCM phần lớn đến từ việc bê tông hóa khiến cho nước mưa ít có khả năng thẩm thấu xuống dưới lòng đất. Bên cạnh đó, hệ thống kênh, rạch thoát nước của TP.HCM cũng bị phá bỏ, thu hẹp bởi hiện tượng xây dựng quá nhiều cũng khiến cho việc ngập úng xảy ra.
“Việc xây dựng quá nhiều nhà cao tầng khiến tình trạng ngập úng xảy ra là đúng. Nhưng đằng sau đó là lỗi của vấn đề quy hoạch đến từ các nhà quản lý. Nếu cơ quan chức năng không phê duyệt ồ ạt, không chỉ chăm chăm phát triển cao ốc mà quên đi hạ tầng thoát nước thì làm sao có thể ngập được” – KTS Phạm Đức Cường nói.
Hiện, thành phố triển khai 54 dự án xây dựng hệ thống thoát nước để bổ sung khoảng 92 km cống các loại và nạo vét hơn 60 km kênh rạch; thực hiện gần 1.500 công trình cải tạo, nâng cấp các tuyến hẻm, đường; khơi thông 193 tuyến kênh rạch để chống ngập.
Tại buổi cung cấp thông tin về tình hình chống ngập trên địa bàn TP.HCM vào đầu tháng 6 vừa qua, ông Vũ Văn Điệp - Giám đốc Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật (Sở Xây dựng) cho biết, 5 năm qua, TP.HCM đã chi hơn 25.000 tỷ đồng để thực hiện các dự án chống ngập. Số tiền này bao gồm cả vốn đầu tư công và nguồn vốn xã hội hóa thông qua huy động vốn theo hình thức PPP từ các nhà đầu tư.
Thế nhưng, quá trình chống ngập gặp nhiều khó khăn do mạng lưới cống thoát nước đầu tư từ lâu, dẫn đến năng lực thiết kế của cống không đáp ứng được việc thoát nước sau mưa lớn. Ngoài ra, nhiều kênh rạch xung yếu bị người dân lấn chiếm nhưng tiến độ xử lý vi phạm còn chậm.
Tốc độ đô thị hóa của thành phố đã vượt quá tầm kiểm soát, tần suất và vũ lượng mưa tăng, đỉnh triều ngày càng cao, lún nền diễn ra nghiêm trọng... trong khi hệ thống thoát nước chưa kịp đầu tư nâng cấp mở rộng nên việc giải quyết tình trạng ngập còn chậm..v..v.
Khách quan mà nói, cách làm truyến thống của ta hiện nay là đếm đầu điểm ngập hàng năm và phấn đấu giảm ngập theo từng điểm làm sao từ 100 xuống còn đến con số nhỏ nhất... Đó là một cuộc rượt đuổi không có hồi kết, một chu kỳ luẩn quẩn làm cho đời sống người dân xáo trộn, chính quyền lúng túng, thành phố ngày một xấu.
Đây là kiểu chống ngập phù hợp với những thành phố, thị trấn nhỏ, nhưng với thành phố rộng 2.100 km2, hàng ngày có 12 triệu người hiện diện thì không phù hợp, bởi nó mang tính chất hoàn toàn bị động, đối phó theo kiểu “ngập đâu, bâu đó” (tình trạng “ăn miếng nào biết miếng đó”) diễn ra ở hầu khắp các lĩnh vực khác như cấp thoát nước, viễn thông, điện, giáo dục, y tế).
Đừng quên là trước năm 1990, tình hình ngập nước ở thành phố hiếm khi nào quá 1 tiếng, cho nên với người Sài Gòn khi đó mưa “lãng mạn” với hình ảnh “phố bỗng là dòng sông uốn quanh” (Trịnh Công Sơn) chứ không phải là nỗi khiếp đảm của ngày hôm nay.
Tức là, thu phí chống ngập với các tòa nhà chung cư cao ốc nghe có vẻ hợp lý, nhưng suy cho cùng đó chỉ là biện pháp “bẻ ngọn”, không giải quyết tường tận vấn đề cho vấn đề “ngập” của TP.HCM.
Cần phải thay đổi tư duy và phương cách hành động chống ngập, chuyển từ “chống ngập triệt để ” sang “điều tiết nước có tính toán”, từ “chống ngập bị động” sang “thích nghi tích cực nhằm giảm thiểu rủi ro”. Phải thay đổi, cho dù là động chạm đến quyền lợi một số người.
Sông HànDự kiến từ đầu năm 2025, ngành thuế sẽ nâng cấp ứng dụng hỗ trợ cá nhân kê khai thuế điện tử, tự động hỗ trợ toàn bộ việc quyết toán thuế, hoàn thuế thu nhập cá nhân cho người nộp thuế.