Thu phí hạ tầng cảng biển: Cần thiết nhưng chưa đúng thời điểm
Theo nhiều chuyên gia và doanh nghiệp TP.HCM, việc thu phí hạ tầng cảng biển là điều cần thiết để tái đầu tư nhưng nên cân nhắc thời điểm thích hợp hơn.
Lo phí chồng phí
Tại họp báo của Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 và phục hồi kinh tế TP.HCM, Sở Giao thông vận tải (GTVT) TP.HCM cho biết, việc thu phí cảng biển vẫn bắt đầu từ 1/4 như dự kiến.
Để chuẩn bị cho việc thu phí chính thức từ ngày 1/4, TP.HCM đã vận hành thử nghiệm hệ thống thu phí sử dụng công trình, kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ và tiện ích công cộng trong khu vực cửa khẩu cảng biển từ ngày 16/2 đến hết ngày 15/3.
Song việc thu phí này đang vấp phải nhiều ý kiến trái chiều.
Theo phân tích của nhiều đại biểu và lãnh đạo thành phố tại các kỳ họp chuyên đề của HĐND TP. Hồ Chí Minh, nhìn về lâu dài, cũng có không ít ý kiến ủng hộ thu loại phí này, vì nếu số tiền thu được dùng để đầu tư mở rộng hệ thống cơ sở hạ tầng thì sẽ giải quyết được nguy cơ tắc nghẽn tại khu vực cảng, giúp doanh nghiệp cải thiện năng suất vận chuyển.
Không chỉ xóa được vấn nạn kẹt xe, ùn ứ hàng hóa thường ngày đang tồn tại từ rất lâu, mà còn tạo nguồn thu cho ngân sách khá lớn bù đắp lại những khoản hụt thu trong điều kiện dịch COVID-19. Đặc biệt, việc thu phí góp phần giảm áp lực đầu tư công để phục hồi kinh tế sau đại dịch trong điều kiện nguồn chi ngân sách còn nhiều khó khăn, eo hẹp.
Ông Nguyễn Ngọc Long - đại diện một doanh nghiệp logistics ở Quận 12, TP.HCM cho biết, việc thu phí hạ tầng cảng biển này không mới nhằm để tái đầu tư nguồn thu này cho hệ thống các tuyến đường kết nối cảng nên đa số doanh nghiệp đều đồng tình ủng hộ chủ trương này. “Với mức phí áp dụng hiện nay cũng không quá cao, vấn đề là cần có cơ chế giám sát để đảm bảo công bằng cho các doanh nghiệp. Không nên để doanh nghiệp này đóng còn doanh nghiệp kia thì không”, ông Long chia sẻ với báo chí.
Trên thực tế, TP.HCM không phải là địa phương đầu tiên áp loại phí này. Trước đó, Hải Phòng đã triển khai thu phí hạ tầng cảng biển để tái đầu tư cho hệ thống kết nối. Kết quả cho thấy doanh nghiệp kinh doanh cảng, doanh nghiệp xuất nhập khẩu và doanh nghiệp vận tải đều có lợi vì giải quyết được bài toán thời gian, chi phí thấp hơn nhờ số lần quay đầu xe nhiều hơn. Vấn đề còn lại theo giới phân tích là TP.HCM cần có cam kết để doanh nghiệp yên tâm rằng khoản tiền thu được sẽ ưu tiên đầu tư vào hạ tầng, phục vụ các công trình kết nối vào cảng biển.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia và doanh nghiệp cho rằng mức phí áp dụng chưa công bằng, gánh nặng về thủ tục hành chính, gây ách tắc trong quá trình thực hiện.
Ông Nguyễn Chí Trung - Chủ tịch HĐQT CTCP Tập đoàn Gia Định, chia sẻ với báo chí, trong khi doanh nghiệp đang trong vòng xoáy khó khăn, chính sách hỗ trợ như lãi vay chưa tiếp cận được, nếu từ ngày 1/4 tới TPHCM vẫn áp dụng thu phí hạ tầng cảng biển, chi phí sẽ đội lên 10-15%, tiếp tục ăn mòn lợi nhuận của doanh nghiệp.
Nhiều doanh nghiệp cho rằng, họ còn chưa gượng dậy được sau ảnh hưởng nặng nề của dịch COVID-19 và đang phải gánh thêm nhiều chi phí đầu vào tăng cao như logistics, cước vận tải, giá xăng dầu, nguyên vật liệu và chi phí test COVID-19… Đó là chưa kể cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine đang có nguy cơ làm cho cước phí vận tải biển tăng. Do đó, nếu thu thêm phí hạ tầng cảng biển lúc này là sẽ tạo thêm gánh nặng, giảm năng lực cạnh tranh và không phù hợp.
Mới đây, Hiệp hội Da giày - túi xách Việt Nam cùng với 6 hiệp hội khác đã gửi kiến nghị TP.HCM có thể lùi thời gian triển khai thực hiện việc thu phí hạ tầng cảng biển, nhưng hiện vẫn chưa có hồi đáp về vấn đề này.
Theo các doanh nghiệp thuộc 7 hiệp hội ngành hàng, việc thu phí hạ tầng cảng biển tại TPHCM có một số bất hợp lý. Thứ nhất, thời gian áp dụng chưa phù hợp. Cụ thể từ tháng 6 đến tháng 9/2021, đa số doanh nghiệp phải ngưng hoạt động vì dịch bệnh nhưng vẫn phải chi trả các khoản như lương công nhân, lãi vay, chi phí tồn kho, lưu kho… Từ tháng 10 đến tháng 12/2021, đa số doanh nghiệp chỉ hoạt động được 30-70% công suất do thiếu công nhân, thiếu nguyên liệu… Đầu năm 2022, các doanh nghiệp bắt đầu phục hồi sản xuất thì chi phí đầu vào liên tục tăng cao. Vì thế, việc thu phí hạ tầng cảng biển thời gian này càng làm tăng thêm gánh nặng cho DN.
Cần cân nhắc thời điểm thích hợp hơn
Do đó, dù việc thu phí hạ tầng cảng biển cần thiết nhưng thời điểm này không thích hợp, đó là chia sẻ của nhiều doanh nghiệp (DN) có hoạt động xuất nhập khẩu.
Ông Bùi Hòa An, Phó giám đốc Sở Giao thông Vận tải TP.HCM nêu quan điểm, thời gian này nếu có một nguồn thu nhất định, tập trung thì từ nay đến năm 2025, thành phố có thể sớm hoàn chỉnh hệ thống hạ tầng xung quanh các cảng. Khi đó các doanh nghiệp sẽ được hỗ trợ tốt hơn bởi thời gian vận chuyển hàng hoá nhanh chóng, mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn.
Để công khai minh bạch, TP.HCM cần có kế hoạch cụ thể về phương án triển khai dự án, phương án thu phí, thời gian thu phí để người dân và doanh nghiệp được biết và theo dõi giống như các dự án giao thông BOT.
Trường hợp nếu Nhà nước không đầu tư thì có thể kêu gọi xã hội hoá và doanh nghiệp có thể tham gia đầu tư theo các hình thức PPP, BOT, và chắc chắn khi đó doanh nghiệp sẽ sẵn sàng trả phí mà không phải ý kiến gì nhiều về việc lùi thời gian thu phí.
Thu phí cho TP.HCM ngay lúc này, trong bối cảnh doanh nghiệp gặp khó khăn và Chính phủ đang phải hỗ trợ tối đa để phục hồi, có thể chưa phù hợp, nhưng đến một lúc nào đó, chắc chắn sẽ phải diễn ra tương tự như đây là một trong những nguồn thu quan trọng để không ngừng nâng cao vị thế phát triển hàng hải.
Đồng thời trong tương lai, nếu triển khai thu phí, cần xác định là cái gì “miễn phí thì chất lượng kém”, Nhà nước song song cần thúc đẩy thu hút tư nhân đầu tư hạ tầng cảng biển và hệ thống kết nối khu vực cảng biển, ở những mảng, miếng, dịch vụ không ảnh hưởng an ninh quốc phòng, để giảm áp lực “tận thu” các doanh nghiệp nhằm tái đầu tư và nâng chất lượng hạ tầng cho hàng hải “cưỡi sóng”.
Bên cạnh đó, việc triển khai thu phí nếu diễn ra trong tương lai, vẫn trong câu chuyện quy hoạch, nên là chính sách giá được bàn bạc từ tầm nhìn và lợi ích chung, tránh để trở thành tiền lệ “cát cứ”, phân chia lợi ích, phá vỡ lợi ích lớn nhất của liên kết vùng.
An MaiSáng 21/01, Tạp chí Doanh nghiệp và Tiếp thị đã tổ chức Hội nghị tổng kết hoạt động năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025.