Thu thuế thương mại điện tử đạt hơn 94.000 tỷ đồng
Với số thu hiện tại, việc thu thuế thương mại điện tử cả năm có thể vượt mốc 100.000 tỷ đồng. Sự tăng trưởng này không chỉ đến từ các doanh nghiệp trong nước mà còn từ các nền tảng quốc tế như Meta (Facebook), Google, Microsoft, TikTok, Netflix, Apple.
Theo báo cáo mới công bố, Tổng cục Thuế cho biết về quản lý thuế thương mại điện tử, lũy kế 10 tháng đầu năm 2024, số thuế các tổ chức, cá nhân có hoạt động kinh doanh thương mại điện tử đã nộp khoảng 94.600 tỷ đồng, tăng 17% so với số thuế bình quân 10 tháng năm 2023.
Ngoài ra, cơ quan thuế đã ghi nhận 412 sàn giao dịch thương mại điện tử thực hiện việc cung cấp thông tin. Theo đó, có hơn 191.000 tổ chức, cá nhân kinh doanh trên sàn thương mại điện tử với tổng giá trị giao dịch là gần 72.000 tỷ đồng.
Như vậy, tính toán của cơ quan thuế về việc thu thuế thương mại điện tử cả năm vượt mốc 100.000 tỷ đồng sắp được hiện thực hoá. Sự tăng trưởng này không chỉ đến từ các doanh nghiệp trong nước như Shopee, Lazada, Tiki, Sendo,… mà còn từ các nền tảng quốc tế như Meta (Facebook), Google, Microsoft, TikTok, Netflix, Apple.
Về việc thu thuế với các nhà cung cấp dịch vụ xuyên biên giới lớn như Google, Meta, YouTube, TikTok..., theo Tổng cục Thuế, đã có 116 nhà cung cấp nước ngoài đăng ký, khai thuế và nộp thuế qua Cổng Thương mại điện tử dành cho nhà cung cấp nước ngoài. Tính đến hết 10 tháng năm 2024, số thu ngân sách Nhà nước từ các nhà cung cấp nước ngoài là 19.774 tỷ đồng. Tính riêng trong năm 2024 thu 8.200 tỷ đồng, tăng 18,9% so với cùng kỳ năm 2023.
Các chuyên gia nhận định trong năm nay, lượng thu thuế thương mại điện tử liên tục tăng trưởng. Đặc biệt, với những "ông lớn" như Google, Amazon..., lượng nộp thuế của họ từ chỗ rất nhỏ đến lúc có hàng ngàn tỷ đồng như hiện nay cũng đã là một bước tiến lớn.
Đó là kết quả của Bộ Tài chính đã thực hiện hàng loạt giải pháp đồng bộ, thống nhất. Trong đó có việc liên tục làm giàu cơ sở dữ liệu lớn về thương mại điện tử, thu thập thông tin từ nhiều nguồn, đó là thông tin do sàn cung cấp, thông tin do các nền tảng xuyên biên giới cung cấp, thông tin thu thập được qua công tác kiểm tra, thông tin thu thập trên Internet, thông tin kết nối chia sẻ từ các bộ ngành. Trên cơ sở đó, thực hiện khai thác, xử lý thông tin để rà soát người nộp thuế đưa vào diện quản lý, yêu cầu kê khai phù hợp thực tế, điều chỉnh doanh thu hoặc xử lý truy thu.
Trước đó, tại phiên thảo luận Quốc hội ngày 5/11, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết thời gian tới, Bộ dự kiến sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) để kiểm soát các hoạt động mua bán trên các sàn TMĐT, đảm bảo sự minh bạch và quản lý doanh thu hiệu quả.
Việc thực hiện công tác quản lý và thu thuế đối với các sàn thương mại điện tử xuyên biên giới, điển hình như Temu, đang là vấn đề quan tâm của dư luận xã hội trong thời gian qua.
Về công tác quản lý thuế hoạt động kinh doanh TMĐT, kinh doanh trên nền tảng số, các nhà quản lý sàn TMĐT có trách nhiệm đăng ký, tự tính, tự khai, tự nộp thuế trực tiếp thông qua Cổng thông tin của Tổng cục Thuế.
Đối với hoạt động kinh doanh TMĐT, kinh doanh trên nền tảng số có tính chất xuyên biên giới, nhà cung cấp nước ngoài nếu có phát sinh doanh thu tại Việt Nam nhưng chưa thực hiện việc đăng ký thuế, cơ quan thuế sẽ thực hiện rà soát và có các biện pháp xử lý phù hợp để đảm bảo quản lý thuế hiệu quả, minh bạch và công bằng đối với các hoạt động kinh doanh truyền thống.
Trường hợp nhà cung cấp nước ngoài chưa khai đúng doanh thu, cơ quan thuế sẽ thực hiện đối chiếu dữ liệu để xác định doanh thu đề nghị nhà cung cấp nước ngoài thực hiện nghĩa vụ và thực hiện thanh tra, kiểm tra theo quy định nếu có dấu hiệu gian lận, trốn thuế.
An Mai (t/h)Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tổng lượng tiền gửi của cả dân cư và doanh nghiệp, tổ chức kinh tế tại thời điểm tháng 8 vào ngân hàng thương mại đạt mức kỷ lục từ trước đến nay với hơn 13.763.230 tỷ đồng.