Thứ trưởng Bộ NN&PTNT kiểm tra công tác ứng phó với bão số 3 tại Thanh Hóa
Ông Phùng Đức Tiến,Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã đi kiểm tra công tác ứng phó với bão số 3 tại Thanh Hóa.
Tham gia đoàn công tác có các đồng chí: Lê Đức Giang, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai, Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự (PCTT, TKCN và PTDS) tỉnh; Cao Văn Cường, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở NN&PTNT cùng đại diện Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy PCTT, TKCN và PTDS tỉnh.
Đồng chí Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cùng đoàn công tác đã đi kiểm tra công tác neo đậu tàu thuyền tại Âu neo đậu tàu thuyền thuộc phường Quảng Tiến, TP Sầm Sơn; kiểm tra thực tế tại khu vực có nguy cơ sạt lở bờ biển thuộc thôn Văn Phong, xã Hoằng Trường, huyện Hoằng Hóa.
Theo báo cáo, ngay sau khi có dự báo siêu bão số 3 với sức gió vùng gần tâm bão mạnh cấp 16, giật trên cấp 17 sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến các tỉnh ven biển khu vực Bắc Bộ, trong đó có tỉnh Thanh Hoá, Tỉnh uỷ, UBND tỉnh đã ban hành 4 công điện chỉ đạo triển khai ứng phó với bão đến các cấp, các ngành, các địa phương.
Tỉnh cũng đã thành lập 8 đoàn công tác do các đồng chí lãnh đạo tỉnh làm trưởng đoàn, đồng thời các thành viên ban chỉ đạo theo nhiệm vụ, địa bàn được giao đã trực tiếp đến các địa phương để nắm bắt tình hình, kiểm tra, đôn đốc, chỉ đạo các địa phương, đơn vị liên quan triển khai công tác ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai có thể xảy ra. Các phương án ứng phó phù hợp với tình hình thực tế theo đúng phương châm "bốn tại chỗ" cũng đã được xây dựng, nhằm giảm thiểu tối đa thiệt hại do mưa lũ gây ra.
Theo tổng hợp báo cáo nhanh từ UBND các huyện, thị xã, thành phố, mưa, bão đã làm 1 người bị thương do bị cây đổ vào người khi tham gia giao thông, hiện tại sức khỏe đã ổn định (Lê Việt Anh, sinh năm 2004 quê xã Xuân Lam, huyện Thọ Xuân). Mưa gió lốc làm 74 căn nhà ở các huyện miền núi bị thiệt hại.
Trong đó, huyện Bá Thước 2 nhà ở xã Điền Quang bị tốc mái hoàn toàn và bị tốc mái một phần (riêng 1 nhà bị tốc mái hoàn toàn phải sơ tán đến nơi an toàn với 4 khẩu). Huyện Cẩm Thuỷ bị 1 nhà ở xã Cẩm Thành bị tốc mái hoàn toàn phải sơ tán đến nơi an toàn với 2 khẩu. Huyện Mường Lát có 64 nhà bị thiệt hại (1 nhà bị tốc mái hoàn toàn; 59 nhà bị tốc mái một phần, 2 nhà bị cây đổ vào nhà, 2 nhà bị sạt lở móng nhà), riêng 1 nhà bị tốc mái hoàn toàn phải sơ tán đến nơi an toàn với 6 khẩu. Huyện Quan Hoá 7 nhà bị tốc mái một phần. Về thiệt hại trong sản xuất nông nghiệp, huyện Mường Lát 0,11 ha hoa màu bị thiệt hại một phần (cây sắn). Huyện Bá Thước có 34,07 ha lúa bị đổ ngã.
Mưa bão cũng làm 31 cây xanh trên địa bàn TP Thanh Hoá bị đổ gãy; 1 cây cột điện bị đổ, 1 xe máy bị hư hỏng và 4 bán bình bị hư hỏng tại xã Hải Hà, thị xã Nghi Sơn. Trong công tác phòng chống lụt bão, tỉnh Thanh Hoá cũng gặp khó khăn do một số tàu khi về âu trú bão gặp cạn sẽ không thể vào bờ và phải đợi khi nước lên. Vì vậy, tỉnh Thanh Hoá đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hỗ trợ kinh phí để tỉnh Thanh Hoá thực hiện nạo vét luồng cảng đảm bảo đồng bộ với quy hoạch
Qua kiểm tra, đồng chí Phùng Đức Tiến đánh giá cao sự chủ động và quyết liệt của tỉnh Thanh Hoá trong chỉ đạo cũng như tổ chức thực hiện các biện pháp ứng phó với bão, đảm bảo khoa học, khẩn trương, nghiêm túc và kịp thời.
Thứ trưởng nhấn mạnh: Tuyệt đối không được chủ quan, lơ là; bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân, hạn chế thấp nhất thiệt hại về tài sản do bão gây ra. Chủ động tiêu nước, bảo vệ lúa, hoa màu, lồng bè nuôi thủy, hải sản. Sẵn sàng phương án bảo đảm an toàn các điểm đê, kè xung yếu, kịp thời xử lý các tình huống phát sinh. Đối với khu vực có nguy cơ sạt lở bờ biển thuộc thôn Văn Phong, xã Hoằng Trường, huyện Hoằng Hóa, cần chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, phương tiện để không bị bất ngờ khi có tình huống khẩn cấp do bão số 3 gây ra.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT - Phùng Đức Tiến đồng tình với kiến nghị của tỉnh Thanh Hóa về việc thực hiện nạo vét luồng cảng; đồng thời đề nghị tỉnh tiếp tục dõi, cập nhật diễn biến mưa bão, duy trì trực 24/24 đến khi bão tan, có phương án ứng phó phù hợp. Sau bão, cần khẩn trương khắc phục hậu quả; trong đó tập trung tiêu độc khử trùng trong sản xuất nông nghiệp cả trong trồng trọt và chăn nuôi, nhanh chóng ổn định tình hình sản xuất và đời sống Nhân dân.
Yến HoàngBáo cáo của Brand Finance chỉ ra, Việt Nam đang đạt kỳ tích mới khi trở thành quốc gia thuộc nhóm có giá trị thương hiệu tăng trưởng nhanh nhất thế giới.