Thứ trưởng Bộ Y tế nêu lý do phải đếm số ca mắc COVID-19 mỗi ngày
Trước một số ý kiến rằng đã đến lúc không cần đếm số ca COVID-19 hàng ngày, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên khẳng định, thống kê số F0 vẫn là việc phải làm…
Còn quá sớm để coi COVID-19 là bệnh cúm mùa
Tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ chiều tối 3/3, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên đã trả lời một loạt vấn đề nóng, được dư luận quan tâm liên quan đến công tác phòng chống dịch COVID-19 như: Vì sao số mắc COVID-19 tăng quá nhanh?, giải pháp gì để khắc phục tình trạng cháy hàng, nâng giá kit test xét nghiệm; có cần thống kê số F0 hàng ngày; bao giờ tiêm vaccine cho trẻ 5-11 tuổi…
Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết, số mắc COVID-19 đang tăng nhanh trên cả nước, đầu tiên là do biến chủng Delta đã gây ra đợt dịch thứ 4 trong TP HCM và các tỉnh miền Nam có tốc độ lây lan trên 3 lần so với chủng cũ. Gần đây, chủng Omicon xuất hiện lại có tốc độ lây lan tăng trên 2 lần so với chủng Delta, như vậy tốc độ lây lan của chủng Omicon gấp 5 lần chủng cũ. Đây là nguyên nhân gây tăng cao ca F0.
Bên cạnh đó, Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên nêu ra việc người dân hiện đang có tâm lý chủ quan khiến số lượng F0 tăng cao trong suốt thời qua.
Đặc biệt, Thứ trưởng Bộ Y tế thông tin, Tổ chức Y tế thế giới đưa ra nhận định vào ngày 14/2 vừa qua thì thời điểm này còn quá sớm để coi COVID-19 như là bệnh cúm mùa. Tổ chức Y tế thế giới có ý kiến về việc biến chủng Omicron đang lây lan rất nhanh nên năm 2022 tình hình dịch còn diễn biến phức tạp.
Vì sao cần đếm F0 hàng ngày?
Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết, chúng ta không quá lo lắng trước số ca mắc COVID-19 đang tăng cao bởi Việt Nam là 10 nước đứng đầu thế giới có tỷ lệ bao phủ vaccine. Bên cạnh đó, trên thế giới đưa ra một số thuốc vào điều trị người mắc COVID-19, Việt Nam cũng đã cấp phép cho 3 loại thuốc trong điều trị và hiện Bộ Y tế đang làm việc với một số hãng dược trên thế giới để đưa thuốc vào Việt Nam.
Ngoài ra, Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên cũng cho rằng, hơn 2 năm qua chúng ta đã có kinh nghiệm phòng, chống dịch tại Sơn Lôi (Vĩnh Phúc); Bắc Ninh; Bắc Giang; TP. HCM hay Trúc Bạch (Hà Nội)… cũng như cơ bản nắm được đặc tính của virus SARS-CoV-2.
Khi F0 tăng cao thì các địa phương căn cứ vào đó để đánh giá cấp độ dịch; nâng cao ý thức cho người dân; tham gia tích cực về công tác tiêm chủng; có hướng dẫn, tuân thủ việc dùng thuốc trong điều trị.
Về vấn đề khan hàng và tăng giá kit test xét nghiệm COVID-19, Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên cho biết, Bộ Y tế đã gửi công văn tới UBND các tỉnh để triển khai tăng cường công tác kiểm tra giám sát, tránh việc găm hàng, nâng giá và thực hiện không đúng.
Đồng thời, ông Tuyên cũng khuyến cáo, để tránh tăng giá, cần ý thức của người dân, phải tuân thủ hướng dẫn của Bộ Y tế, chỉ mua khi cần, không quá nôn nóng mà mua dự trữ, làm mất cân bằng cung cầu. Dùng đến đâu mua đến đấy.
Về tiêm vaccine cho trẻ 5-11 tuổi, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết, Bộ Y tế đã lấy ý kiến cộng đồng, nhất là phụ huynh học sinh từ 5-11 tuổi, trong đó tỷ lệ phụ huynh đồng ý cao tiêm cho trẻ khoảng 78%. Cùng với khảo sát của Ban Tuyên giáo, Bộ Y tế nhận thấy, cơ bản người dân rất đồng tình với việc tiêm vaccine COVID-19 cho trẻ ở nhóm tuổi này.
Về việc thống kê số F0, Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên nêu rõ, theo nguyên tắc thích ứng linh hoạt, trước diễn biến tình hình chủng Omicron, việc thống kê số F0 là vẫn phải làm bình thường để phục vụ cho công tác dự báo, dự đoán, nghiên cứu, từ đó đưa ra các biện pháp phòng chống dịch cũng như các biện pháp phát triển kinh tế.
Mục tiêu vẫn là phải giảm sự gia tăng của số ca F0.
HM (T/h)Theo khảo sát thực trạng doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư tại nước ngoài cho năm tài chính 2024, do Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) thực hiện, có đến 56,1% số doanh nghiệp được khảo sát trả lời sẽ “mở rộng” kinh doanh trong 1-2 năm tới.