Thu từ mảng môi giới của các công ty chứng khoán sụt giảm mạnh
Trong quý đầu năm 2025, thị phần môi giới của các công ty chứng khoán giảm mạnh nhưng đây vẫn là mảng ảnh hưởng lớn đến doanh thu của công ty trong quá trình hoạt động.
Hiện nay, cơ cấu doanh thu của một công ty chứng khoán có sự phân bổ từ nhiều mảng, thông dụng nhất là “kiềng 3 chân” với môi giới - margin - tự doanh. Trong những năm gần đây, dường như mảng môi giới đang dần mất đi tính quan trọng, từ việc có đến 41 công ty có mảng môi giới vào năm 2021, con số này liên tục giảm trong những năm sau đó, lần lượt còn 30 công ty trong năm 2022, 21 công ty trong năm 2023, 16 công ty trong năm 2024 và kết thúc quý 1/2025 chỉ còn lại 8 công ty.

Ảnh minh họa. Nguồn: TCTC
Theo SSI Research, quý 1/2025 tiếp tục là khoảng thời gian thất thu của các công ty chứng khoán (CTCK) trong mảng môi giới. Tổng doanh thu từ nghiệp vụ này tại các CTCK tiếp tục giảm quý thứ 3 liên tiếp (so với quý liền trước) xuống còn khoảng 2.700 tỷ đồng. Con số này giảm 7% so với quý cuối năm 2024 và là mức trong vòng 8 quý trở lại đây.
Điển hình như Chứng khoán VPS. Những năm gần đây, không khó nhận ra vị trí số 1 về thị phần môi giới luôn thuộc về VPS. Tuy nhiên, sau nhiều năm liên tục nới rộng khoảng cách với các đối thủ, thị phần môi giới của VPS đang có chiều hướng giảm. Thị phần của công ty này liên tục sụt giảm trên cả 3 sàn và tính đến thời điểm kết thúc quý 1/2025 vừa qua đã lùi về 16,94% trên HOSE, 19,09% trên HNX và 21,22% trên UPCoM.
Tương tự với Chứng khoán SSI. Trong quý vừa qua, công ty ghi nhận tổng doanh thu hoạt động 2.106 tỷ đồng, tăng gần 10% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, lãi từ mảng chứng khoán kinh doanh của SSI chiếm gần một nửa doanh thu, đạt 1.039 tỷ đồng, tăng 15%. Còn thu từ nghiệp vụ môi giới chứng khoán lại giảm 30%, còn 311 tỷ đồng.
Trong khi đó, Chứng khoán VNDirect ghi nhận tổng doanh thu hoạt động trong kỳ đạt 1.258 tỷ đồng, giảm 9%. Động lực chính khiến doanh thu co lại là sự sụt giảm 41% của mảng môi giới - vốn chịu ảnh hưởng từ thanh khoản thị trường đi xuống. Thị phần môi giới của VNDirect có cải thiện so với quý trước, song vẫn chưa thoát xu hướng giảm từ quý 3/2023 đến nay. Chi phí môi giới của công ty cũng giảm 30%, về 100 tỷ đồng, phù hợp với đà đi xuống của mảng môi giới trong quý đầu năm.
Không khó để nhận thấy, trong quý vừa qua, thị phần môi giới của các công ty chứng khoán bị suy giảm đáng kể.
Doanh thu môi giới bị thu hẹp một phần đến từ việc ngày càng nhiều CTCK lao vào cuộc đua miễn, giảm phí để giành thị phần. Hầu hết CTCK đều đã ít nhiều giảm phí giao dịch để thu hút thêm nhà đầu tư và giữ chân khách hàng. Phần lớn các công ty chứng khoán khác đang áp dụng mức phí khoảng 0,1-0,15% (đã bao gồm phí trả về Sở Giao dịch Chứng khoán). Một số thậm chí còn chơi lớn với chính sách “zero fee” trọn đời như TCBS, Pinetree, DNSE, MBS…
Dù nguồn thu ngày càng thu hẹp nhưng không thể phủ nhận mảng nghiệp vụ môi giới vẫn đóng một vai trò rất quan trọng trong hoạt động của các CTCK. Những lợi ích từ tệp khách hàng chất lượng có thể mang lại lớn hơn rất nhiều so với nguồn thu phí giao dịch thông thường, đặc biệt là trong việc thúc đẩy hoạt động cho vay margin. Thêm nữa, tệp khách hàng lớn từ môi giới góp phần giúp bán chéo các sản phẩm, dịch vụ như cho vay margin, tư vấn, quản lý tài sản, trái phiếu, chứng chỉ quỹ, qua đó mang lại lợi nhuận đáng kể cho các CTCK.
Đánh giá về kết quả kinh doanh quý I/2025 của ngành chứng khoán, ông Nguyễn Việt Đức - Giám đốc Kinh doanh Số VPBankS cho biết, thị phần môi giới của các công ty chứng khoán đang có sự phân hóa. Trong đó, những công ty có thị phần lớn nhất như VPBankS, MBS, HDS, SSI, TCBS… cơ bản vẫn tăng trưởng đều đặn 8 - 9%, các mảng hỗ trợ lẫn nhau. Đặc biệt hơn, lợi nhuận của những công ty liên quan đến ngân hàng tăng mạnh.
Có hai nhóm đạt kết quả khá tiêu cực. Thứ nhất là nhiều công ty quy mô nhỏ thua lỗ, do dựa nhiều vào phí môi giới và cho vay nhà đầu tư cá nhân. Nhưng trong quý 1 vừa qua, mặt bằng chung phí môi giới đã giảm do cạnh tranh khốc liệt, trong khi cho vay nhà đầu tư cá nhân không phục hồi quá nhiều. Do đó, những công ty nhỏ, không có ngân hàng đứng sau rất có thể sẽ tiếp tục gặp khó khăn.
Thứ hai, những công ty phụ thuộc nhiều vào tự doanh cũng bị ảnh hưởng, do nhiều cổ phiếu được “chọn mặt gửi vàng” trước đây mang lại nhiều lợi nhuận thì quý 1 vừa qua lại không khả quan.
Mảng môi giới giữ vai trò không nhỏ trong chiến lược kinh doanh của các công ty chứng khoán nhưng qua quý đầu năm, dễ dàng nhận thấy các hoạt động trong mảng này đang yếu dần. Trong bối cảnh đó, các công ty chứng khoán có chiến lược đầu tư vào hệ thống giao dịch, mở rộng dịch vụ, và chăm sóc khách hàng bài bản đang thể hiện lợi thế rõ rệt. Tuy nhiên, cuộc cạnh tranh về thị phần môi giới không chỉ là câu chuyện về công nghệ hay chi phí, mà còn là về khả năng hiểu và đồng hành với nhà đầu tư trong từng giai đoạn của thị trường.
Minh An (t/h)
Ủy ban châu Âu (EC) vừa xếp Việt Nam vào nhóm "rủi ro thấp" theo hệ thống phân loại trong Quy định chống phá rừng (EUDR) của EU.