Thủ tục để hưởng trọn quyền lợi BHXH khi nghỉ việc
Để người lao động được hưởng các chế độ về thai sản, ốm đau, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp... người lao động buộc phải tham gia bảo hiểm xã hội. Trong trường hợp nghỉ việc và không tiếp tục tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, người lao động phải làm gì để hưởng trọn quyền lợi?
Các công việc người lao động cần làm để tận dụng tối đa quyền lợi của bảo hiểm xã hội bắt buộc bao gồm:
- Yêu cầu chốt sổ bảo hiểm xã hội và nhận các giấy tờ chứng minh nghỉ việc
Theo quy định Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014, sổ bảo hiểm xã hội được cấp và giao cho người lao động quản lý. Song thực tế, do lo ngại về việc thất lạc trong quá trình tự bảo quản, nhiều trường hợp sổ này vẫn do đơn vị sử dụng lao động giữ.
Tuy vậy, dù ai giữ sổ bảo hiểm xã hội, thì khi chấm dứt hợp đồng lao động, người sử dụng lao động vẫn cần thực hiện thủ tục chốt sổ bảo hiểm xã hội để làm cơ sở cho người lao động đóng bảo hiểm xã hội ở nơi mới, cũng như hưởng các quyền lợi về bảo hiểm xã hội sau khi nghỉ việc.
Cụ thể, trách nhiệm này của người sử dụng lao động được ghi nhận tại khoản 3 Điều 48 Bộ luật Lao động năm 2019:
a) Hoàn thành thủ tục xác nhận thời gian đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp và trả lại cùng với bản chính giấy tờ khác nếu người sử dụng lao động đã giữ của người lao động;
b) Cung cấp bản sao các tài liệu liên quan đến quá trình làm việc của người lao động nếu người lao động có yêu cầu. Chi phí sao, gửi tài liệu do người sử dụng lao động trả.
Do đó, khi hợp đồng lao động chấm dứt (bất kể đúng hay trái luật), người sử dụng lao động phải có trách nhiệm hoàn thành thủ tục xác nhận thời gian đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp (chốt sổ bảo hiểm xã hội) cho người lao động và trả lại sổ này với các giấy tờ đã giữ của người lao động. Để đảm bảo quyền lợi của mình, người lao động có quyền đề nghị đơn vị sử dụng lao động nhanh chóng thực hiện thủ tục chốt sổ bảo hiểm xã hội.
Ngoài ra, khi nghỉ việc, nếu không phải trường hợp tự ý nghỉ ngang, người lao động cần yêu cầu doanh nghiệp cấp các giấy tờ chứng minh nghỉ việc, bao gồm:
- Hợp đồng đã hết hạn hoặc đã hoàn thành công việc theo hợp đồng;
- Quyết định thôi việc;
- Quyết định sa thải;
- Quyết định kỷ luật buộc thôi việc;
- Thông báo hoặc thỏa thuận chấm dứt hợp đồng…
- Nhanh chóng làm hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp
Trong thời gian tìm việc, người lao động có thể làm hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp. Nhưng để được hưởng trợ cấp này, người lao động cần phải đáp ứng đủ các điều kiện tại Điều 49 Luật Việc làm năm 2013:
- Chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc, trừ trường hợp người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng trái pháp luật, hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hàng tháng.
- Đã đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 12 tháng trở lên trong 24 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động.
- Đã nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp tại trung tâm dịch vụ việc làm trong thời hạn 3 tháng, kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động.
- Chưa tìm được việc làm sau 15 ngày, kể từ ngày nộp hồ sơ trừ các trường hợp như thực hiện nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an, bị tạm giam, chết...
Vậy, khi nghỉ việc, người lao động đủ điều kiện hưởng cần thực hiện ngay thủ tục hưởng trợ cấp thất nghiệp trong 3 tháng kể từ ngày chấm dứt hợp đồng. Bên cạnh trợ cấp thất nghiệp, theo Điều 42 Luật Việc làm 2013, người lao động còn được hưởng thêm các quyền lợi sau:
- Hỗ trợ tư vấn, giới thiệu việc làm.
- Hỗ trợ học nghề .
- Hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động.
- Nhận bảo hiểm xã hội một lần sau 1 năm nghỉ việc
Trong trường hợp đã nghỉ việc mà người lao động không muốn tiếp tục đi làm, không có nhu cầu tiếp tục tham gia bảo hiểm xã hội thì có thể làm hồ sơ hưởng bảo hiểm xã hội 1 lần, nếu thuộc một trong các trường hợp được quy định tại khoảng 1 Điều 60 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 và khoản 1 Điều 1 Nghị quyết số 93/2015/QH13 như sau:
- Đủ tuổi hưởng lương hưu mà chưa đủ 20 năm đóng BHXH;
- Lao động nữ là cán bộ, công chức xã hoặc hoạt động không chuyên trách ở cấp xã từ đủ 55 tuổi 4 tháng (năm 2021) mà chưa đủ 15 năm đóng BHXH và không tiếp tục tham gia BHXH tự nguyện;
- Ra nước ngoài để định cư;
- Đang mắc một trong những bệnh nguy hiểm đến tính mạng như ung thư, bại liệt, xơ gan cổ chướng, phong, lao nặng, nhiễm HIV đã chuyển sang giai đoạn AIDS và những bệnh khác theo quy định của Bộ Y tế;
- Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp; sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ, học viên quân đội, công an... khi phục viên, xuất ngũ, thôi việc mà không đủ điều kiện để hưởng lương hưu;
- Tham gia BHXH bắt buộc sau 1 năm nghỉ việc hoặc tham gia BHXH tự nguyện sau 1 năm không tiếp tục đóng mà chưa đủ 20 năm đóng BHXH.
Như vậy, sau khi nghỉ việc 1 năm mà chưa đủ 20 năm đóng BHXH và có yêu cầu thì được hưởng BHXH 1 lần. Còn các trường hợp còn lại thì không cần đợi đủ 1 năm tính từ ngày nghỉ việc.
Hà TrầnGiá xăng trong nước ngày mai (23/1) được dự báo quay đầu giảm sau khi đã có 3 lần tăng liên tiếp. Nếu không tác động đến Quỹ bình ổn, giá xăng có thể giảm khoảng 50-150 đồng/lít, trong khi giá dầu diesel có khả năng tiếp tục tăng.